Biểu tình ở Mỹ: New York 'căng hơn dây đàn' trước giờ giới nghiêm, thêm 3 cựu cảnh sát bị buộc tội
Ít nhất 10 cuộc biểu tình dự kiến sẽ được tổ chức tại nhiều điểm khác nhau tại thành phố New York vào 19h ngày 3/6 (giờ địa phương), tức là khoảng 1h trước giờ giới nghiêm, nhằm tiếp tục phản đối phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng sau cái chết của George Floyd.
Biểu tình tại New York, ngày 2/6. (Nguồn: AP)
Một trong các cuộc biểu tình này sẽ diễn ra trước cửa dinh thự của Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio.
Trước đó, đêm 2/6, khoảng 280 người bị bắt giữ vì vi phạm lệnh giới nghiêm hoặc do bị tình nghi tham gia cướp phá tại thành phố. Đây là con số ít hơn nhiều so với 700 người bị bắt vào đêm 1/6. Hiện nay, ngoài việc áp dụng lệnh giới nghiêm đến 7/6, thành phố New York phải đóng cửa một số tuyến phố tại quận trung tâm Manhattan.
Tại cuộc họp báo cập nhật tình hình ngày 3/6, Thị trưởng de Blasio cho biết ông đã phải áp dụng chiến lược ứng phó cương quyết hơn đối với tình trạng hỗn loạn tại đây để chuẩn bị cho việc mở lại một phần các hoạt động kinh tế vào ngày 8/6.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cùng ngày cũng đã lên tiếng xin lỗi cảnh sát thành phố New York sau khi chỉ trích gay gắt lực lượng này cũng như Thị trưởng de Blasio vào ngày hôm trước sau khi xem các đoạn video được phát tán cho thấy cảnh bạo loạn, cướp phá xảy ra tại đây.
Cũng trong ngày 3/6, Terrence Floyd, em trai của George Floyd, đã gửi thư tới ủy Hội đồng thành phố New York đề nghị cấm cách thức khống chế gây ngạt thở mà hiện cảnh sát đang áp dụng với những người bị tình nghi phạm tội. Terrence Floyd hiện đang sống ở New York, nơi đã từng xảy ra nhiều vụ việc cảnh sát khống chế gây ngạt thở người bị tình nghi phạm tội dẫn đến chết người.
Thành phố New York dự kiến sẽ tổ chức lễ tưởng niệm cho George Floyd vào ngày 4/6 tại công viên Cadman tại quận Brooklyn.
Liên quan vụ việc, ngày 3/6, các nhà lập pháp bang Minnesota đã buộc tội thêm 3 cựu sĩ quan cảnh sát liên quan tới cái chết của người đàn ông Mỹ gốc Phi George Floyd và tăng cấp độ tội danh đối với cựu sĩ quan cảnh sát thêm một tội danh mới đối với cựu sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin đã bị buộc tội trước đó.
Theo hồ sơ tại tòa án, 3 cựu sĩ quan cảnh sát, gồm Thomas Lane, J. Alexander Kueng and Tou Thao đã bị buộc tội hỗ trợ và tiếp tay cho kẻ giết người. Ngoài ra, cựu sĩ quan cảnh sát 44 tuổi, Derek Chauvin, người đã dùng đầu gối đè xuống cổ George Floyd dẫn tới cái chết của người Mỹ gốc phi này, sẽ bị buộc tội giết người ở cấp độ hai.
Trước đó, Derek Chauvin bị bắt và buộc tội giết người ở cấp độ 3 và ngộ sát cấp độ 2.
Ngay sau một đoạn video về cái chết của George Floyd được công bố, cả 4 sĩ quan cảnh sát trên đã bị sa thải. Trong đoạn video trên, Chauvin đã sử dụng đầu gối đè lên cổ của Floyd trong gần 9 phút, thậm chí ngay cả sau khi Floyd không phản ứng. Trong khi đó, các cựu sĩ quan cảnh sát còn lại đã không ngăn cản hành động của Chauvin, thậm chí cựu sĩ quan cảnh sát là Lane và Kueng đã giúp giữ Floyd.
Đoạn video về vụ việc đã làm chấn động nước Mỹ, châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên khắp các thành phố của Mỹ trong nhiều ngày qua. Nhiều cuộc đã biến thành bạo loạn với các hành động cướp phá và đụng độ với cảnh sát. Nhằm đối phó với các cuộc biểu tình, nhiều thành phố đã áp đặt lệnh giới nghiêm cũng như huy động Lực lượng vệ binh quốc gia.
Ngày 3/6, Thị trưởng thủ đô Washington DC của Mỹ, bà Muriel Bowser, thông báo tiếp tục duy trì lệnh giới nghiêm tại thủ đô nhằm đối phó với các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn liên quan đến cái chết của George Floyd.
Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Bowser cho biết lệnh giới nghiêm sẽ được áp đặt từ 23h cùng ngày tới 6h ngày 4/6 (theo giờ địa phương). Trong 2 đêm trước đó, lệnh giới nghiêm được thực hiện sớm hơn, bắt đầu từ 19h.
Theo thông báo của Cảnh sát trưởng Washington Peter Newsham, 19 đối tượng đã bị bắt giữ trong đêm biểu tình ngày 2/6 do vi phạm lệnh giới nghiêm, nâng tổng số người bị bắt giữ lên 418 kể từ ngày 31/5. Trong số những người bị bắt giữ, có 41% đến từ Washington, 35% từ bang láng giềng Maryland, 14% từ bang Virginia và 1% từ các bang khác của Mỹ.