Biết rồi, vẫn phải nói
Kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được xác định rõ, thì việc 'cài cắm' lợi ích là không thể tránh khỏi.
Có những vấn đề mà vị đại biểu nào đang dự họp ở phòng Diên Hồng cũng biết, bởi đã được nói từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác, từ kỳ họp này sang kỳ họp khác và đến nay, Quốc hội vẫn phải nói tiếp. Vì, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng luật đã, đang không được thực hiện nghiêm túc.
Tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội đều thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh cho năm sau, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nội dung này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình, trên cơ sở xem xét các tờ trình của Chính phủ, các cơ quan có quyền trình luật và của cả các vị đại biểu Quốc hội.
Khẳng định từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác lập pháp đã có nhiều đổi mới, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra không ít hạn chế. Như, việc chuẩn bị một số dự án chưa bảo đảm chất lượng, chưa đảm bảo thời gian, vẫn còn tình trạng chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong một số dự án luật… Nguyên nhân chủ yếu là tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm.
Đáng nói, đây là “điệp khúc buồn” của tất cả các phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Nhưng ở kỳ này, nỗi buồn nâng lên một mức, vì dù “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, vẫn chưa thấy có liệu pháp gì để chữa trị một cách hiệu quả, thậm chí, căn bệnh kinh niên nói trên ngày càng trầm kha.
Nỗi lo càng tăng lên khi nhìn vào những con số biết nói. Đó là tại Kỳ họp thứ ba (tháng 6/2022), Quốc hội quyết định chương trình năm 2023 gồm 15 dự án (thông qua 12 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến vào 2 dự án luật khác).
Đến Kỳ họp thứ năm này, số lượng dự án được trình bổ sung lớn hơn số lượng dự án đã được Quốc hội bấm nút quyết định (16 dự án, gồm 12 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh và 3 dự thảo nghị quyết).
Việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được một số vị đại biểu nhận xét thẳng thắn là thể hiện tư duy lập pháp, tư duy chính sách còn thiếu nhất quán, tầm nhìn chưa xa, không khác gì người lái ô tô cứ thỉnh thoảng lại đỗ lại để sửa.
Chắc chắn, mỗi lần chiếc “ô tô” ấy đỗ lại, dù chỉ để sửa chữa, cũng khiến người dân, đặc biệt là doanh nghiệp “thót tim”. Bởi chính sách thiếu nhất quán, thiếu ổn định, khó dự báo khiến doanh nghiệp (đôi khi) còn sợ hơn cả nỗi sợ thiếu vốn. Chưa kể, tình trạng cập rập khiến chất lượng các đạo luật chưa cao, luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư cũng “hành” không ít người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, khi kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được xác định rõ, thì việc “cài cắm” lợi ích là không thể tránh khỏi.
Các nhiệm kỳ trước, tình trạng Quốc hội “bắc nước chờ gạo” đã khiến cơ quan lập pháp hết sức sốt ruột. Nhưng đến nay, theo nhận xét của đại biểu, vẫn là căn bệnh kinh niên, chưa có thuốc chữa.
Bên cạnh nguyên nhân kỷ luật, kỷ cương không được thực hiện một cách nghiêm túc, có đại biểu đã đặt vấn đề rằng, liệu có tình trạng nể nang, tùy tiện hay không.
Lập lại kỷ cương trong công tác lập pháp như đề nghị của các vị đại diện cho nhân dân chắc không khó đến nỗi bất khả thi. Lý do cần điểu chỉnh, cần bổ sung luật này, nghị quyết khác để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống bao giờ cũng đầy tính thuyết phục. Song, Quốc hội đã quyết mà cơ quan trình dự án không thực hiện đúng thời gian, hồ sơ không đầy đủ, chất lượng thấp thì kiên quyết trả lại, rồi xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu (qua giám sát, chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm…) cũng thuyết phục không kém.
Bên cạnh các đạo luật, Quốc hội còn có các cách thức khác để ban hành những chính sách đặc biệt, đặc thù nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống trong những tình huống khẩn cấp, hoàn cảnh đặc biệt. Vậy nên, “khó tính” hơn trong việc đưa vào, rút ra khi thiết kế các chương trình xây dựng luật có lẽ cũng là yêu cầu không hề “khó tính”.
Và để từ năm sau, giữa phòng họp Diên Hồng, đại biểu không còn phải mất thêm thời gian cho những việc “biết rồi, khổ lắm”, mà vẫn phải nói tiếp, như ở phiên thảo luận vừa qua.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/biet-roi-van-phai-noi-d190530.html