Biệt thự cũ ở TP.HCM sẽ được xử lý ra sao?
Đối với nhà biệt thự cũ nhóm 1, việc sửa chữa cải tạo cần đảm bảo giữ nguyên kiến trúc bên ngoài bao gồm cả hình dáng kiến trúc, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có ý kiến về hướng xử lý đối với các biệt thự cũ đã được phân loại nhóm 1, nhóm 2.
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng đối với các biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975 theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 25 Quyết định số 17/2024.
Sở Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi tự ý tháo dỡ, chia cắt biệt thự cũ trái phép theo quy định pháp luật.
Sở QHKT được giao xây dựng quy trình cụ thể, đối với các biệt thự cũ sau khi có quyết định phê duyệt nhóm 1, nhóm 2 của UBND TP.
Việc sửa chữa cải tạo đảm bảo nguyên tắc như sau:
Đối với nhà biệt thự nhóm 1: Việc sửa chữa cải tạo cần đảm bảo giữ nguyên kiến trúc bên ngoài, bao gồm cả hình dáng kiến trúc, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao.
Đối với các trường hợp biệt thự hư hỏng nặng cần thiết phải tháo dỡ, lãnh đạo TP giao Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì báo cáo UBND TP việc tháo dỡ công trình nguy hiểm theo quy định.
Trong đó cần lưu ý đối với các biệt thự đã được phân loại nhóm 1 phải phối hợp Sở QHKT, Sở VH&TT, UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện, để thực hiện khảo sát kiểm đếm, lưu trữ vật liệu nguyên gốc, hình ảnh nội ngoại thất công trình làm cơ sở cấp phép khi xây dựng lại.
Sau khi đã thực hiện đầy đủ theo quy trình, xem xét xây dựng lại trên khuôn viên biệt thự cũ theo đúng quy mô, hình thức kiến trúc đã được kiểm đếm lưu giữ hình ảnh, cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xem xét hướng dẫn việc cải tạo sửa chữa, xây dựng đảm bảo tuân thủ quy định trên.
Đối với nhà biệt thự nhóm 2: Việc sửa chữa cải tạo cần đảm bảo giữ nguyên kiến trúc bên ngoài. Trường hợp lô đất có biệt thự nhóm 2 còn hệ số sử dụng đất theo đồ án quy hoạch được duyệt, có thể xây dựng thêm nhưng phải đảm bảo không vượt hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, khoảng lùi theo quy hoạch được duyệt, không che chắn mặt đứng chính của biệt thự.
Đối với các trường hợp biệt thự hư hỏng nặng cần thiết phải tháo dỡ, Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì báo cáo UBND TP việc tháo dỡ công trình nguy hiểm theo quy định. Trong đó cần lưu ý đối với các biệt thự đã được phân loại nhóm 2 phải phối hợp Sở QHKT, Sở VH&TT, UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện để khảo sát, kiểm đếm, lưu trữ vật liệu nguyên gốc, hình ảnh ngoại thất công trình làm cơ sở cấp phép khi xây dựng lại.
Sau khi đã thực hiện đầy đủ theo quy trình, trường hợp có vị trí kế cận hoặc nằm trong khu vực tập trung các biệt thự hiện hữu có giá trị kiến trúc xem xét cho phép xây dựng lại trên khuôn viên biệt thự cũ theo quy mô, hình thức kiến trúc bên ngoài đã được lưu giữ nhằm hài hòa không gian kiến trúc cảnh quan khu vực.
Trường hợp lô đất còn hệ số sử dụng đất theo đồ án quy hoạch được duyệt có thể xây dựng thêm nhưng phải đảm bảo không vượt hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, khoảng lùi theo quy hoạch được duyệt, không che chắn mặt đứng chính của biệt thự.
Trường hợp nằm trong vị trí xen lẫn các công trình cao tầng, nhà phố sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp, đối chiếu quy hoạch được duyệt, cảnh quan khu vực, báo cáo UBND TP xem xét quyết định.
Nguồn PLO: https://plo.vn/biet-thu-cu-o-tphcm-se-duoc-xu-ly-ra-sao-post832783.html