Biểu tình ủng hộ Palestine tại nhiều trường đại học Mỹ
Nhiều trường đại học tại các bang trên khắp nước Mỹ ghi nhận nhiều cuộc biểu tình ủng hộ người dân Palestine và phản đối xung đột tại Gaza đã kéo dài 7 tháng và gây ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực này.
Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 18/4 khi Đại học Columbia cố gắng ngăn chặn các cuộc biểu tình trong khuôn viên trường. Chủ tịch Đại học Columbia Minouche Shafik vào thời điểm đó đã thực hiện một động thái bất thường là mời cảnh sát Thành phố New York vào khuôn viên để giải tán đám đông, dẫn tới kết quả hơn 100 người bị bắt.
Hành động này đã khiến nhiều nhóm nhân quyền, sinh viên và giảng viên bày tỏ thái độ tức giận. Kể từ đó, các cuộc biểu tình vẫn liên tục diễn ra. Tới ngày 25/4, Reuters cho biết tổ chức Palestine Legal đã đệ đơn khiếu nại Đại học Columbia do trường đại học này đã gọi cảnh sát để giải tán và tiến hành bắt giữ những người biểu tình ủng hộ Palestine và phản đối xung đột tại Gaza.
Palestine Legal là một tổ chức bảo vệ quyền của người dân Mỹ trong việc được lên tiếng thay mặt cho người dân Palestine. Theo hãng tin Reuters, Palestine Legal ngày 25/4 đã kêu gọi Bộ Giáo dục Mỹ điều tra các hành động của Đại học Columbia mà tổ chức này cáo buộc là phân biệt đối xử đối với những người ủng hộ Palestine.
Đại học Columbia không phải là trường đại học duy nhất ghi nhận các cuộc biểu tình phản đối xung đột tại Gaza. Tại bang Texas hôm 24/4, lực lượng tuần tra đường cao tốc của bang trong trang phục chống bạo động và cảnh sát cưỡi ngựa đã giải tán một cuộc biểu tình tại Đại học Texas ở Austin. Thông tin do Bộ An toàn Công cộng Texas đăng trên X sau đó công bố có 34 người đã bị bắt.
Trong khi đó, Đại học Nam California tuyên bố đóng cửa khuôn viên trường và yêu cầu Sở Cảnh sát Los Angeles (LAPD) giải tán cuộc biểu tình. Tới cuối ngày 24/4, LAPD đã đăng tải trên mạng xã hội X rằng có 93 người đã bị bắt vì xâm nhập và một người bị bắt vì tội tấn công bằng vũ khí nguy hiểm. Tuy nhiên, không có thương tích nào được ghi nhận.
Các cuộc biểu tình còn diễn ra tại Đại học Brown ở Providence, Rhode Island, Đại học Michigan ở Ann Arbor, Viện Công nghệ Massachusetts ở Cambridge và Đại học Bách khoa Bang California ở Humboldt. Trong khuôn khổ các cuộc biểu tình này, các trường đại học được yêu cầu thoái vốn tài sản khỏi Israel và tìm cách gây áp lực lên chính phủ Mỹ để kiềm chế các cuộc tấn công của Israel vào dân thường ở Gaza.
Kể từ khi giao tranh bắt đầu ngày 7/10/2023, Bộ Y tế Gaza cho biết các cuộc tấn công của quân đội Israel đã khiến 34.000 người Palestine tử vong cũng như buộc gần như toàn bộ dân số Gaza phải rời bỏ nhà cửa của mình.
Hồi cuối tháng 11/2023, Qatar và Ai Cập là bên hòa giải trung gian giúp Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn cũng như trao trả con tin. Hamas đã thả 105 phụ nữ, trẻ em và người nước ngoài mà họ đang giam giữ ở Gaza để đổi lấy 240 phụ nữ và thanh thiếu niên bị giam giữ tại các nhà tù ở Israel.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và thả những con tin còn lại hiện đang bị trì trệ khi cả hai bên đang có những yêu cầu trái ngược.
Israel cho biết sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự cho đến khi Hamas bị đánh bại hoàn toàn và sau đó sẽ duy trì sự hiện diện an ninh ở Gaza. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP ngày 24/4, quan chức chính trị hàng đầu của Hamas là ông Khalil al-Hayya tái khẳng định Hamas sẽ không lùi bước trước yêu cầu ngừng bắn vĩnh viễn và Israel rút quân hoàn toàn – những điều kiện mà nước này đã từ chối. Ông bày tỏ: “Nếu chúng tôi không được đảm bảo rằng giao tranh sẽ kết thúc thì tại sao chúng tôi lại phải giao nộp tù nhân?”