Biệt thự cổ trăm tuổi trên đỉnh sương tuyết Mẫu Sơn
Giống như khu du lịch ở Sa Pa, Tam Đảo,... đều do người Pháp xây dựng, nhưng Mẫu Sơn gần như là nơi duy nhất còn giữ được vẻ cổ kính, hoang sơ. Ở xứ sở của mây và tuyết có quần thể biệt thự rất tráng lệ, xa hoa.
Dù hơn 100 năm trôi qua, những công trình còn lại cũng đủ cho ta hình dung về một khu du lịch nổi danh được người Pháp phát hiện và kiến tạo từ đầu thế kỷ XX, sánh ngang với Sa Pa, Tam Đảo, Bà Nà và Đà Lạt.
Từ Hà Nội lên TP. Lạng Sơn, rẽ theo Quốc lộ 4B về hướng Đông chừng 15km sẽ đến đường lên núi Mẫu Sơn. Quãng đường 13km dốc và hẹp quanh co lên tới đỉnh này là lối lên Mẫu Sơn từ thời Pháp thuộc. Càng lên cao, cảm giác càng thích thú và choáng ngợp trước cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Với độ cao từ 1.200-1.500m so với mực nước biển, Mẫu Sơn là xứ sở của gió, mây, sương mù và tuyết phủ. Hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ trùng điệp tạo nên một Mẫu Sơn kỳ thú như cảnh tiên ở chốn trần.
Biệt thự cổ trong sương
Dù đã đi qua nhiều khu du lịch vùng cao như Sa Pa, Tam Đảo,... được người Pháp xây dựng tại Đông Dương, nhưng Mẫu Sơn gần như là nơi duy nhất còn giữ lại vẻ cổ kính và hoang sơ - một không gian rộng lớn mang lại sự cuốn hút đầy tiềm ẩn. Có lẽ, sự chậm chân vì gần như bị bỏ rơi giữa làn sóng bùng nổ du lịch đã giữ nét riêng còn lại hiếm có của Mẫu Sơn - nét riêng của “Di tích du lịch”.
Từ thập niên đầu của thế kỷ trước, người Pháp đã làm đường lên núi và xây dựng tại đây khoảng 40 ngôi nhà đậm kiến trúc phương Tây bằng đá khối làm nơi nghỉ dưỡng cho giới quan chức và thượng lưu, như biệt thự 9 gian, biệt thự Mây, khu nhà thờ,...
Những ngôi nhà xây bằng đá suốt 100 năm đã nhuốm màu thời gian, tường phủ rêu phong, thiên nhiên khắc nghiệt cũng làm đổ hỏng nhưng vẫn còn nguyên dấu tích,... chính là nét duyên thầm điểm tô cho vẻ hoang sơ, bí ẩn và có chút kiêu hãnh của núi rừng Mẫu Sơn.
Trên đỉnh khu du lịch phủ sương này, nhà chín gian là ngôi biệt thự cổ đến nay được bảo tồn nguyên vẹn nhất trong quần thể kiến trúc Pháp đã tồn tại cả 100 năm.
Chủ nhân ngôi biệt thự cổ là ông Quan Văn Sính, dù tuổi đã cao nhưng vẫn còn rắn rỏi và rất tinh anh. Thật khó tin, ông đã cắm mình 20 năm trên đỉnh núi trùng điệp sương tuyết này để tôn tạo lại nguyên trạng ngôi biệt thự từ kích cỡ đá xây tường, từ bậc thang đá đến hàng rào tường đá đổ cũ.
Vốn là người làm nghề xây dựng thêm với tâm thức muốn giữ nguyên một không gian kiến trúc hiện hữu có sẵn, ông bỏ hết công hết tiền của vào tu tạo biệt thự Pháp cổ. Ai một lần qua đây cũng phải trầm trồ thán phục bởi những đường nét kiến trúc không thể chê được chi tiết nào của người Pháp.
Ông tâm sự, không hiểu cách đây hơn 100 năm, chỉ với các công cụ thô sơ người Pháp đã làm cách nào để xây được những ngôi biệt thự như thế này trên đỉnh Mẫu Sơn.
Làm chủ ngôi biệt thự cổ 100 tuổi hiếm có, nếu ở dưới xuôi có lẽ ông là đại gia tiền to nhưng thật bất ngờ khi biết lý do ông đến với đỉnh núi này.
