Biệt thự tiền tỷ miền quê, không nhanh chuyển hóa rồi cũng bỏ hoang

Đừng nghĩ 'mua xong có thể lướt sóng', mà theo các chuyên gia, bất động sản nghỉ dưỡng là đầu tư trung hạn.

Biệt thự hoang sống lại nhờ công nghệ

Chia sẻ tại một diễn đàn về bất động sản nghỉ dưỡng và homestay mới đây, ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty CP Phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô, chia sẻ, hầu như người dân Hà Nội đều có nhu cầu mua một căn biệt thự ở ngoại ô, từ 3-5 nghìn đến hàng chục nghìn m2, để xây một ngôi nhà lớn có bể bơi riêng, có vườn tược, trồng rau, nuôi gà. Họ thuê một số người làm vườn để chăm sóc nhà của họ. Bốn thủ phủ chính bao gồm: Lương Sơn (Hòa Bình), Hòa Lạc, Ba Vì, Sóc Sơn.

Theo đánh giá của ông Trung, sau năm 2015 đến nay, chỉ 20% lượng biệt thự nghỉ dưỡng tại khu vực ngoại ô còn được sử dụng, 80% còn lại nhanh chóng chuyển hóa, cải tạo thành những homestay, có thể cho thuê. Rất may mắn nhờ những ứng dụng công nghệ mới mà việc trao đổi phòng khá tốt, chỉ còn một lượng nhỏ bị hoang hóa.

Đại gia nghỉ dưỡng lao đao trước sóng gió

Đại gia nghỉ dưỡng lao đao trước sóng gió

Triển vọng của thị trường, theo ông Trung, trong ngắn hạn sẽ khiến thị trường này sôi động lên. Vấn đề lớn nhất của thị trường nghỉ dưỡng ven đô là chưa chính thức được gọi là thị trường, vì đang còn là một dung lượng nhỏ trong tổng cơ cấu, khi thị trường có sự trao đổi qua lại trong ngắn hạn sẽ có sự thay đổi lớn, sự cạnh tranh lớn, tác động ngược vào những dự án những sản phẩm mang tính đặc trưng cao.

Đánh giá về thị trường, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội, đưa ra khảo sát cho thấy, khách du lịch dự định sẽ thuê nguyên căn hộ hoặc căn nhà trong những chuyến du lịch trong vòng 3 năm tới. Con số này cao hơn hẳn so với 67% cho khách sạn và resort.

Lý giải tình trạng nhiều dự án bỏ hoang, ông Hiển cho rằng, không ai nói đầu tư trung hạn và dài hạn, đó là thiếu sót của thị trường, các nhà đầu tư đánh giá sai bản chất của sản phẩm. Kêu là đầu tư tiền chẵn mà thu tiền lẻ nhưng quên mất dự án đầu tư trung hạn ngắn hay dài hạn. Với tổng mức đầu tư đưa ra, bán phòng đó thật nhưng giá trị 5 năm sau là bao nhiêu tiền, so sánh với đầu tư ban đầu.

Theo ông Phan Xuân Cần - Chủ tịch SohoVietnam, bất động sản nghỉ dưỡng không còn nhiều tiềm năng nữa, mà tiềm năng là có rồi và đã khai thác rồi. Nếu tiếp tục làm phải lựa chọn địa điểm, danh mục đầu tư tốt, vì cuộc chơi bất động sản nghỉ dưỡng là cuộc chơi dài hạn, đầu tư tiền chẵn và thu tiền dần.

Không cần xịn, cần sang nhưng độc đáo

Để nghỉ dưỡng ven đô phát triển thực sự còn nhiều điều phải làm. Ông Phan Xuân Cần nhận định, bất động sản ven đô vẫn có thị trường dù tăng trưởng không sôi động nhưng chắc chắn, dòng tiền tốt, có lúc có thể đạt 1%/tháng. Nhưng những danh mục đầu tư đó phải có gì độc đáo, không cần xịn, không cần sang nhưng độc đáo.

“Ở khu vục Sông Đà, một chủ đầu tư đầu tư dự án có 31 phòng nghỉ, phong cách của người Thái, Mường... nếu ai đó đã đi trải nghiệm, đi thuyền qua sông Đà lên đó, giá phòng 2,5-3,5 triệu/đêm nhưng dòng tiền rất tốt. Vấn đề mấu chốt là cái mình làm phải nhắm tới cái độc đáo, khác biệt vì thị trường có quá nhiều sản phẩm”, ông nói.

BĐS nghỉ dưỡng cần có sự độc đáo

BĐS nghỉ dưỡng cần có sự độc đáo

Đồng quan điểm, ông Lương Ngọc Khánh, Giám đốc H&K Hospitality, cho rằng, nói đến homestay, đi nghỉ dưỡng,... đúng là mỗi sản phẩm cần có nét độc đáo riêng, có các trải nghiệm tốt để khách hàng quyết định chọn.

Ông Khánh kể câu chuyện có đặt căn hộ rất xịn homestay bên Mỹ, chủ nhà là CEO của tập đoàn có mấy trăm nhân viên. Ông Khánh hỏi chủ nhà: “Có nhiều tiền rồi làm homestay làm gì?”. Chủ nhà trả lời: “Tôi thích trải nghiệm, tiếp xúc với khách hàng và trao đổi văn hóa. Gia đình ở 1 tầng trên, tầng dưới có khu bếp vườn cây bể bơi, chủ nhà thường ngồi cà phê nói chuyện với khách. Ông ta chỉ cho tôi đồ đạc bát đĩa của ông bà từ thế kỷ trước, rượu xịn cứ uống... ”.

Chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, nhận định: “Dự án nào muốn phát triển thành công phải có yếu tố đó để khách đến trải nghiệm và mang về. Tôi đang phát triển các dự án du thuyền trên sông Hồng, Nha Trang, Hạ Long, tôi đưa các yếu tố văn hóa vào làm nên điểm mạnh khác biệt độc đáo, ăn điểm rất lớn”.

Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc kinh doanh một dự án bất động sản nghỉ dưỡng, để phát triển du lịch bền vững thì ngoài xây dựng các tiện ích cho khách cư trú, cần xây dựng các câu chuyện văn hóa.

“Tôi đi nhiều thấy các câu chuyện văn hóa du lịch. Đó là những cái thú vị để du khách ấn tượng đi về nhớ lâu. Đó là những cái đọng lại trong tư tưởng và khi ngồi nói chuyện với bạn bè có thể chia sẻ câu chuyện đó, ngôi nhà đó, trải nghiệm đó. Đó là hình thức quảng bá hiệu quả trong khi Việt Nam đang không chú ý”, ông nói.

Ở góc độ đầu tư, ông Dũng cho rằng, gãy hay không là do cách làm của chủ đầu tư, có phương án tốt hay không. Lên phương án đầu tư sẽ có dự phòng. Nhưng có nhiều trường hợp chủ đầu tư đẩy công cụ tài chính lên hơi cao thành ra mất kiểm soát.

Duy Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/bds-nghi-duong-dung-nghi-mua-xong-co-the-luot-song-duoc-khong-593474.html