Biểu tượng của khát vọng hòa bình ở Thủ đô

Những ngày này, người dân Thủ đô đang háo hức với hàng loạt các hoạt động kỷ niệm 20 năm 'Thành phố Vì hòa bình'. Điều này không chỉ minh chứng cho việc Hà Nội chính là thành phố đáng sống mà còn là điểm đến hấp dẫn và an toàn. Thú vị hơn, trong thời điểm này, người dân Thủ đô lại càng cảm thấy ý nghĩa, trân trọng hơn khi nhắc đến hàng loạt các biểu tượng của khát vọng hòa bình được đặt tại Công viên Hòa Bình.

Công viên Hòa Bình được xây dựng trên khu đất rộng hơn 20 ha tại phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Nằm ở cửa ngõ phía bắc của Thủ đô, Công viên như một bông hoa, là lời chào trân trọng của Thủ đô gửi tới bạn bè bốn phương và mọi người con đất Việt khi tới Hà Nội.

Cổng Công viên Hòa Bình với biểu tượng chim hạc tượng trưng cho hòa bình

Cổng Công viên Hòa Bình với biểu tượng chim hạc tượng trưng cho hòa bình

Công viên được đưa vào sử dụng vào năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Kể từ khi chính thức được đưa vào sử dụng, nơi đây đã trở thành biểu tượng Hòa Bình của nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

“Tôi ấn tượng với công viên ngay từ cái tên. Đến đây, tôi lại càng cảm thấy thích thú vì công viên có rất nhiều điều đặc biệt”, bạn Nguyễn Phương Lan - Sinh viên Đại học Hà Nội cho hay.

Công viên Hòa Bình được đưa vào sử dụng đúng dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Công viên Hòa Bình được đưa vào sử dụng đúng dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Đây là địa điểm có nhiều biểu tượng nhằm tôn vinh giá trị hòa bình của Thủ đô nghìn năm tuổi. Du khách có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt các biểu tượng, hình tượng cho an lành thế giới như chim hạc, trái đất, chim bồ câu...

Ông Phạm Văn Hưng (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Từ khi mở cửa, công viên Hòa Bình đã là điểm đến thường xuyên của tôi cũng như nhiều người dân Thủ đô. Đặc biệt, trong thời điểm Hà Nội kỉ niệm 20 năm “Thành phố Vì hòa bình”, tôi lại càng cảm thấy ý nghĩa hơn khi nhìn ngắm những biểu tượng hòa bình vô cùng ý nghĩa mà công viên có được”.

Biểu tượng Hòa Bình được đặt nhiều nơi trong công viên

Biểu tượng Hòa Bình được đặt nhiều nơi trong công viên

Đặc biệt, công viên Hòa Bình gây được ấn tượng đặc biệt với mọi người đó là: Tượng đài Hòa bình bằng đồng nặng khoảng 20 tấn, cao 7,2m đặt trên đài đế cao 22,8m. Tượng đài được đặt theo mẫu của biểu tượng “Thành phố Vì hòa bình” do tổ chức UNESCO trao tặng thành phố Hà Nội.

Tượng đài Hòa bình với hình tượng người mẹ nâng trên vai em bé cùng những cánh chim hòa bình nói lên khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tượng đài biểu thị cho tình cảm, tình yêu hòa bình của không chỉ người dân Việt Nam mà với tất cả người dân các dân tộc khác nhau trên thế giới.

Tượng đài Hòa bình bằng đồng nặng khoảng 20 tấn đặt theo mẫu của biểu tượng "Thành phố Vì hòa bình"

Tượng đài Hòa bình bằng đồng nặng khoảng 20 tấn đặt theo mẫu của biểu tượng "Thành phố Vì hòa bình"

Được biết, cách đây gần 10 năm, Tượng đài Hòa bình được đúc đồng tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Tác giả của tượng đài Hòa bình là của nhà điêu khắc, tác giả Nguyễn Phú Cường, do Hội đồng nghệ thuật phê duyệt sau một quy trình lựa chọn kỹ lưỡng.

Người trực tiếp thi công các công đoạn đúc tượng đài cho đến khi hoàn thiện do Nghệ nhân đúc đồng Vũ Duy Thuấn – người đã có kinh nghiệm đúc thành công Tượng đài Thánh Gióng thực hiện.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, tại công viên Hòa Bình đã được triển khai trồng hàng nghìn cây hoa anh đào, giúp người dân Thủ đô có thêm hiểu biết về văn hóa Nhật Bản; góp phần tô thắm thêm tình hữu nghị bền chặt, tin tưởng giữa Việt Nam - Nhật Bản.

Đây vẫn mãi là những biểu tượng đẹp của công viên Hòa Bình và của Thủ đô Hà Nội

Đây vẫn mãi là những biểu tượng đẹp của công viên Hòa Bình và của Thủ đô Hà Nội

Tượng đài Hòa bình, cũng như các biểu tượng tại công viên Hòa Bình hôm nay, cho đến mai sau sẽ vẫn mãi có sức sống mãnh liệt. Đây cũng chính là biểu tượng, là minh chứng rõ ràng nhất cho khát vọng hòa bình của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng.

Kỳ vọng của nhân loại yêu chuộng hòa bình với những biểu tượng tương tự luôn sẽ là những điều tốt đẹp nhất. Và, chừng nào còn bất công, bạo lực và chiến tranh, người ta vẫn còn cần đến biểu tượng hòa bình.

K.T

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bieu-tuong-cua-khat-vong-hoa-binh-o-thu-do-93778.html