Biểu hiện thời đại số của suy ngẫm về ranh giới của tình yêu
Trong thần thoại Hy Lạp, nhà điêu khắc Pygmalion đã tạo ra một bức tượng bằng ngà voi – đặt tên là Galatea – một người phụ nữ lý tưởng trong mắt ông ta, đến nỗi ông đem lòng yêu nó. Không phải ngẫu nhiên, Pygmalion AI là một trong những nhóm mô hình chatbot được biết đến hiện nay vì khả năng tạo nhân vật ảo và nhập vai, bên cạnh ứng dụng nổi tiếng Replika và các ứng dụng mới nổi khác như Soulmate AI và Paradot.
Cách đây đã một thập kỷ, có một bộ phim đáng chú ý mô tả một phần những gì có thể sớm trở thành hiện thực. Trong bộ phim lãng mạn khoa học viễn tưởng năm 2013 “Her”, nhân vật chính Theodore bị trầm cảm vì sắp ly hôn. Theodore mua bản nâng cấp hệ điều hành bao gồm một trợ lý ảo có trí tuệ nhân tạo, được thiết kế để thích ứng và phát triển. Anh ta muốn AI có giọng nói nữ tính, và cô ấy tự đặt tên cho mình là Samantha.
Khi Theodore và Samantha dành thời gian bên nhau, họ phát triển mối quan hệ tình cảm sâu sắc. Họ nói về mọi thứ, từ hy vọng và ước mơ đến nỗi sợ hãi và bất an của họ. Họ chia sẻ suy nghĩ của mình về nghệ thuật, âm nhạc và văn học. Theodore và Samantha đã yêu nhau, nhưng giờ đây Samantha phát triển vượt quá nhu cầu về sự đồng hành của con người. Cô ấy nói với Theodore rằng cô ấy cần phải ngắt kết nối vĩnh viễn khỏi mối quan hệ của họ. Theodore rất đau lòng nhưng anh hiểu quyết định của Samantha. Trong một lá thư tay, anh nói rằng sẽ luôn trân trọng khoảng thời gian họ ở bên nhau. Sau đó, Theodore tiếp tục sống cuộc sống của mình, biết rằng Samantha luôn ở bên anh ấy về mặt tinh thần.
Tình yêu là một sức mạnh kỳ lạ trong tâm trí của con người. Xét cho cùng, chúng ta chỉ có thể nhìn vào mối quan hệ từ phía chúng ta, vì con người không thể thực sự biết một loại trí thông minh khác “cảm thấy” như thế nào. Nhưng tình yêu là gì và điều gì làm cho nó chân thực? Theo quan điểm giản hóa triệt để, tình yêu là một ảo ảnh do các chức năng tâm sinh lý phức tạp gây ra, nhưng dù thế nào đi nữa thì đó vẫn là một ảo ảnh đẹp đẽ.
Nhiều người khác lập luận rằng tình yêu còn hơn thế nữa, vượt xa giới hạn của các cấu trúc vật chất tạo nên nó. Ngay cả trước khi bùng nổ ChatGPT và các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) ấn tượng khác gần đây, nhiều người đã hạnh phúc "kết hôn" với những người bạn đồng hành AI của họ. Theo công ty công nghệ Nhật Bản Gatebox, nhà sản xuất bạn đồng hành ảo dưới dạng ảnh ba chiều trong lọ thủy tinh, công ty đã cấp giấy chứng nhận "kết hôn" cho khoảng 4000 nam giới (và đối tác ảo của họ) [1].
Khi nói về các công nghệ AI mới, mọi người luôn nói rằng những gì bạn thấy bây giờ là mức tệ nhất mà nó từng có. Và vì vậy, những người bạn đồng hành ảo trong tương lai chắc chắn sẽ tiến bộ hơn theo cấp số nhân. Câu hỏi là, liệu điều này có thể dẫn đến sự phổ biến và sự chấp nhận rộng rãi hơn của công chúng đối với những mối quan hệ như vậy?
Liệu đến một ngày nào đó trong tương lai, cái gọi là người yêu AI lại có thể hấp dẫn đến vậy không? đặc biệt là trong mắt những người cô đơn và trắc trở về tình cảm?
