Biểu lộ cảm xúc bất ngờ của cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Trần Hùng hầu tòa vì nhận hối lộ 300 triệu đồng

Khi bị lực lượng chức năng dẫn giải vào phòng xét xử, cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Trần Hùng đã tạo dáng, nở nụ cười trước ống kính phóng viên.

Ngày 19/7, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án sản xuất, mua bán hơn 9,4 triệu quyển sách giả xảy ra tại Công ty In và Văn hóa Truyền thông Hà Nội, Công ty Phú Hưng Phát, Đội Quản lý thị trường số 17 Hà Nội và Tổng cục Quản lý thị trường.

36 bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử về các tội danh "Sản xuất, buôn bán hàng giả", "Sản xuất hàng giả", "Buôn bán hàng giả", "Nhận hối lộ", "Môi giới hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Trong đó, bị cáo Trần Hùng, (cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường) bị truy tố và đưa ra xét xử về tội "Nhận hối lộ". Có 3 cựu cán bộ Đội Quản lý thị trường số 17 bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Bị cáo Trần Hùng được dẫn giải tới tòa

Bị cáo Trần Hùng được dẫn giải tới tòa

Bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) bị đưa ra xét xử về tội "Môi giới hối lộ". Nhóm còn lại, gồm Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) bị truy tố và đưa ra xét xử về các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

Theo ghi nhận của PV chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) tại tòa, khoảng 8h20' các bị cáo được lực lượng chức năng dẫn giải tới tòa. Đáng chú ý bị cáo Trần Hủng khi bước từ xe thùng xuống đã tạo dáng và nở nụ cười trước ống kính phóng viên.

Phiên xét xử đã thu hút rất đông người tới dự và theo dõi. An ninh được thắt chặt. Khoảng 40 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó ông Trần Hùng có 5 luật sư.

Bị cáo Trần Hùng tại tòa

Bị cáo Trần Hùng tại tòa

Theo cáo trạng, năm 2021, Cao Thị Minh Thuận cùng đồng phạm sản xuất hơn 9,4 triệu quyển sách giả các loại liên quan Nhà xuất bản Giáo Dục, trị giá in trên bìa hơn 260 tỷ đồng. Nhóm này đã tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển, còn 3 triệu quyển chưa kịp bán thì bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, cơ quan điều tra xác định, năm 2020, Thuận đã bị Đội Quản lý thị trường số 17 phối hợp Tổ 304 nơi bị cáo Trần Hùng làm Tổ trưởng kiểm tra, thu giữ hơn 27.000 quyển sách giả. Tuy nhiên, vụ việc không được bị cáo Hùng báo cáo với Tổng cục trưởng mà trực tiếp chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội và đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra, xử lý.

Cao Thị Minh Thuận đã nhắn tin, điện thoại cho bị cáo Trần Hùng nhờ giúp đỡ xin xử lý nhẹ vụ việc. Cáo trạng nêu rõ, bị cáo Trần Hùng "đồng ý tha" với yêu cầu Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu. Sau đó, bị cáo Thuận tiếp tục liên hệ với Nguyễn Duy Hải đặt vấn đề chi tiền cho Trần Hùng để xin xử lý nhẹ vụ việc.

Các bị cáo hầu tòa

Các bị cáo hầu tòa

Cũng theo cáo trạng, bị cáo Trần Hùng đã hướng dẫn Hải về nói với Thuận phải thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, từ "sách mua bị thu giữ" sang "sách do người khác mang đến ký gửi" để được giảm nhẹ.

Ngày 15/7/2020, Hải cầm 300 triệu đồng đựng trong túi ni lông màu đen đến phòng làm việc của ông Trần Hùng. Tại đây, Hải gọi điện để ông Hùng nói chuyện với Thuận, nghe cụ thể hướng dẫn về cách khai báo. Theo Viện kiểm sát, sau đó, bị cáo Hùng còn chỉ đạo cấp dưới tạo điện kiện giúp đỡ Thuận theo hướng xử lý hành chính vụ buôn sách lậu.

Quá trình điều tra, bị cáo Trần Hùng không thừa nhận hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên Viện kiểm sát cho rằng, căn cứ lời khai của những người khác, các dữ liệu điện tử trích xuất từ điện thoại… có đủ cơ sở xác định Trần Hùng đã nhận 300 triệu đồng để xử lý nhẹ vụ buôn sách lậu.

Vụ ôtô tải đè 3 người tử vong- Tài xế nói xe mất phanh

Chi Lê

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/bieu-lo-cam-xuc-bat-ngo-cua-cuu-cuc-pho-cuc-quan-ly-thi-truong-tran-hung-hau-toa-vi-nhan-hoi-lo-300-trieu-dong-172230719104700592.htm