Biểu dương nữ nhà giáo 'Giỏi việc trường - Đảm việc nhà'

Sáng nay (26/6), Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH về công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chỉ thị 03/CT-TLĐ về phong trào thi đua 'Giỏi việc trường - Đảm việc nhà' trong nữ công nhân viên chức lao động giai đoạn 2010 - 2020; biểu dương gia đình nhà giáo Thủ đô tiêu biểu và sáng kiến sáng tạo năm học 2019 - 2020.

Dự Hội nghị có: Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hợp; Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu; Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang.

Làm tốt công tác chăm lo

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Nữ công Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, những năm qua, Ban Nữ công Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu về công tác phụ nữ trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các công đoàn cơ sở trong công tác vận động nữ cán bộ giáo viên, nhân viên. Trên cơ sở đó chủ động phối hợp tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn.

Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hợp và Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu trao Giấy khen cho các tập thể đạt thành tích trong 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” giai đoạn 2010 - 2020.

Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hợp và Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu trao Giấy khen cho các tập thể đạt thành tích trong 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” giai đoạn 2010 - 2020.

Ngoài ra, các công đoàn cơ sở đã chủ động tham mưu, đề xuất có hiệu quả việc thực hiện chế độ chính sách có liên quan trực tiếp đến nữ cán bộ giáo viên, nhân viên; tập trung hướng dẫn nữ cán bộ giáo viên, nhân viên ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật lao động lao động; thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và những nội dung có lợi hơn cho nữ cán bộ giáo viên, nhân viên. Đây được coi là một trong những biện pháp thực hiện vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ.

Bên cạnh đó, các công đoàn cơ sở luôn quan tâm cải thiện điều kiện tại nơi làm việc như: Cải tạo nhà tắm, nhà vệ sinh, nơi làm việc, có những đơn vị có phòng nghỉ trưa cho nữ cán bộ giáo viên, nhân viên làm việc 2 buổi. Đồng thời tổ chức khám phụ khoa cho nữ cán bộ giáo viên, nhân viên; sắp xếp thời khóa biểu tạo điều kiện cho nữ nữ cán bộ giáo viên, nhân viên có con nhỏ dưới 12 tháng; thực hiện tốt chế độ chính sách đối với nữ cán bộ giáo viên, nhân viên; kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ nữ cán bộ giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh nan y, hiểm nghèo.

Trong 10 năm qua, vào các dịp 20/11, dịp Tết Nguyên đán, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã hỗ trợ 3.320 lượt nữ cán bộ giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 5.000.000.000 đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa Mái ấm Công đoàn cho 108 nữ cán bộ giáo viên, nhân viên khối quận/huyện và 27 nữ cán bộ giáo viên, nhân viên khối trực thuộc với tổng số tiền hỗ trợ là 1.350.000.000 đồng; tổ chức gặp mặt, tặng quà 130 lượt nữ cán bộ giáo viên, nhân viên có chồng đang công tác tại biển đảo nhân dịp Tết Nguyên đán với tổng số quà tặng trị giá 390.000.000 đồng.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu phát biểu tại hội nghị.

Cùng các hoạt động chăm lo về vật chất, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho cán bộ giáo viên, nhân viên đặc biệt là nữ cán bộ giáo viên, nhân viên như: Tổ chức “Ngày hội văn hóa, thể thao”, “Giải thể thao” cấp Ngành với các bộ môn dành cho nữ (bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền hơi, kéo co, khiêu vũ) thu hút đông đảo nữ cán bộ giáo viên, nhân viên tham gia. Đây là hoạt động nhằm tạo sân chơi cho nữ cán bộ giáo viên, nhân viên; tăng cường sức khỏe và tình đoàn kết giữa các đơn vị.

Đẩy mạnh phong trào thi đua

Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 6b/NQ-BCH của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thời gian qua, phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” cũng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nữ cán bộ giáo viên, nhân viên Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội.

Các nữ cán bộ giáo viên, nhân viên đã nêu cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa đội ngũ, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện mục tiêu xây dựng nữ nhà giáo theo chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác tự học, tự bồi dưỡng, tích cực đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy.

Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà và Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam trao Giấy khen cho 35 cá nhân đạt danh hiệu sáng kiến sáng tạo ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô năm học 2019 - 2020.

Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà và Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam trao Giấy khen cho 35 cá nhân đạt danh hiệu sáng kiến sáng tạo ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô năm học 2019 - 2020.

Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, trong giảng dạy cũng như trong công tác quản lý, với ý thức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bằng niềm say mê học tập, tích cực đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp dạy học và giáo dục học sinh, nữ cán bộ giáo viên đã có những đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong mỗi nhà trường. Nhiều nữ cán bộ giáo viên đã say sưa tìm tòi, nghiên cứu thiết kế xây dựng các phần mềm giảng dạy, mang lại hiệu quả cao trong các giờ dạy. Phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học, đồ dùng dạy học tự làm được nhiệt tình hưởng ứng.

Ngoài công tác chuyên môn, các nữ cán bộ giáo viên, nhân viên cũng luôn tích cực tìm hiểu, bồi dưỡng kiến thức về giới, chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con thành đạt, phòng chống bạo lực trong gia đình, kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực: “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Một số nữ cán bộ giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn, đã tăng gia sản xuất, mở thêm nghề phụ tăng thêm thu nhập, giúp kinh tế gia đình ổn định.

Tại Hội nghị, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã khen thưởng cho 53 tập thể và 74 cá nhân đạt thành tích trong 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” giai đoạn 2010 - 2020; 61 gia đình nhà giáo đạt danh hiệu Gia đình nhà giáo Thủ đô tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm học 2019 - 2020; 35 cá nhân đạt danh hiệu sáng kiến sáng tạo ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô năm học 2019 - 2020.

“10 năm qua, Nghị quyết 6b/NQ-BCH và Chỉ thị 03/CT-TLĐ đã thực sự đi vào đời sống của nữ công nhân viên chức lao động, được các cấp công đoàn tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Phong trào đã trở thành nguồn động lực thúc đẩy nữ cán bộ giáo viên, nhân viên vượt qua khó khăn; phát huy tài năng trí tuệ, sáng tạo, thông minh, đức tính cần cù chịu khó, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Thông qua phong trào, nhiều nữ cán bộ giáo viên, nhân viên được rèn luyện trở thành nhà giáo mẫu mực; cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn giỏi; góp phần đáng kể nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo” - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam khẳng định.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu đã ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đạt được sau 10 thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Chỉ thị 03/CT-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thời gian tới, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đề nghị Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội cần khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đồng thời tổ chức công đoàn phải xác định được trách nhiệm của mình, từ đó tích cực đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, phấn đấu để mô hình hoạt động công đoàn giáo dục Thủ đô là mô hình mẫu mực trong cả nước.

P.T

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bieu-duong-nu-nha-giao-gioi-viec-truong-dam-viec-nha-109753.html