Biểu hiện tổn thương trật khớp vai và biến chứng

Trật khớp vai là vấn đề hay gặp trong tai nạn sinh hoạt, lao động, chơi thể thao… Tình trạng này xảy ra nhiều ở người trẻ khỏe, độ tuổi từ 20 – 40 tuổi, chiếm 60% tổng số trật khớp. Có thể gặp trật khớp vai mới, trật cũ và trật tái diễn.

Vì sao dễ bị trật khớp vai?

Khớp vai là một khớp chỏm cầu vì thế biên độ vận động của khớp lớn. Trật khớp vai là sự di lệch hoàn toàn hay không hoàn toàn mặt khớp giữa chỏm xương cánh tay và ổ chảo của xương bả vai.

Trật khớp vai chiếm 50%- 60% trong các loại trật khớp, trong đó 95% là trật khớp vai ra trước, trật khớp vai ra sau chiếm tỷ lệ thấp hơn khoảng 5%.

Cơ chế chấn thương thường là gián tiếp, do ngã chống tay hoặc chống khuỷu, cánh tay dạng, đưa ra sau và xoay ngoài... dẫn đến trật khớp vai. Các yếu tố thuật lợi cho trật khớp: khớp vai có biên độ vận động lớn, chỏm to hõm nông, các dây chằng bao khớp ở trước dưới yếu… nên nếu ngã do chơi thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn lao động... dễ trật khớp vai.

Ngã chống tay hoặc chống khuỷu có thể dẫn đến trật khớp vai.

Ngã chống tay hoặc chống khuỷu có thể dẫn đến trật khớp vai.

Tổn thương trật khớp vai và dấu hiệu nhận biết khi trật khớp vai

Trật khớp làm rách bao khớp phía trước dưới, làm bong gờ sụn, chỏm bật ra khỏi hõm khớp, chui vào phía trước dưới là nơi phần mềm yếu, thường kèm gãy bong mấu động to. Chỏm bật ra, tỳ vào bờ cứng của ổ chảo, làm lõm chỏm một chỗ to, chỗ khuyết sau ngoài của chỏm, chụp cắt lớp thấy rõ chỗ khuyết này.

Nếu khớp trật tái diễn nhiều lần, chỗ khuyết càng bị to và hay gặp đến 3/4 tổng số ca, thậm chí 100%. Có lẽ chỗ khuyết làm chỏm dễ bị trật lại.

Biểu hiện khi trật khớp vai là đau đột ngột vùng vai tổn thương sau khi ngã, sưng nề, bất lực vận động trong trật khớp vai hoàn toàn hoặc hạn chế vận động khớp vai trong bán trật khớp (chú ý khai thác tiền sử có trật khớp trước đó hay không).

Người bệnh đau vùng vai, khớp vai, tay lành đỡ tay đau, nhìn thấy vai bên trật ngắn hơn, bờ vai vuông (dấu hiệu gù vai). Sờ thấy ổ chảo lõm, sờ được chỏm xương lồi tròn ở đáy rãnh denta - ngực, ở hõm nách.

Cánh tay dạng chừng 20 độ, khuỷu rời xa thân mình một ít, ấn khuỷu vào thân mình thả ra thì bật lại về vị trí cũ (dấu hiệu lò xo).

Hình ảnh trật khớp vai bên phải.

Hình ảnh trật khớp vai bên phải.

Biến chứng của trật khớp vai

Khi bị trật khớp vai nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khó lường như:

- Ảnh hưởng thần kinh: Khi trật khớp vai sẽ làm tổn thương thần kinh, đặc biệt là liệt dây thần kinh mũ. Cách nhận biết liệt dây thần kinh mũ là kể cả sau khi nắn khớp vai xong cánh tay vẫn không dạng được và mất cảm giác ở vùng cơ bả vai.

- Ảnh hưởng mạch máu: Khi trật khớp vai có thể làm tổn thương mạch máu khiến động mạch ở nách có thể bị tắc do tổn thương lớp áo giữa và lớp áo trong. Có trường hợp bị rách thành bên do đứt gốc một nhánh bên hoặc bị co thắt.

- Ảnh hưởng chóp xoay vai: Khi trật khớp vai có thể làm tổn thương chóp xoay vai, biến chứng này chiếm 55% người bị trật khớp vai ra trước và đặc biệt với những người trên 60 tuổi, gây ra các cơn đau vai kéo dài, cử động ngoài của vai bị yếu.

Ngoài ra, khi trật khớp vai có thể làm gãy xương kèm theo, các ghi nhận cho thấy có khoảng 30% bệnh nhân bị trật khớp vai có gãy xương kèm theo như: vỡ bờ ổ chảo, biến dạng chỏm xương cánh tay, gãy đầu trên xương cánh tay.

Người bị trật khớp vai nếu được điều trị kịp thời và đúng cách thì sẽ nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên, nếu hoạt động sai tư thế hoặc bị tổn thương bên trong khớp vai thì có khả năng tình trạng trật khớp sẽ tái diễn nhiều lần.

Cần làm gì khi bị trật khớp vai?

Câu hỏi nhiều người bệnh băn khoăn là trật khớp vai điều trị như thế nào, liệu có ảnh hưởng lâu dài không? Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp. Các phương pháp điều trị khi trật khớp vai thường được áp dụng là:

- Phương pháp nắn chỉnh khớp vai: Nếu người bệnh mới bị trật khớp vai và tình trạng trật khớp còn nhẹ thì sẽ được áp dụng phương pháp này. Phương pháp này đưa xương vai về vị trí ban đầu, sau đó người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc giãn cơ hay thuốc an thần phù hợp.

- Phương pháp cố định khớp vai: Người bệnh trật khớp vai sẽ được sử dụng đai cố định hoặc áo nẹp ngực vai tay nhằm để giữ cho khớp vai được ổn định trong vài tuần. Thông thường thời gian đeo đai cố định tùy thuộc vào mức độ trật khớp vai của người bệnh, thường từ 2 - 4 tuần.

- Phẫu thuật khi trật khớp vai được chỉ định khi khớp vai hoặc dây chằng yếu, tình trạng trật khớp tái diễn nhiều lần dù đã chữa trị và phục hồi. Ngoài ra, nếu dây thần kinh hay mạch máu bị tổn thương cũng sẽ cần phải phẫu thuật.

Điều quan trọng với người trật khớp vai là tuân thủ chỉ định của các bác sĩ và cần tập luyện vật lý trị liệu điều này giúp người bệnh phục hồi tầm vận động của khớp vai, đồng thời hồi phục cả sức mạnh và sự ổn định cho vai.

Người bệnh cần phải tuân thủ những chỉ định về dùng thuốc, về vận động, luyện tập cũng như sử dụng thao tác sau khi điều trị trật khớp vai. Cần tránh vận động sai cách hoặc vận động quá sức khiến cho khớp vai bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Điều này giúp có kết quả tốt nhất, hạn chế trật khớp vai tái diễn.

ThS.BS Hà Văn Thắng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bieu-hien-ton-thuong-trat-khop-vai-va-bien-chung-169230621170943382.htm