'Biết người, biết ta' để không bị thiệt

Một sự kiện hy hữu tại SEA Games 32 vừa xảy ra ở môn Pencak Silat. Võ sĩ Hoàng Nguyễn Hồng Ân của Việt Nam thắng 'knock out' võ sĩ Indonesia Safira Meilani tại chung kết Tanding B hạng cân 50-55kg nữ, cô đoạt huy chương vàng nội dung này. Tuy nhiên sau đó, Hồng Ân bị trọng tài phạt thẻ đỏ, tước huy chương.

Sự cố khiến võ đài Pencak Silat trở nên căng thẳng, thậm chí xô xát đã diễn ra giữa Ban huấn luyện 2 đội. Nhưng cuối cùng, tuyển Việt Nam với những huấn luyện viên dạn dày kinh nghiệm, nắm luật rất rõ đã khiến Indonesia khiếu nại bất thành, trả lại vinh quang cho cô gái Việt Nam. Thế mới biết, trong thi đấu quốc tế, hiểu luật và tuân thủ luật để không bị thiệt quan trọng như thế nào!

Kịch tính đẩy lên cao nhất trong trận chung kết hạng cân 50-55kg Pencak Silat. Võ sĩ Việt Nam Nguyễn Hoàng Hồng Ân bị vận động viên Indonesia Safira Meilani thắng áp đảo với tỷ số 43-61, cả nhà thi đấu nín thở trước tỷ số quá chênh lệch giữa 2 võ sĩ. Khán giả trên sân, đặc biệt là các cổ động viên Indonesia chuẩn bị ăn mừng thì cục diện thay đổi. Khi trận đấu chỉ còn 18 giây, Nguyễn Hoàng Hồng Ân tung ra một đòn khóa tay hiểm hóc, không cho đối thủ một cơ hội nào để thoát ra, buộc lòng phải chấp nhận thua cuộc. Đây được xem như một cú knock-out thường thấy trong các môn võ. Hồng Ân chuyển bại thành thắng khi trận đấu chỉ còn tính bằng giây.

Thẻ đỏ đã được trọng tài sử dụng khi không nắm chắc luật thi đấu

Thẻ đỏ đã được trọng tài sử dụng khi không nắm chắc luật thi đấu

Ngay sau khi trọng tài xử thắng cho võ sĩ Việt Nam, lãnh đội Pencak Silat Indonesia lao vào phản ứng. Ban huấn luyện Việt Nam cũng đáp trả, dẫn đến tranh cãi. Một thành viên Indonesia thậm chí còn có hành động không đẹp với Ban huấn luyện Việt Nam. Ban tổ chức, lực lượng an ninh và tình nguyện viên tại nhà thi đấu phải vất vả ngăn cản, tránh để xảy ra xô xát. Sau khi “hạ nhiệt”, tổng trọng tài, cũng là người Indonesia, bất ngờ hủy kết quả thắng knock-out, tính trận đấu theo điểm số. Điều này đồng nghĩa Hồng Ân bị tước huy chương vàng để trao cho Safira.

Phó Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Hoàng Quốc Vinh nói: Nhờ nắm chắc luật thi đấu Pencak Silat, Ban huấn luyện Việt Nam chấp nhận đóng 200 USD để khiếu nại. Tôi đã xem xét luật thi đấu Pencak Silat rất kỹ. Bộ môn này xuất xứ từ Indonesia, luật do họ đặt ra, họ buộc phải tuân thủ. Tôi cũng nhân lúc khiếu nại đề nghị ban tổ chức phải công bằng và tôn trọng luật. Pencak Silat không chỉ ở Đông Nam Á mà từng được đưa vào thi đấu tại ASIAD. Trước lập luận của chúng tôi và thực tế từ trận đấu, Ban tổ chức phải thừa nhận chiến thắng cho Hồng Ân.

Nhờ nắm chắc luật thi đấu, Hồng Ân đã được vinh danh

Nhờ nắm chắc luật thi đấu, Hồng Ân đã được vinh danh

Ở lĩnh vực thể thao, sự tranh chấp trong những môn định tính luôn xảy ra. Điều quan trọng là các bên phải tôn trọng luật, tôn trọng trọng tài và nắm rõ luật thì mới khiếu nại để đòi công bằng cho vận động viên. “Khi trận đấu chưa kết thúc mà đối phương đánh được đòn khó, đối thủ xin bỏ cuộc thi giành chiến thắng. Với môn võ Pencak Silat, chỉ cần đối phương vỗ tay xuống sàn hoặc hô “á” thì coi như một cú “knock out”” - ông Nguyễn Văn Hùng, huấn luyện viên Pencak Silat Việt Nam lý giải thêm.

Biết luật để không phạm luật và nắm rõ luật để không bị xử ép trong các môn thể thao định tính hoặc những bộ môn cảm tính như thể dục dụng cụ, Wushu… đó thật sự là kinh nghiệm quý mà các bộ môn khác cần lưu ý để bảo vệ vận động viên của mình khi cần.

Hưng Cát - Nguyễn Tấn (từ Phnom Penh, Campuchia)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/18/144101/biet-nguoi-biet-ta-de-khong-bi-thiet