'Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe'
Vụ 4 nữ tiếp viên của hãng Hàng không Vietnam Airlines liên quan đến việc vận chuyển hơn 11kg ma túy các loại đang là thông tin nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Trong một động thái mới nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết đã ra quyết định trả tự do cho 4 tiếp viên do chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự. Tuy nhiên, không ít đối tượng xấu lại cố tình tung ra các luận điệu suy diễn để kích động sự hoài nghi trong dư luận, tạo cớ chống phá Đảng, Nhà nước.
Vụ 4 nữ tiếp viên hàng không Trần Thị Thu Ngân, Võ Tú Quỳnh, Nguyễn Thanh Thủy và Đặng Phương Vân liên quan đến việc vận chuyển trái phép ma túy từ Pháp về Việt Nam đang là đề tài nóng trên các mặt báo cũng như các diễn đàn xã hội. Sau một thời gian khẩn trương tiến hành xác minh, kiểm tra, các cơ quan chức năng đã họp, đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ thu thập được và đối chiếu các quy định của pháp luật, bước đầu xác định chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với 4 nữ tiếp viên. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không.
Lợi dụng sức nóng của dư luận, giới “dân chủ” cũng nhanh chóng bắt sóng, đưa ra các thông tin sai trái để hướng lái tiêu cực. VOA Tiếng Việt rêu rao luận điệu: “Luật VN rất nhân đạo hay nhất bên trọng nhất bên khinh: Có đủ tang chứng vật chứng về xách tay ma túy vẫn được trả tự do, nhưng đăng bài lên mạng lại bị án tù nặng dù nhà chức trách chỉ có chứng cứ mơ hồ về “bôi nhọ”, “lật đổ”?”. Trong khi đó, Việt Tân lại vẽ ra các “thuyết âm mưu”, rêu rao những phán đoán vô căn về nhân thân, lý lịch của các cá nhân liên quan và cho rằng trong 4 nữ tiếp viên có người nhà, người thân của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nên đã được bỏ qua vi phạm. Từ đó, Việt Tân quy chụp “công lý chỉ là diễn viên hài!”. Ngoài ra, không ít “điều tra viên mạng”, “kiểm sát viên tự phong”, “thẩm phán dân chủ” cũng đăng đàn công kích các cơ quan tố tụng, đưa ra những nhận định vô căn cứ đối với vụ án.
Phải khẳng định rõ, nhận thức được tác hại của ma túy đối với mỗi cá nhân và xã hội, những năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để phòng chống. Chính sách của nước ta là thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống ma túy; kết hợp với phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác. Pháp luật nghiêm cấm hàng loạt hành vi như: nghiên cứu, tàng trữ, vận chuyển, phân phối, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, bảo quản chất ma túy, tiền chất trái quy định của pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy… Đối với những trường hợp vi phạm, pháp luật quy định những chế tài hết sức nghiêm khắc. Trong Bộ luật Hình sự, có hẳn một chương quy định các tội phạm về ma túy (chương XX). Trong đó, hình phạt cao nhất mà người vi phạm có thể phải đối mặt là tử hình. Nói như vậy để thấy, pháp luật Việt Nam vô cùng nghiêm khắc đối với các vi phạm liên quan đến ma túy.
Quay lại vụ việc 4 nữ tiếp viên, một số luận điệu cho rằng việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh ra quyết định trả tự do cho những người này là không đúng quy định. Đi liền với đó là hàng loạt thông tin mang tính chất suy diễn, võ đoán, kích động hoài nghi, gây hoang mang dư luận. Vậy sự thực như thế nào?
Xét trên tinh thần pháp luật, tại khoản 1, Điều 8, Bộ luật Hình sự quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý”. Nói cách khác, người vi phạm phải có lỗi hoặc là cố ý, hoặc là vô ý. Trong đó, lỗi cố ý được thể hiện ở việc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra (cố ý trực tiếp) hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (lỗi cố ý gián tiếp). Về lỗi vô ý, đó là việc người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Đối chiếu với quy định của pháp luật, trong vụ việc 4 nữ tiếp viên, căn cứ trên tài liệu thu thập được tính đến thời điểm hiện tại bước đầu xác định: Khi 4 người đang lưu trú tại Pháp thì có một đối tượng người Việt Nam nhờ chuyển hàng tiêu dùng là 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng về nước để gửi cho người nhà qua sân bay Tân Sơn Nhất. Như vậy, chưa đủ cơ sở kết luận hành vi của 4 nữ tiếp viên hàng không là có lỗi hay không có lỗi. Theo quy định tại Điều 20, Bộ luật Hình sự về sự kiện bất ngờ thì: “Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Do vậy, việc trả tự do cho 4 nữ tiếp viên tính đến thời điểm hiện tại là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vận chuyển trái phép chất ma túy” để điều tra làm rõ bản chất vụ án và các cá nhân liên quan. Trong quá trình điều tra, 4 nữ tiếp viên vẫn phải phối hợp khi có yêu cầu. Trong trường hợp đủ căn cứ chứng minh 4 người này có lỗi thì cơ quan chức năng sẽ khởi tố bị can và tiến hành các biện pháp tố tụng tiếp theo đúng quy định của pháp luật.
Và cũng nói thẳng, nếu có tài liệu chứng minh 4 nữ tiếp viên phạm tội thì dù họ có nhân thân, lý lịch như thế nào cũng chẳng thể thoát được. Pháp luật là công bằng, nghiêm minh và bình đẳng. Thời gian vừa qua, ngay cả những người từng là ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng cũng bị xử lý hình sự. Vì vậy, chẳng “bàn tay” nào có thể “che trời”, dung túng cho sai phạm của các nữ tiếp viên hàng không.
Nhìn lại vụ việc 4 nữ tiếp viên, không khó để nhận thấy có nhiều nét tương đồng trong các vụ án “nóng” trước đó như vụ “nữ sinh giao gà”, vụ án Gateway hay vụ án “nữ sinh bị hiếp dâm khi đi học quân sự”… Bất chấp việc các cơ quan tố tụng đang tập trung xác minh làm rõ bản chất vụ án thì các đối tượng xấu lại rêu rao những luận điệu sai trái nhằm câu view, câu like, chống phá chính quyền. Vậy nhưng thực tế đã chứng minh, các phán đoán của những “điều tra viên mạng”, “kiểm sát viên tự phong”, “thẩm phán dân chủ” chẳng những không giúp sự thực được đưa ra ánh sáng mà còn gây nhiễu loạn tình hình. Vì vậy, “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”!