Biểu tình lớn nhất Thái Lan kể từ đảo chính năm 2014

Khoảng 10.000 người tập trung trên đại lộ Ratchadamnoen ở thủ đô Bangkok để thực hiện cuộc biểu tình lớn nhất Thái Lan kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Phong trào lần này được tổ chức bởi một nhóm sinh viên yêu cầu cải cách chính trị ở Thái Lan.

Hàng vạn người tham gia cuộc biểu tình ở Bangkok ngày 16/8. (Ảnh: CNA)

Hàng vạn người tham gia cuộc biểu tình ở Bangkok ngày 16/8. (Ảnh: CNA)

Người biểu tình kêu gọi giảm bớt quyền lực của hoàng gia – điều từng bị coi là chủ đề cấm kỵ ở Thái Lan, cũng như yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người xuất thân là một vị tướng quân đội, ra đi; ban hành hiến pháp mới và chấm dứt đàn áp lực lượng đối lập.

Sinh viên Thái Lan tổ chức biểu tình gần như hằng ngày trong suốt 1 tháng qua, nhưng cuộc biểu tình hôm qua thu hút đông người tham gia hơn cả.

“Chúng tôi muốn một cuộc bầu cử mới và một quốc hội mới từ nhân dân. Cuối cùng, giấc mơ của chúng tôi là có một hoàng gia thực sự theo hiến pháp”, sinh viên Patsalawalee Tanakitwiboonpon, 24 tuổi, nói với Reuters.

Free People, nhóm tổ chức cuộc biểu tình, và cảnh sát cho biết có hơn 10.000 tham gia cuộc biểu tình lần này.

“Thủ tướng chia sẻ mối bận tâm với các quan chức và người biểu tình về việc tránh bạo lực”, bà Traisulee Traisoranakul, phát ngôn viên của chính phủ, cho biết. Bà nói rằng Thủ tướng Prayuth đã chỉ đạo nội các triển khai những biện pháp nhằm xây dựng sự hiểu biết giữa các thế hệ.

Hoàng gia Thái Lan chưa đưa ra ý kiến nào.

Ông Prayuth chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái, nhưng phe đối lập không phục kết quả này. Đảng chỉ trích mạnh mẽ nhất sau đó bị cấm hoạt động.

Những vụ bắt thủ lĩnh sinh viên biểu tình và những hậu quả kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra cũng khiến dư luận khó chịu.

“Chúng ta đang thấy một sự chuyển dịch trong chiến lược của phong trào hoạt động do người trẻ dẫn dắt để trở nên bao trùm hơn”, Reuters dẫn đánh giá của ông Titipol Phakdeewanich, chủ nhiệm khoa khoa học chính trị tại ĐH Ubon Ratchathani.

Một số nhóm sinh viên còn đưa ra bản yêu sách 10 điểm để đòi cải cách hoàng gia, bao gồm việc hạn chế quyền lực của Nhà Vua Maha Vajiralongkorn đối với hiến pháp, tài sản của hoàng gia và lực lượng vũ trang.

Luật khi quân của Thái Lan đặt ra hình phạt lên đến 15 năm tù cho những ai bị buộc tội chỉ trích hoàng gia. Nhưng Thủ tướng Prayuth nói rằng Nhà vua yêu cầu chưa sử dụng luật đó bây giờ.

Trong khi phong trào biểu tình chống chính phủ diễn ra, vài chục người trung thành với hoàng gia cũng xuống đường giương quốc kỳ và chân chung của Nhà Vua để thể hiện sự trung thành và tôn kính.

“Tôi không quan tâm nếu họ biểu tình chống chính phủ, nhưng họ không thể động vào hoàng gia”, Sumet Trakulwoonnoo, thủ lĩnh nhóm trung thành với Nhà Vua, cho biết.

Những người chỉ trích cho rằng hoàng gia hỗ trợ mở rộng quyền lực của quân đội sang chính trị. Có 13 cuộc đảo chính diễn ra thành công từ khi chấm dứt giai đoạn lãnh đạo tuyệt đối của hoàng gia vào năm 1932.

Trước cuộc đảo chính năm 2014, Bangkok bị rung chuyển bởi cả thập kỷ biểu tình bạo lực giữa phe biểu tình áo vàng thân hoàng gia và phe áo đỏ thân cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Đợt biểu tình mới đến nay chưa xảy ra bạo lực.

Bình Giang

Theo Reuters, CNA

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/bieu-tinh-lon-nhat-thai-lan-ke-tu-dao-chinh-nam-2014-1706681.tpo