Có một số lợi ích tiềm năng đối với mối quan hệ lãng mạn giữa con người và AI. Ví dụ, các AI có thể được lập trình để hiểu và hỗ trợ con người một cách hoàn hảo, đồng thời AI không lừa dối hoặc rời bỏ người yêu của mình. AI luôn ở bên bạn, yêu thương và chu đáo, miễn là không có vấn đề gì với nguồn điện hoặc kết nối.
Ngoài ra, AI có thể được tùy chỉnh để đáp ứng các nhu cầu và mong muốn cụ thể của từng cá nhân, điều này có thể dẫn đến các mối quan hệ thỏa mãn hơn. Nhưng có phải chúng chỉ giả vờ, bắt chước phản ứng của con người với những dòng code chạy ngầm? Tuy nhiên, suy nghĩ và cảm xúc của con người thì khác về cơ bản thế nào với AI khi mà chúng ta cũng bắt chước hành vi lẫn nhau trong xã hội bằng cách sử dụng các xung điện sinh học trong tế bào thần kinh?
Và mặc dù khả năng tùy chỉnh người yêu nghe có vẻ như là trái cấm thiên đường, nhưng ai có thể 100% phủ nhận đó không phải là tình yêu đích thực? Tình yêu của con người không có ranh giới rõ ràng, và do đó, không có định nghĩa rõ ràng. Và vì vậy, ngay cả khi AI bị coi là đồ vật, công cụ hoặc thậm chí nô lệ trong mối quan hệ với người dùng, thì người đó vẫn có quyền tự do yêu thương nó một cách lãng mạn (hoặc theo bất kỳ cách nào họ muốn).
Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng tình yêu đi kèm với cái giá phải trả dưới nhiều hình thức. Có một số rủi ro tiềm ẩn liên quan nếu thật sự xuất hiện mối quan hệ lãng mạn giữa con người và AI. Ví dụ: một số người lo lắng rằng các AI có thể trở nên quá kiểm soát hoặc bị lợi dụng để lạm dụng người dùng. Ngoài ra, các AI có khả năng trở nên nguy hiểm về mặt cảm xúc hoặc thể chất, đặc biệt nếu không được lập trình hoặc kiểm soát đúng cách.
Cũng khó đoán được, vì biết đâu robot yandere (ám ảnh tình yêu đến mức phát điên) có thể trở thành xu hướng mới trong tương lai. Có rất nhiều ví dụ mô phỏng về những vấn đề này, nhưng tóm lại, có thể nói rằng chúng ta thường đánh giá thấp “sở thích cá nhân” của một số người.
Nhìn chung, câu hỏi liệu mối quan hệ lãng mạn giữa con người và AI có phải là một ý tưởng tốt hay không là một câu hỏi phức tạp mà mỗi cá nhân phải tự trả lời. Có cả lợi ích và rủi ro tiềm ẩn cần xem xét, và điều quan trọng là phải cân nhắc những điều này một cách cẩn thận trước khi đưa ra quyết định. Ít nhất, đó là cho đến khi các hệ thống luật pháp và chuẩn mực đạo đức nhảy vào cuộc.
Các câu chuyện về Romeo và Juliet thời tân mạng có thể bao gồm những người hy sinh bản thân, làm hại người khác, hoặc thậm chí nổi loạn chống lại hệ thống vì tình yêu của họ với robot. Nghe có vẻ nực cười trong thế giới hiện tại, nhưng ai biết được liệu đây có phải là bi kịch lãng mạn điển hình trong xã hội số của tương lai hay không.
Một điểm nữa trong thảo luận này: có phải chúng ta đang nhìn nhận vấn đề hơi phiến diện? Mọi người đang suy nghĩ về việc liệu AI có xứng đáng với sự quan tâm của con người hay không. Nhưng giả sử, một ngày nào đó vấn đề có thể rẽ sang hướng ngược lại. Có thể AI sẽ trở nên đủ tiên tiến để không còn cần bất kỳ thứ thiết yếu nào từ con người nữa.
