Biểu hiện sự tái sinh trong lễ bỏ mả của người Jrai

Người Jrai quan niệm, chết không phải là hết mà đó là sự tái sinh, trong đó, ý niệm về sự sinh thành hay sự tái sinh được biểu hiện rõ ràng và thống nhất trong lễ bỏ mả.

Bỏ mả là nghi lễ quan trọng và quy tụ nhiều người tham dự nhất trong tất cả hệ thống lễ hội truyền thống của người Jrai. Đến với lễ bỏ mả là đến với một kho tàng văn hóa dân gian đầy sắc màu. Ở đó, mọi quan niệm về vũ trụ, thần linh với những triết lý nhân sinh được biểu đạt một cách rõ ràng và mang đến những giá trị nhân văn to lớn.

Dân làng đánh cồng chiêng tại khu vực nhà mồ trong lễ bỏ mả. Ảnh: X.T

Dân làng đánh cồng chiêng tại khu vực nhà mồ trong lễ bỏ mả. Ảnh: X.T

Theo người Jrai, sau khi qua đời, linh hồn của con người không đi hẳn, không sống hẳn ở thế giới bên kia, mà sau một thời gian linh hồn đó sẽ tái sinh trở lại. Vì vậy, người mất sau một thời gian nhất định, tùy vào điều kiện của từng gia đình sẽ làm lễ bỏ mả để tiễn đưa linh hồn về với thế giới của ông bà tổ tiên, cũng là để chuyển trạng thái cho linh hồn của người mất được sống trong thế giới Atâu và đầu thai kiếp khác, tái sinh trở lại. Ý niệm này thể hiện một quá trình tuần hoàn, chuyển tiếp linh hồn theo chu kỳ “người-ma-người”. Đó cũng là một trong những lý do khiến người Jrai không có tục thờ cúng tổ tiên như nhiều dân tộc khác.

Lễ bỏ mả của người Jrai được tiến hành thành 3 bước theo tuần tự cụ thể: dựng nhà mả, làm lễ tiễn đưa linh hồn người mất về với thế giới Atâu, lễ giải phóng cho người sống. Trong lễ bỏ mả, nhiều hoạt động biểu hiện cho sự tái sinh được thể hiện.

Nhà mả (nhà mồ) được làm trước. Các chi tiết trang trí từ hàng rào, hệ thống tượng, cột kút, cột klao, bộ mái đều có chạm khắc những hình ảnh, biểu tượng mang tính phồn thực thể hiện cho ý niệm của sự tái sinh.

Hệ thống tượng ở hàng rào thường là những hình ảnh người mẹ mang bầu, nam nữ trong tư thế giao hoan, nam nữ để lộ sinh thực khí. Các cột tượng mồ, đặc biệt là cột klao, cột kút của người Jrai ở vùng Đông Nam tỉnh được khắc họa hình tượng hết sức sống động, đó là sinh thực khí của bà Kroih (một nhân vật trong truyền thuyết của người Jrai, là người có công dạy người dân trồng bông dệt vải).

Bên cạnh các chi tiết mang tính phồn thực kể trên, trên đường nóc nhà mồ của người Jrai Aráp ở vùng Chư Păh đều được chạm khắc họa tiết cành lá uốn cong đối xứng ở hai đầu đường nóc. Theo ông Rơchâm Uy (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) thì họa tiết này là hình ảnh tượng trưng cho cây brang-một loại cây rừng thuộc loài dây leo, cành và lá sum suê, hạt rụng xuống gặp điều kiện thuận lợi sẽ nảy mầm, sinh trưởng phát triển nên cây mới.

Quá trình chuyển tiếp chu kỳ sinh trưởng của cây brang được người Jrai ví như chu kỳ của vòng đời. Vì vậy, họ chọn cây brang để làm biểu tượng cho sự tái sinh trang trí trên đường nóc nhà mồ.

Ngoài ra, trong khu vực nhà mồ, người Jrai còn trồng thêm các loại cây chuối, mía, thả gà con vào trong nhà mồ hoặc rải các hạt thóc lên mái nhà mồ. Tất cả đều biểu thị cho sự tái sinh hay quan niệm về sự sinh thành của người Jrai trong đời sống tâm linh.

Chuối được trồng xung quanh nhà mồ. Ảnh: Xuân Toản

Chuối được trồng xung quanh nhà mồ. Ảnh: Xuân Toản

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Ngô Văn Doanh nhận định: Lễ bỏ mả là cuộc trình diễn nghệ thuật lớn nhất, phong phú nhất và cũng mang tính tổng hợp nhất. Trong cuộc trình diễn đó, nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian được trình diễn một cách thuần thục, mang tính biểu tượng cao với đầy đủ trạng thái, trong vang vọng tiếng cồng chiêng lúc dặt dìu réo rắt, lúc vui tươi phấn khởi. Trong nghi lễ chính thức ấy, biểu tượng của sự tái sinh một lần nữa được thể hiện qua hình ảnh các con rối với tư thế nam nữ giao hoan.

Sau nghi lễ tiễn đưa người đã mất, người Jrai làm nghi lễ giải phóng cho người sống. Lúc này, thân nhân của người đã mất tắm rửa, thay quần áo mới, hòa vào dòng người cùng vui chơi với dân làng trong tiếng cồng, tiếng chiêng vui nhộn.

Ý niệm tái sinh được thể hiện ở chỗ, mọi ràng buộc giữa người mất và người sống từ đây đã chấm dứt, người mất sẽ về với thế giới Atâu, đầu thai làm kiếp khác, người góa ở lại được phép lấy chồng, lấy vợ tạo lập một cuộc sống mới.

Như vậy, cùng với những giá trị văn hóa dân gian độc đáo, lễ bỏ mả của người Jrai chứa đựng giá trị nhân văn to lớn, đó là chia tay với người mất, giải phóng cho người sống. Và đặc biệt, ý niệm về sự tái sinh hay sự sinh thành được biểu hiện một cách rõ nét và đầy biểu cảm, được lưu truyền từ xưa đến nay.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/bieu-hien-su-tai-sinh-trong-le-bo-ma-cua-nguoi-jrai-post290627.html