'Biểu tình ở Hong Kong nghiêm trọng hơn thương chiến Mỹ - Trung'
Chuyên gia Jim Cramer của CNBC nhận định giới đầu tư quốc tế nên lo ngại về tác động của cuộc biểu tình tại Hong Kong hơn là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
"Chính quyền Trung Quốc lo lắng về những vấn đề tại Hong Kong hơn là cuộc chiến thương mại với Mỹ. Đó là chuyện nghiêm trọng hơn các cuộc đàm phán thương mại. Hong Kong - trung tâm tài chính lớn của châu Á - tê liệt sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu", chuyên gia Jim Cramer, người đồng sáng lập The Street.com, nhận định.
Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra tại Hong Kong từ tháng 6. Người biểu tình xuống đường để phản đối dự luật dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc. Người dân Hong Kong muốn nhà lãnh đạo Carrie Lam chính thức xóa bỏ dự luật này thay vì tuyên bố nó "đã chết".
Ngày 12/8, khoảng 5.000 người biểu tình tràn vào Sân bay quốc tế Hong Kong, một trong những cảng hàng không đông đúc nhất thế giới. Ban lãnh đạo sân bay phải hủy bỏ tất cả các chuyến bay trong ngày. Dịch vụ chỉ được nối lại từ 6h 13/8.
Trước đó, nhiều quốc gia đã cảnh báo công dân về việc đi du lịch đến Hong Kong. Trước sự kiện ngày 12/8, ban lãnh đạo Sân bay quốc tế Hong Kong đã khẳng định các cuộc biểu tình làm đứt quãng nghiêm trọng hoạt động hàng không thành phố.
Không chỉ khiến sân bay Hong Kong tê liệt, các cuộc biểu tình kéo dài làm ngưng trệ nhiều hoạt động kinh doanh tại thành phố. Hàng loạt cửa hàng đóng cửa, hệ thống tài chính và vận tải bị xáo trộn, dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu lao dốc.
Chuỗi cửa hàng bán lẻ của Disney và các thương hiệu xa xỉ khác cho biết đang đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh số. Ngân hàng HSBC phải đóng cửa một số chi nhánh.
Ông Edward Stevenson, Giám đốc tài chính HSBC, cảnh báo: "Các doanh nghiệp Hong Kong sẽ phải chịu tác động nghiêm trọng nếu tình trạng này còn tiếp diễn".
Lãnh đạo các tập đoàn lớn ở Hong Kong cũng đã bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ sụt giảm doanh số cũng như lợi nhuận. "Ổn định kinh tế của Hong Kong đối mặt với nhiều nguy cơ lớn", ông Clement King Man Kwok, lãnh đạo Tập đoàn Hong Kong and Shanghai Hotels, than thở.
Phòng Thương mại Hong Kong cũng cảnh báo: "Tình trạng bạo lực không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của Hong Kong mà còn khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ lao đao, đồng thời đe dọa sự an toàn và việc làm của người dân Hong Kong".
Theo CNBC, trong phiên giao dịch buổi sáng 13/8, thị trường chứng khoán Hong Kong tiếp tục chao đảo. Chỉ số Hang Seng giảm 1,24%. "Bạo lực sẽ tác động mạnh đến thị trường", chuyên gia kinh tế Dariusz Kowalczyk thuộc Credit Agricole nhận định.
Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số chứng khoán Thượng Hải sụt giảm 0,58%, thị trường Thâm Quyến giảm 0,55%. Các thị trường khác tại châu Á cũng ảm đạm.