Biểu tình tiếp tục lan rộng ở Myanmar

Những người biểu tình xuống đường ở Mandalay, Myanmar phản đối quân đội tiếp quản quyền lực vào ngày 17-2. Ảnh: AP

Những người biểu tình xuống đường ở Mandalay, Myanmar phản đối quân đội tiếp quản quyền lực vào ngày 17-2. Ảnh: AP

Ngày 17-2, những người biểu tình ở Myanmar tiếp tục xuống đường với số lượng lớn nhất từ trước đến nay để phản đối việc quân đội lên tiếp quản quyền lực trong bối cảnh LHQ cảnh báo về nguy cơ leo thang bạo lực tại Myanmar, khi các cuộc biểu tình không có dấu hiệu dừng lại.

AP dẫn lời thành viên LHQ Tom Andrews cho biết, ông lo ngại khi có báo cáo về việc binh sĩ được điều vào Yangon, nơi đang xảy ra biểu tình quy mô lớn. Theo nguồn tin, các cuộc biểu tình mới tiếp tục bùng phát ở Yangon, thành phố Mandalay và thủ đô Naypyitaw, bất chấp lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên. “Hãy diễu hành hàng loạt. Hãy thể hiện lực lượng của chúng ta chống lại chính phủ đã phá hủy tương lai của thanh niên và đất nước của chúng ta”, Kyi Toe, phát ngôn viên của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi, viết trên trang Facebook.

Tại ở Yangon, những người biểu tình đã áp dụng chiến thuật chặn đường của lực lượng an ninh bằng cách đậu xe theo nhóm với mũ trùm kín đầu và lấy lý do động cơ gặp sự cố. Tại Mandalay, khẩu hiệu “Chúng tôi muốn dân chủ” được sơn trên một tuyến phố chính. Họ yêu cầu quân đội thả ngay các chính trị gia đã bị bắt, trong đó có cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.

Trước đó, trong động thái mang tính răn đe cứng rắn với những người biểu tình, quân đội Myanmar tuyên bố có thể phạt tù tới 20 năm với những người kích động biểu tình. Theo BBC, quân đội Myanmar tuyên bố những người kích động quần chúng tham gia biểu tình phản đối chính quyền quân sự có thể đối mặt với án tù lên tới 20 năm, nếu họ cản trở lực lượng vũ trang tại bất cứ đâu trên phạm vi toàn quốc. Án tù dài hạn và các mức tiền phạt lớn cũng sẽ áp dụng với những người bị kết tội “kích động thù hận, hoặc coi thường” các nhà lãnh đạo quân đội. Những thay đổi pháp lý được quân đội Myanmar công bố trong ngày 15-2, cùng thời điểm với việc nhiều xe bọc thép quân sự đã được điều vào các thành phố lớn của Myanmar. Tạp chí Frontier Myanmar của Myanmar cho biết, lực lượng an ninh nước này đã nổ súng để giải tán người biểu tình tại thành phố Mandalay trong ngày 15-2.

Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính diễn ra liên tục khắp đất nước từ ngày 1-2, khi quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các quan chức cấp cao trong chính quyền dân cử. Cảnh sát Myanmar ngày 16-2 tiếp tục cáo buộc Cố vấn Suu Kyi vi phạm Luật Quản lý Thiên tai, sau cáo buộc nhập khẩu trái phép bộ đàm. Khin Maung Zaw, luật sư của Suu Kyi, cho biết bà và Tổng thống Win Myint dự kiến xuất hiện qua video trong phiên tòa vào ngày 1-3. Quân đội Myanmar thông báo hai người này đang ở “một nơi an toàn hơn” và đều khỏe mạnh.

Quân đội Myanmar cũng đã lên tiếng phủ nhận tiến hành đảo chính, khẳng định đã hành động hợp lý bởi cáo buộc gian lận bầu cử hồi tháng 11-2020 mà họ đưa ra không được chính phủ dân sự giải quyết. Thiếu tướng Zaw Min Tun – người phát ngôn của Hội đồng Hành chính Nhà nước cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là tổ chức cuộc bầu cử và chuyển giao quyền lực cho đảng chiến thắng”. Lực lượng này cũng cam kết sẽ trao lại quyền lực cho bên chiến thắng sau khi cuộc bầu cử mới được tổ chức.

Theo tướng Zaw Min Tun, quân đội sẽ không nắm giữ quyền lực lâu dài. Quân đội vẫn chưa đưa ra thời hạn cụ thể cho việc tổ chức một cuộc bầu cử mới, nhưng đã áp đặt tình trạng khẩn cấp trong vòng 1 năm.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_238657_bieu-tinh-tiep-tuc-lan-rong-o-myanmar.aspx