Ông bật mí, ban đầu, ông cũng không nắm được giá trị, cũng chả thích gì bỏ nhà lên núi ở biệt thự. Chả là, nhà nước nợ tiền xây dựng công trình của ông, không biết làm sao, ông đành gom tất tật chút tiền còn lại đấu giá đổi lấy ngôi nhà đổ trên đỉnh hoang Mẫu Sơn. Đấu giá xong, hợp tác xã xây dựng của ông cũng đổ bể từ đó.
Làm chủ biệt tự nhưng ông Sính phá sản, không còn vốn liếng làm lại nghề xây dựng, ông đành lên núi ở... biệt thự và kiếm sống từ nguồn khách du lịch bụi.
Di sản trong dòng biến đổi
Gắn bó 20 năm ở nơi đây, Mẫu Sơn giờ đã là quê hương ông. “Ở mãi rồi cũng yêu quý nơi này hơn mọi thứ”, ông Sính tâm sự.
Ông kể, những mùa giá bấc, tuyết phủ, rét dưới âm độ mọi người đều xuống núi tránh rét, chỉ còn mình ông với bếp lửa sưởi ấm trong căn biệt thự đá. Chìa khóa các ngôi nhà trên đỉnh này đều được gom lại, đưa cho ông giữ. Tết nào cũng thế, chỉ mình ông là người thành phố đón giao thừa ở đây cùng với bà con người Dao trên đỉnh núi Mẹ.
Đồng bào các thôn Khuổi Cấp, thôn Khuổi Tẳng, Trà Ký,... đều gọi ông là “ông già” - ông già Mẫu Sơn! Nấu rượu họ cũng hỏi ông, bán rượu họ cũng hỏi ông, có con gà, con lợn ngon họ cũng đến gọi ông.
Mặc nhiên, 20 năm nay họ coi sự hiện diện của ông và ngôi nhà Pháp cổ chín gian như linh hồn của Mẫu Sơn này.
Trời rét, ngồi nghe ông say sưa kể từng con núi, từng khe suối, từng thôn bản thuộc như trong lòng bàn tay mà thấy ấm lòng. Ông còn kể về cái năm 2002, khi ông được giao luôn việc mở đường đi lên núi Phặt Chỉ khó nhọc và gian nan, vì lâu không có ai đến đó nên đường mòn cũng chả còn. Ông cũng từng nghe người già nói ngày xưa trên đỉnh núi có ngôi chùa cổ mỗi chiều tiếng chuông ngân vang đến tận phố Lộc Bình...
Đất thương người, người gắn vào đất, ông Sính giờ cũng ấp ủ những ý tưởng về phát triển du lịch nhờ tận dụng những gì còn sót lại của khu biệt thự cổ độc đáo kết hợp với văn hóa cộng đồng người Dao.
Nhưng, Mẫu Sơn sắp đổi thay, những tàn phai một thuở sẽ dần được tôn tạo để trở thành một thị trấn du lịch tầm cỡ. Hồi tháng 9/2019, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019, UBND tỉnh Lạng Sơn đã trao chứng nhận đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái Mẫu Sơn để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch.
Theo đó, trong tương lai gần, Mẫu Sơn sẽ được đầu tư để trở thành một trung tâm du lịch du lịch sinh thái đậm bản sắc vùng núi phía Bắc, là điểm thu hút lượng khách không nhỏ đến với xứ hoa đào Lạng Sơn.
Mẫu Sơn đổi thay, đời ông Sính cũng thêm một lần biến động. Ai cũng nghĩ, Mẫu Sơn thành trung tâm du lịch, ông Sính làm chủ ngôi biệt thự cổ này mà đưa vào kinh doanh, chắc thành đại gia đích thực. Nào ngờ, ông cho hay nhà nước thông báo rồi, ông cũng không giữ, để DN lớn đầu tư vào cho đẹp, cho thuận lợi; để nhiều người biết đến Mẫu Sơn hơn, cho người dân nơi đây được mở mang hơn. Chỉ có điều là họ trả cho mình như thế nào thôi.
“Công sức thì nhiều lắm, ngôi nhà này cũng đẹp lắm nên những kỷ niệm 20 năm hồi sinh nó từ một đống hoang tan trở về nguyên bản không luyến tiếc sao được. Nó như một phần đời mình, nhưng vì việc chung mình không thể từ chối. 20 năm là đủ rồi, chỉ mong những di sản này được trân trọng và giữ gìn như một phần hồn của Mẫu Sơn", ông Sính ngậm ngùi.
Để mai đây đến Mẫu Sơn, khách vẫn được ngắm mây, sương tuyết đầy trời, đắm mình trong không gian và dấu ấn văn hóa, con người bản địa cùng những di sản kiến trúc trăm năm thăng trầm.