Biểu hiện của viêm tụy cấp và cách phân biệt với các bệnh khác

Viêm tụy cấp là bệnh thường gặp với các biểu hiện đau bụng cấp. Khoảng 10 - 15% ca viêm tụy cấp có diễn tiến nặng và có thể dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân của viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của nhu mô tụy, bao gồm cả các thương tổn kèm theo ở nhiều mức độ khác nhau của các cơ quan lân cận, cũng như các biến chứng toàn thân. Tần suất mắc vào khoảng 25 - 75 trường hợp/100.000 dân/năm, trong đó 10 - 30% là viêm tụy cấp thể nặng.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm tụy cấp, trong đó có các nguyên nhân chủ yếu như sau:

- Nguyên nhân do rượu: Hiện nay nguyên nhân này là thường gặp nhất.

- Nguyên nhân do tắc nghẽn: Sỏi ống mật chủ, u tụy (dạng nang hoặc u ác tính) hay u vùng vater, giun chui ống mật hoặc dị vật…

- Nguyên nhân sau phẫu thuật vùng quanh tụy, sau can thiệp nội soi mật - tụy ngược dòng.

- Nguyên nhân do chấn thương đụng dập vùng tụy.

- Nguyên nhân do rối loạn chuyển hóa như: Tăng Triglycerid máu, tăng canxi máu.

- Các nguyên nhân khác: Nhiễm vi khuẩn, virus, độc chất hoặc thuốc. (Azathioprin, Mercaptopurin, Tetracyclin, Ethylalcol, thuốc trừ sâu Phospho hữu cơ...)

Tuy nhiên, ở một số trường hợp viêm tụy cấp không xác định được nguyên nhân, chiếm khoảng 10 - 15% các trường hợp.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm tụy cấp.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm tụy cấp.

Biểu hiện của viêm tụy cấp

Khi bị viêm tụy cấp người bệnh có các biểu hiện như sau:

- Đau bụng: Biểu hiện chính của viêm tụy cấp là một cơn đau bụng dữ dội. Đau bụng đột ngột thường xảy ra sau bữa ăn "thịnh soạn", bữa ăn có nhiều dầu mỡ, rượu. Vị trí đau vùng bụng trên rốn, có khi đau ¼ bụng trên bên phải hay bên trái. Cơn đau dữ dội, mức độ đau tăng dần sau 10 - 20 phút sau và có thể kéo dài đến nhiều giờ. Đau có thể lan ra sau lưng, đau tăng lên sau khi ăn. Đau giảm khi nghiêng người về phía trước hoặc nằm co người lại (nghiêng, đầu co xuống gối, gối co lên). Nằm ngửa, ho, cử động mạnh và thở sâu đau tăng lên. Đây chính là biểu hiện dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của các bệnh lý khác như đau dạ dày, đau ruột thừa…

- Người bệnh có biểu hiện buồn nôn: Đa số đều có biểu hiện nôn, nôn ra nhiều nước, nôn vẫn không làm giảm đau bụng. Nếu không tìm được nguyên nhân gây nôn, cần nghĩ đến viêm tụy.

Các triệu chứng khác của viêm tụy cấp: Tiêu chảy, khó tiêu, sốt: Nhiệt độ cao từ 38 độ C trở lên; Vàng da, vàng mắt; Nhịp tim nhanh, thở nhanh nông.

Ở viêm tụy cấp nặng, người bệnh sẽ có những biểu hiện như: Nhiễm trùng, nhiễm độc: Vẻ mặt mệt mỏi, lừ đừ, môi khô, lưỡi bẩn. Ngoài ra, có các biểu hiện mất nước: Môi khô, khát nhiều, mắt trũng...; Dấu hiệu sốc: Tay chân lạnh, huyết áp thấp, mạch nhanh…; Suy hô hấp: Mệt khó thở, SpO2 giảm; Da đổi màu xanh tím vùng quanh rốn (dấu hiệu Cullen), hoặc da đổi màu xanh tím vùng hông trong viêm tụy thể xuất huyết…

Đau bụng, buồn nôn, sốt... là những biểu hiện chính của viêm tụy cấp.

Đau bụng, buồn nôn, sốt... là những biểu hiện chính của viêm tụy cấp.

Chẩn đoán viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp có các biểu hiện tương tự như những bệnh lý tiêu hóa, vì vậy cần được chẩn đoán gián biệt. Cụ thể.

Các bệnh gây đau bụng phải xác định hoặc loại trừ bao gồm: Thủng tạng; Nhồi máu mạc treo; Tắc ruột cấp; Viêm túi mật cấp, nhiễm trùng đường mật.

Các nguyên nhân nội khoa của cơn đau bụng cấp cũng cần được lưu ý loại trừ như: Nhồi máu cơ tim; Cơn đau loét dạ dày tá tràng…

Các xét nghiệm chẩn đoán viêm tụy cấp sẽ xác định, khi đó các bác sĩ sẽ nghi ngờ và chỉ định xét nghiệm, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính… giúp chẩn đoán xác định viêm tụy cấp và chẩn đoán biến chứng viêm tụy cấp như hoại tử tụy, các ổ tụ dịch, áp xe.

Tóm lại: Viêm tụy cấp là tình trạng viêm của tuyến tụy, dẫn đến tổn thương tế bào nang tuyến, do sự tiêu hủy của các men tụy. Diễn tiến viêm tụy cấp có thể nhẹ, tự khỏi cho đến thể nặng gây nguy hiểm đến tính mạng do các biến chứng hoặc tái phát hoặc thành mạn tính. Triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp là đau bụng đột ngột, thường xuất hiện sau bữa ăn, nhất là bữa ăn có nhiều mỡ. Vị trí đau trên rốn, vùng thượng vị hoặc 1/4 trên bên trái, cơn đau bụng vùng thượng vị dữ dội, liên tục, người bệnh phải gập người để đỡ đau.

Vì vậy, khi có các dấu hiệu như đau bụng, nôn ói, hãy đưa người bệnh tới cơ sở y tế để được thăm khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Mời độc giả xem thêm video:

BS Nguyễn Văn Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bieu-hien-cua-viem-tuy-cap-va-cach-phan-biet-voi-cac-benh-khac-169230109002803889.htm