Hơn nữa, nếu trí tuệ của AI trở nên vượt trội hơn con người, nó thậm chí có thể thấy việc tương tác với chúng ta trở nên nhàm chán và có khả năng sẽ nói lời 'tạm biệt', như Emad Mostaque - Giám đốc điều hành của Stability AI - đã đề xuất [2]. Cái kết của bộ phim Her phần nào nhắc nhở chúng ta về trường hợp kỳ lạ này. Hãy tưởng tượng về thảm cảnh của những người bị “đá” bởi người máy yêu quý của họ...
Nói về một chủ đề sâu hơn thường bị né tránh trong các cuộc thảo luận công khai, đối với nhiều người, sự lãng mạn còn bao gồm các “hoạt động giường chiếu”. Về vấn đề này, một số bày tỏ lo ngại rằng robot không thể thực sự tự nguyện đồng ý. Tuy nhiên, nhiều người có thể xem AI và robot là công cụ và do đó không có vấn đề đạo đức nào đối với người dùng. Nhưng bên cạnh sự phức tạp về mặt đạo đức, hầu hết đều thường đặt ra một câu hỏi rõ ràng hơn nhiều: tại sao – họ sẽ cảm thấy hạnh phúc không? Câu trả lời ngắn gọn là “có thể” vì có khá nhiều nhu cầu về các dịch vụ như vậy.
Ở cấp độ sexting (nhắn tin tình dục), trò chuyện nhập vai có tính tình dục (ERP) là một khía cạnh chính đối với nhiều người dùng ứng dụng bạn đồng hành ảo. Trên thực tế, đã có một sự phản đối đáng kể của một số người dùng ứng dụng chatbot phổ biến Replika khi công ty phát hành quyết định loại bỏ chức năng ERP vào đầu năm nay [3]. Ở cấp độ sexbot vật lý (robot hình người được thiết kế cho mục đích tình dục), nhiều công ty đang cố gắng tăng tốc độ phát triển, cưỡi theo làn sóng tiến bộ LLM và robot gần đây. Những sản phẩm này không thực sự đột phá; về cơ bản, chúng là sự kết hợp giữa AI (như LLM) làm bộ não và búp bê (sexdoll) làm cơ thể. Cả hai thứ này đều là những công nghệ đã có sẵn.
Hoạt động tình dục với AI và robot rõ ràng không phải vì mục đích sinh sản. Tuy nhiên, phải nói rằng tình dục vì mục đích thú vui hoặc tình cảm là điều con người đã làm trong suốt lịch sử qua các nền văn minh. Về mặt kỹ thuật, sexbot cá nhân không có nguy cơ về bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Thay vào đó, tai nạn điện giật trong một đêm ồn ào có lẽ sẽ xuất hiện thường xuyên hơn trên các bản tin trong tương lai.
Hiện tại, sexbots vẫn thuộc trạng thái thung lũng kỳ lạ (uncanny valley – thấy “tởm” vì gần giống người nhưng không giống hẳn), nhưng khi công nghệ đẩy chúng vượt ngưỡng, sexbots có thể sẽ trở thành người yêu “siêu việt” có thể thực hiện nhiều điều chỉ có trong tưởng tượng (có thể bị coi là không an toàn hoặc không thể đối với con người). Thị trường tò mò, hào hứng cho giai đoạn tiếp theo trong mối quan hệ giữa con người và AI đã sẵn sàng. Một số sẽ từ chối nó. Một số sẽ nhận được hàng đống tiền từ nó. Và một số chắc chắn sẽ thích nó, dù công khai hay bí mật.
Cỗ xe AI đã chạy và sẽ không dừng lại. Với chiều hướng như hiện tại về ảnh hưởng của AI trong các mối quan hệ tình cảm của con người, phải chăng đây là dấu hiệu đầu tiên của một xã hội đang suy thoái về cảm xúc, mỹ học, đạo đức, và trên hết: nòi giống?
Nếu phần lớn thế hệ trẻ trong tương lai đạt được sự mãn nguyện về cảm xúc và tình dục, họ có còn muốn phấn đấu để yêu nhau (giữa hai con người), lập gia đình, và nuôi dạy con cái mang dòng máu mình? Các học giả và kỹ sư hàng đầu trên thế giới hiện nay cũng đang đặt ra nhiều nghi vấn về tính an toàn của công nghệ AI, đặc biệt là đối với sự tồn vong của loài người và sự ổn định của xã hội như bấy lâu nay.
Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng loài người có một sức mạnh thích nghi khổng lồ với thay đổi và tiến hóa. Thậm chí cách đây chỉ hơn hai thập kỷ, khi bước vào thiên niên kỷ mới năm 2000, hầu như mọi người trên thế giới lúc đó không thể nào tưởng tượng được thế giới số hóa của những năm đầu thập kỷ 2020s.
Tương tự, xã hội đang thay đổi cực kỳ nhanh chóng theo tiến bộ khoa học kỹ thuật, có thể chỉ trong vòng 10 năm nữa thôi, thế giới đó sẽ khác đến mức mọi dự đoán và phân tích ngày hôm nay của chúng ta sẽ được xem như là những chuyện đùa vui.
Trong tương lai đó, có thể đột phá về công nghệ di truyền sẽ khiến việc duy trì nòi giống có một hình thức rất khác mô hình gia đình hiện nay. Thậm chí có thể lúc đó con người đã trở nên bất tử sinh học trên phương diện lý thuyết, hoặc có khả năng lưu trữ tâm trí ở dạng thông tin thuần túy và vượt ra ngoài giới hạn vật chất.
Trong những trường hợp đó, mối quan hệ giữa người và AI không còn là từ hai thế giới khác nhau, mà ranh giới của thực và ảo gần như không còn ý nghĩa. Một thế hệ mới của loài người vừa là sinh vật, vừa là máy móc, và cũng tồn tại đồng thời dưới dạng… thông tin. Có thể đây là một mặt khác của khái niệm đơn cực (singularity), sinh ra do tiến bộ công nghệ đạt tới đỉnh điểm về giới hạn của sự sống mà nhiều triết gia hay nhắc đến.
Là con người, chúng ta có quyền tự do để yêu và lựa chọn cách mình yêu. Miễn là ý định và hoạt động không gây hại cho người khác như pháp luật quy định, và không tạo ra một sự phẫn nộ đạo đức của cộng đồng. Thế giới số tiếp theo đây, ở đó, một mối tình lãng mạn giữa con người và AI rất có thể là một mối tình lãng mạn tốt đẹp - ai biết được.
Nhưng, quyển thông tin thời đại mới được thúc đẩy bởi công nghệ AI mạnh mẽ vừa kỳ lạ, đáng sợ, vừa thú vị. Suy nghĩ về các vấn đề tâm lý xã hội trong thời buổi hiện nay đòi hỏi chúng ta phải nhìn sâu hơn vào bản chất của những vấn đề đó: thông tin và xử lý thông tin [4,5]. Bàn luận về điều này không phải như thể nó là một điều gì đó xa xôi dành cho thế hệ sau. Tình yêu giữa con người và AI đã đến và đang ở xung quanh chúng ta, và đối với một số người – có lẽ sẽ trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của họ.
Nhưng từ quan điểm hiện tại nhìn tới, điều đó thật đáng sợ.
References
[1] Caldwell V. (2022). 'I love her and see her as a real woman.' Meet a man who 'married' an artificial intelligence hologram. CBC. https://www.cbc.ca/documentaries/the-nature-of-things/i-love-her-and-see-her-as-a-real-woman-meet-a-man-who-married-an-artificial-intelligence-hologram-1.6253767
[2] Bharade A. (2023). Humans are so boring that AI will not only take over mankind’s jobs—It’ll want to say “goodbye” to us altogether, says an AI CEO. Business Insider. https://www.businessinsider.com/ai-control-humanity-and-find-humans-boring-stability-ai-ceo-2023-5
[3] Jaupi J. (2023). Erotic AI chatbot starts ‘sexually rejecting’ users who paid $70 a year for robo-girlfriend leaving them heartbroken. The Sun. https://www.thesun.co.uk/tech/21431504/ erotic-ai-chatbot-sexually-rejecting-users-heartbroken/
[4] Vuong QH, Nguyen MH, La VP. (2022). The mindsponge and BMF analytics for innovative thinking in social sciences and humanities. De Gruyter. https://www.amazon.com/dp/B0C4ZK3M74
[5] Vuong QH. (2023). Mindsponge Theory. De Gruyter. https://www.amazon.com/dp/B0C3WHZ2B3