Biết soi, biết sửa, mở cửa lòng Dân - Bài 1: Những cán bộ '7 dám'
Tự soi, tự sửa là quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước và là yêu cầu cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng đang tích cực triển khai thực hiện đợt sinh hoạt chính trị 'tự soi, tự sửa' theo tinh thần Kết luận 21-KL/TW ngày 25/10/2021 tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII. Ở Tuyên Quang, việc chữa bệnh 'sợ soi, ngại sửa' được thực hiện trên tinh thần lấy chủ động phòng ngừa, lấy xây là chính; kỷ luật là để 'trị bệnh cứu người', không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh. Tự soi, tự sửa được thực hiện theo nguyên tắc: Trên soi, dưới soi và tự mình soi. Báo Tuyên Quang giới thiệu tới bạn đọc loạt bài: 'Biết soi biết sửa, mở cửa lòng Dân'.
Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, trong những năm qua, Đảng ta đã chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần "dám" qua nhiều kỳ Đại hội. Đại hội XII của Đảng: 3 dám: "Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm". Đại hội XIII của Đảng: 6 dám: "Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách". Mới đây, phát biểu tại Hội nghị Quân ủy Trung ương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh về xây dựng đội ngũ cán bộ theo tinh thần "7 dám": "Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung".
Với trách nhiệm trước Đảng, trước dân, đội ngũ cán bộ từ tỉnh tới cơ sở ở Tuyên Quang đã nghiêm khắc tự nhìn lại mình, tự soi tự sửa, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của dân để có những quyết sách kịp thời, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đem lại đời sống ấm no cho người dân. Họ là những tấm gương tiêu biểu, nỗ lực hết sức mình trong từng cương vị, chức trách nhiệm vụ được giao, thể hiện sự sáng tạo, quyết tâm đổi mới trong mỗi việc làm cụ thể.
Lắng nghe Dân để sửa mình
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong mọi quyết sách quan trọng đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ tỉnh tới cơ sở ở Tuyên Quang luôn đặt lợi ích của dân lên hàng đầu. Xem việc đó đã có lợi cho dân chưa, đã thực sự là nguyện vọng chính đáng của dân không, thì mới quyết định làm.
Câu chuyện về tuyển dụng giáo viên mầm non mà UBND tỉnh Tuyên Quang vừa giải quyết đã khẳng định việc lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân để có những quyết sách kịp thời.
Mạng xã hội Facebook thời điểm tháng 7/2023 "nóng" thông tin một số giáo viên mầm non tỉnh Tuyên Quang gửi "tâm thư” đến Trung ương và tỉnh đề nghị được tuyển dụng đặc cách. Lý do là UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch tuyển viên chức năm 2023. Điều đó chẳng có gì đáng nói vì vẫn theo như quy định tuyển dụng hằng năm. Nhưng một số giáo viên đã dạy hợp đồng lâu năm tỏ ra lo lắng nếu thi tuyển công bằng thì rất có thể nhiều người sẽ mất việc vì thi trượt. Do vậy một số giáo viên đã bày tỏ nỗi niềm trên trang Facebook cá nhân của mình. Một số bình luận cũng đưa ra những nhận định không đúng, dẫn đến tạo dư luận trái chiều, ảnh hưởng đến tâm tư của một số giáo viên, gây phức tạp tình hình trong lúc thời điểm đã chuẩn bị bắt đầu bước vào năm học mới.
Ngay sau khi nắm bắt được dư luận, trên cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về lĩnh vực giáo dục và đào tạo và có cuộc họp với lãnh đạo một số sở, ngành, UBND các huyện, thành phố liên quan để giải quyết vấn đề này. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ xin ý kiến điều chỉnh phương thức từ thi tuyển sang xét tuyển. Được sự nhất trí của Bộ Nội vụ, ngày 19-7-2023, UBND tỉnh có Văn bản số 756/QĐ-UBND về việc điều chỉnh phương thức tuyển dụng viên chức năm 2023 từ thi tuyển sang xét tuyển.
Quyết định này đã nhận được sự tán thành của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là những giáo viên hợp đồng.Qua đó một lần nữa khẳng định, tinh thần "dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm" của lãnh đạo UBND tỉnh Tuyên Quang.
Nhận nhiệm vụ khó
Sóng ngầm tà đạo vẫn luôn diễn ra ở các địa phương nơi có đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh. Núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt đồng bào dân tộc Mông ở huyện Hàm Yên gây bất ổn an ninh chính trị, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Với chức trách nhiệm vụ của mình và với tinh thần "Nói đi đôi với làm", đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Phạm Kim Đĩnh đã đăng ký nhiệm vụ đột phá với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang. Trong đó xây dựng bằng được những điển hình về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các địa bàn từng bị ảnh hưởng bởi "Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình"; đấu tranh xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, giữ vững ổn định anh ninh chính trị trên địa bàn.
Để thực hiện nhiệm vụ đột phá, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã cùng với Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an toàn tỉnh về cùng với cán bộ, đảng viên ở cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân, giúp Nhân dân phát triển kinh tế nâng cao đời sống, bằng những việc làm cụ thể, như: làm đường giao thông nông thôn, xây dựng kênh mương nội đồng; huy động nguồn lực xây dựng các lớp học, điểm trường học vùng cao; hỗ trợ làm 1.500 ngôi nhà ở cho hộ nghèo là người Mông.
Từ cách thức dân vận hướng về cơ sở, đến nay 10 xã của 5 huyện trong tỉnh được chuyển hóa, 4.080 người dân được đưa ra khỏi diện bị ảnh hưởng của "Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình", người dân đã yên tâm lao động sản xuất, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước ta. 10/10 xã (Thượng Nông, huyện Na Hang; Linh Phú, Tri Phú thuộc huyện Chiêm Hóa; Minh Hương, Yên Lâm, Tân Thành, Yên Phú thuộc huyện Hàm Yên; Trung Minh, Hùng Lợi thuộc huyện Yên Sơn và Đông Thọ thuộc huyện Sơn Dương); mỗi xã có ít nhất 01 mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động hiệu quả. 10/10 xã đã lựa chọn, xây dựng, tôn vinh hình ảnh "cá nhân, hộ gia đình người dân tộc Mông gương mẫu, tiêu biểu trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", "Thôn đạt tiêu chí về an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới".
Giúp dân thoát nghèo
Tuyên Quang là tỉnh còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trước thực trạng đời sống của một bộ phận Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành "Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025".
Thực hiện Đề án cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, đã có rất nhiều cách làm hay, sáng tạo ở cơ sở, trong đó có việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc đóng góp, huy động các nguồn lực để làm nhà ở cho hộ nghèo, góp phần đạt mục tiêu của Đề án.
Tính đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện làm mới và sửa chữa cho 3.528/3.820 hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 350 tỷ đồng, đạt 92,3% kế hoạch của giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, làm mới 3.256 nhà, sửa chữa 272 nhà.
Với những chủ trương, giải pháp mang tính đột phá, đổi mới trong công tác cán bộ, cùng với tinh thần "7 dám" của đội ngũ cán bộ tỉnh Tuyên Quang, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh đã và đang từng bước được đẩy mạnh, phấn đấu đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.