Biểu tượng cho cuộc sống về đêm ở Hong Kong lụi tàn
Đèn neon, nét đặc trưng một thời của xứ Cảng Thơm, đang dần bị loại bỏ vì một số quy định của chính quyền. Điều này khiến nhiều người dân tiếc nuối khi nhắc về quá khứ hưng thịnh.
Từng phổ biến ở Hong Kong, những biển hiệu gắn đèn neon rực rỡ - vốn đã trở nên quen thuộc với khán giả nước ngoài qua các bộ phim như Blade Runner và Ghost in the Shell - dần bị tháo xuống trong vài thập kỷ qua.
Nhiều người trẻ đang đấu tranh để giữ lại nét đặc trưng cho cuộc sống về đêm ở xứ Cảng Thơm trước khi chúng biến mất hoàn toàn do quy định thắt chặt của chính quyền và nhu cầu giảm dần.
Điều này làm dấy lên sự quan tâm của người Hong Kong đến các công trình có giá trị lịch sử và loại hình nghệ thuật địa phương, theo Bloomberg.
Dẹp bỏ đèn neon
Vào đầu tháng 9, một tiệm bánh có tuổi đời hàng chục năm cho biết họ phải gỡ bỏ tấm bảng quảng cáo để tuân thủ nguyên tắc xây dựng. Cùng thời điểm đó, một cửa hàng đồ cưới truyền thống cũng đã tháo biển hiệu neon nổi tiếng của mình theo lệnh từ các nhà chức trách.
Chính quyền xứ Cảng Thơm tuyên bố họ sẽ có kế hoạch dỡ bỏ hoặc sửa chữa ít nhất 1.700 biển báo nguy hiểm và bị bỏ hoang trong năm nay nhằm mục đích làm sạch đường sá của thành phố.
Bảng hiệu của tiệm đồ cưới đã được Tetra Neon Exchange, một nhóm bảo tồn thành lập vào năm 2020, lưu giữ. Họ sẽ chịu trách nhiệm khôi phục và mang ra trưng bày trong một cuộc triển lãm sắp tới.
“Mỗi biển hiệu đã là một tác phẩm nghệ thuật thủ công”, Cardin Chan, quản lý của Tetra, chia sẻ.
Đèn neon bùng nổ và trở thành xu hướng phổ biến ở Hong Kong sau Thế chiến thứ hai, khi nền kinh tế của thành phố bắt đầu phát triển nhờ ngành công nghiệp sản xuất.
Thời điểm chủ nghĩa tiêu dùng phát triển, những biển hiệu nhiều màu sắc là cách thức quảng cáo thông dụng cho tất cả loại hình kinh doanh từ nhà hàng, tiệm mạt chược đến cửa hàng cầm đồ.
Trong thời đại mà việc mua sắm chủ yếu diễn ra trên đường phố, những tấm bảng lớn nhất, sáng nhất luôn thu hút sự chú ý của mọi người.
Tuy nhiên, đèn neon, biểu tượng thời kỳ hưng thịnh bậc nhất của Hong Kong, dần phai nhạt với sự ra đời của đèn LED vào những năm 1990. Chúng có khả năng tiết kiệm điện, giá thành rẻ hơn và thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, hoạt động mua sắm cũng chuyển sang các khu phức hợp bán lẻ trong nhà hoặc thông qua nền tảng trực tuyến.
Chan cho biết điều quan trọng là phải bảo tồn những dấu hiệu đặc trưng vì chúng phản ánh lịch sử độc đáo của Hong Kong.
“Đây cũng được xem như một điểm gặp gỡ của các nền văn hóa khác nhau. Ví dụ, các thiết kế biển hiệu thường sử dụng hình học phương Tây và họa tiết, chữ tượng hình của Trung Quốc để biểu thị những loại sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp”, cô nói thêm.
Biểu tượng bị mai một
Theo Bloomberg, nghề làm đèn neon đang dần mai một khi các bậc thầy truyền thống ngày càng ít dần và lớp học viên trẻ kế thừa cũng khá ít.
Nghệ thuật này đòi hỏi những thợ thủ công có tay nghề cao. Họ phải đốt nóng ống thủy tinh trên ngọn lửa trước khi uốn ống thành hình dạng mong muốn.
Ho Yin Lee, một giáo sư đã nghỉ hưu về bảo tồn kiến trúc tại Đại học Hong Kong, cho hay các nhà chức trách đã tăng cường nỗ lực dọn dẹp bảng quảng cáo trên quy mô lớn vì hầu hết chúng là những công trình bất hợp pháp.
Theo số liệu của chính phủ, có khoảng 120.000 tấm bảng, bao gồm cả biển hiệu neon ở Hong Kong vào năm 2016, không phù hợp với quy định. Chan ước tính chỉ còn khoảng 500 tấm biển ngoài trời.
Với mục đích bảo tồn các cấu trúc vật lý, phòng thí nghiệm thiết kế thông tin, một đơn vị nghiên cứu và tư vấn tại Đại học Bách Khoa Hong Kong, đang huy động vốn từ cộng đồng để xuất bản hàng trăm phác thảo cũ, được thu thập từ các nhà sản xuất bảng hiệu truyền thống, dưới dạng sách.
“Đây là một hiện vật rất quan trọng trong lịch sử hình ảnh của xứ Cảng Thơm”, Kiki Yau, làm việc tại Nam Wah Neonlight & Electrical Mfy, Ltd., nhận xét.
Những người yêu thích đèn neon cũng đã tự làm các phiên bản thu nhỏ để lưu giữ ở nhà.
Bất chấp sự biến mất của các biển hiệu đèn neon khỏi cảnh quan thành phố, tính thẩm mỹ của nó vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ trên khắp thế giới.
Không ít đơn vị sản xuất đã sử dụng con đường rực rỡ ở nơi này làm phông nền cho tác phẩm của họ.
Ví dụ, những con phố được chiếu sáng bằng đèn neon đã làm bối cảnh cho bộ phim Doctor Strange năm 2016 và gần đây là Stray, trò chơi điện tử về một chú mèo lang thang trong thế giới cyberpunk.
“Để giữ cho di sản văn hóa phi vật thể tồn tại, cần có sự thích nghi và thay đổi. Chúng ta có thể coi chúng không chỉ như những bảng hiệu neon mà còn là một nét đặc trưng. Nhờ vậy, nó có thể trở thành một di sản rất quan trọng không bị giới hạn bởi kỹ thuật số”, giáo sư Lee chia sẻ.