Biểu tình nổ ra ở Ukraine phản đối luật mới gây tranh cãi, ông Zelensky nói gì?

Người biểu tình đã tập trung bên ngoài Văn phòng Tổng thống Ukraine ở trung tâm thủ đô Kiev và các thành phố lớn như Lviv, Dnipro cũng như Odessa để phản đối.

Người dân Ukraine hôm 22/7 đã xuống đường biểu tình tại Kiev và các thành phố lớn khác sau khi các nhà lập pháp thông qua một dự luật có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của 2 cơ quan chống tham nhũng chủ chốt của Ukraine.

Đây là cuộc biểu tình toàn quốc đầu tiên diễn ra ở quốc gia Đông Âu kể từ khi cuộc xung đột với Nga bắt đầu vào tháng 2/2022. Nó cũng thể hiện một sự rạn nứt đáng kể nhất cho đến nay trong sự thống nhất quốc gia kể từ khi xung đột quân sự bùng phát.

Người biểu tình đã tập trung bên ngoài Văn phòng Tổng thống ở trung tâm thủ đô Kiev và các thành phố lớn như Lviv, Dnipro cũng như Odessa để phản đối dự luật được Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) thông qua trước đó trong ngày với 263 phiếu thuận, 13 phiếu chống và 13 phiếu trắng.

Dự luật đã được thông qua tại ủy ban và cơ quan lập pháp của Verkhovna Rada và được Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk ký chỉ trong vòng vài giờ sau đó.

Dự luật sẽ trao cho Tổng công tố viên những quyền hạn mới to lớn đối với Cục Chống Tham nhũng Quốc gia (NABU) và Văn phòng Công tố viên Chuyên trách Chống Tham nhũng (SAPO).

Ví dụ, Tổng công tố viên có thể ban hành các chỉ thị ràng buộc cho NABU, chuyển các vụ án ra bên ngoài cơ quan này và ủy quyền cho các công tố viên khác.

Những người chỉ trích cho rằng những thay đổi này đã phá bỏ các biện pháp vốn bảo vệ cả 2 cơ quan trên khỏi tác động chính trị.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty Images

Bất chấp các cuộc biểu tình kêu gọi Tổng thống phủ quyết dự luật, ông Zelensky đã ký ban hành luật vào tối 22/7. Sau đó, biểu tình vẫn tiếp diễn.

NABU điều tra tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, trong khi SAPO truy tố các hành vi tham nhũng khác. Một số cuộc điều tra nổi bật của NABU kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2015 đã khiến nhiều quan chức cấp cao Ukraine lao đao.

Trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 22/7 sau khi ký ban hành luật, ông Zelensky cho biết các cơ quan chống tham nhũng của Ukraine cần phải được loại bỏ khỏi ảnh hưởng của Nga, đồng thời nói thêm rằng NABU và SAPO sẽ tiếp tục công việc của họ.

"Điều quan trọng nữa là Tổng công tố viên phải cam kết đảm bảo truy cứu trách nhiệm giải trình thực sự đối với những người vi phạm pháp luật", nhà lãnh đạo Ukraine nói. "Đây là điều Ukraine thực sự cần".

Bên cạnh các cuộc biểu tình trong nước, luật mới gây tranh cãi của Ukraine cũng vấp phải sự chỉ trích từ các đồng minh châu Âu.

Liên minh châu Âu (EU) – nơi Ukraine đang là một ứng cử viên tiềm năng chờ gia nhập – gọi quyết định thông qua dự luật của Verkhovna Rada là một "bước thụt lùi nghiêm trọng".

"Việc phá bỏ các biện pháp quan trọng bảo vệ tính độc lập của NABU là một bước thụt lùi nghiêm trọng", Ủy viên phụ trách Mở rộng EU, bà Marta Kos, cho biết trên X.

Tuy nhiên, vị quan chức EU cho biết khối này vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với Ukraine "về các cải cách pháp quyền cần thiết và những tiến bộ trên con đường gia nhập EU của nước này".

Hôm 21/7, cơ quan an ninh nội địa của Ukraine, SBU, đã bắt giữ 2 quan chức NABU – một người bị tình nghi làm gián điệp cho Nga, người kia bị cáo buộc có quan hệ kinh doanh với các thực thể của Nga – và tiến hành hàng chục cuộc khám xét nhắm vào các nhân viên của cơ quan này.

Tuần trước, ông Vitaliy Shabunin, nhân vật đứng thứ 2 tại NABU, đã ra tòa với cáo buộc trốn tránh nghĩa vụ quân sự một cách có hệ thống trong khi vẫn khai báo lương quân đội trị giá 1.200 USD một tháng và sử dụng xe quân sự trái phép.

Minh Đức (Theo Kyiv Independent, RFE/RL)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bieu-tinh-no-ra-o-ukraine-phan-doi-luat-moi-gay-tranh-cai-ong-zelensky-noi-gi-204250723101556739.htm