Biệt thự trái phép, trách nhiệm cán bộ ở đâu?

Để xây dựng sai đến mức độ đã hoàn thành cả công trình biệt thự, biệt phủ thì chính quyền địa phương đã không làm tròn trách nhiệm.

Trong vòng 10 ngày, UBND xã Gia An (huyện Tánh linh, tỉnh Bình Thuận) ra tối hậu thư cho chủ căn biệt thự xây dựng trái phép tại địa phương phải tháo dỡ. Chủ nhân căn biệt thự xin kéo dài thời gian tháo dỡ nhưng không được chính quyền địa phương chấp nhận.

Vụ việc tương tự, "căn biệt phủ đẹp nhất Cà Mau" cũng bị chính quyền TP Cà Mau ra quyết định buộc tháo dỡ, khôi phục hiện trạng ban đầu do xây dựng trái phép. Nếu chủ nhân không chấp hành sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ. Trong thời gian này, tại TP Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước), chủ một căn biệt thự xây sai phép (vợ của một một phó chủ tịch xã) đã cam kết tháo dỡ trong vòng 60 ngày.

Dư luận rất hoan nghênh các quyết định cương quyết của chính quyền địa phương. Sai thì phải chấn chỉnh để làm gương. Nhưng nói thật, để xây dựng sai đến mức độ đã hoàn thành cả công trình biệt thự, biệt phủ thì chính quyền địa phương đã không làm tròn trách nhiệm rồi.

Biệt thự to oạch chễm chệ trên khu đất cả ngàn mét vuông chứ nhỏ bé gì đâu mà hoàn thiện rồi mới biết, mới kiên quyết xử lý. Người dân hay ví, vừa chở mấy bao xi măng đến cửa là cán bộ địa chính tới "hỏi thăm" rồi. Xây cả biệt thự mà vẫn "bình chân như vại" thì… ai trong cuộc mới hiểu. Mà thực tế, chuyện xây dựng trái phép, lách giấy phép, đóng phạt rồi xây… diễn ra khắp nơi. Thậm chí như ở Đồng Nai họ xây cả 700 căn nhà sai phép chỉ trên một phường nữa là.

Nói gì thì nói, để hiện trạng này diễn ra chính là do sự trách nhiệm của cán bộ địa phương. Còn vì sao họ thiếu trách nhiệm, vì sao họ lơ là, vì sao sai phạm dưới mắt nhưng cũng không thấy thì không quá khó lý giải. Hỏi người dân vì sao họ xây trái phép được thì rõ ngay.

Hậu quả của việc xây dựng trái phép lớn vô cùng. Ở góc độ hẹp thì nó làm gương xấu, nhiều người xem thường kỷ cương pháp luật. Góc độ lớn hơn là phá vỡ quy hoạch chung của địa phương, tác động xấu đến các chương trình xây dựng. Còn lớn hơn chính là ảnh hưởng trực tiếp đến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, xâm hại đến các công trình trọng điểm quốc gia, điển hình như vụ xây 700 căn nhà thuộc phạm vi tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Người dân sai, nếu được chấn chỉnh từ đầu thì hậu quả thiệt hại cũng nhỏ. Chứ còn nương nương cho xây dựng hoàn thành rồi cưỡng chế đập bỏ thì đúng là phí tiền như bụi đất.

Nguyên tắc của quản lý là chấn chỉnh sai phạm để làm gương. Kiên quyết xử lý người ngoan cố để mọi người phải thượng tôn luật pháp. Chứ cứ để sai phạm diễn ra rồi giải quyết hậu quả thì trách nhiệm của cán bộ địa bàn quá kém. Thậm chí nhiều cán bộ đã vướng vòng lao lý vì "mất trớn" với những sai phạm về xây dựng như trên.

Lập lại trật tự xây dựng, khâu đầu tiên chính là rà soát, chấn chỉnh cán bộ quản lý địa bàn. Vi phạm xây dựng thì chính anh phải chịu trách nhiệm. Nếu nhúng chàm với sai phạm thì xử lý nghiêm. Nếu không phát hiện sai phạm thì cho về vườn vì năng lực kém.

Hồ Phi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/biet-thu-trai-phep-trach-nhiem-can-bo-o-dau-1962408280938392.htm