Biểu tượng đẹp của quan hệ Việt - Nga
Được thành lập trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ, Vietsovpetro là biểu tượng của tình hữu nghị, hợp tác bền chặt giữa hai dân tộc Việt - Nga, là đơn vị tiên phong trong ngành dầu khí Việt Nam, sở hữu tiềm lực lớn mạnh về cơ sở vật chất hạ tầng, tài chính và nhân lực.
Ngày 21/6 tới đây, Liên doanh Vietsovpetro (VSP) sẽ tổ chức chào đón sự kiện khai thác tấn dầu thứ 250 triệu trong lịch sử hoạt động của mình.
Sự kiện này là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác thành công giữa hai nước Việt Nam - LB Nga, cũng như ghi nhận sự nỗ lực to lớn và rất đáng tự hào của tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro trong việc đảm bảo khai thác mỏ an toàn và hiệu quả kể từ khi tấn dầu đầu tiên được khai thác tại mỏ Bạch Hổ (ngày 26/6/1986).
Từ ước nguyện của Bác
Lịch sử ngành dầu khí Việt Nam ghi chép lại, năm 1959, trong chuyến thăm chính thức Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết (Liên Xô), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới khu công nghiệp dầu khí Ba-cu (Azerbaijan). Tại đây, Bác đề nghị: "Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Azerbaijan nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh…".
Với quyết tâm kiên trì xây dựng ngành dầu khí làm động lực để công nghiệp hóa và phát triển nền kinh tế, Bộ Chính trị đã quyết định ký Hiệp định hợp tác chiến lược với Liên Xô, trong đó có việc xây dựng liên doanh hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí trên một số lô ở thềm lục địa phía nam Việt Nam. Quyết sách quan trọng này đã tạo bước ngoặt lịch sử làm tiền đề để xây dựng nền công nghiệp dầu khí ngày nay.
Năm 1981, Hiệp định thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô đã được ký (nay là Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro) tại Vũng Tàu theo Hiệp định hợp tác tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía nam Việt Nam giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô.
Ngày 26/6/1986, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro khai thác tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ, ghi tên Việt Nam vào danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô thế giới.
Được thành lập trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ, Vietsovpetro là biểu tượng của tình hữu nghị, hợp tác bền chặt giữa hai dân tộc Việt - Nga, là đơn vị tiên phong trong ngành dầu khí Việt Nam, sở hữu tiềm lực lớn mạnh về cơ sở vật chất hạ tầng, tài chính và nhân lực.
Từ 1 triệu tấn dầu được khai thác, Vietsovpetro đã từng bước ghi những dấu mốc 10 triệu tấn, 100 triệu tấn, 200 triệu tấn và năm 2024 là 250 triệu tấn.
Đến nay, doanh thu từ hoạt động dầu khí của Vietsovpetro đã đạt hơn 88 tỷ USD, trong đó nộp ngân sách nhà nước và lợi nhuận phía Việt Nam trên 58 tỷ USD.
Vietsovpetro đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Chia sẻ về những thành công, ông Vũ Mai Khanh, Tổng giám đốc VSP cho biết: "Đối với đất nước, đã từng có giai đoạn 1 triệu tấn dầu là ước mơ và khát vọng của cả dân tộc. Với những nỗ lực vượt bậc ở giai đoạn đầu tiên sau khi thành lập, những người làm công tác dầu khí ở Vietsovpetro đã biến những tấn dầu trong "sách vở", trong tư duy tưởng tượng của các nhà địa chất thành những tấn dầu hiện thực, từ trong lòng đất đưa lên hệ thống công nghệ để thu gom, vận chuyển, xử lý thành những tấn dầu thương phẩm, xuất bán và mang về những đồng ngoại tệ quý giá cho đất nước".
Làm sâu sắc hơn thành quả hợp tác của hai nước
Năm 2024 là năm kỷ niệm 65 năm ngành dầu khí thực hiện ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh (23/7/1959- 23/7/2024), thành tựu 250 triệu tấn dầu càng có ý nghĩa đặc biệt hơn trong hành trình Vietsovpetro nói riêng, ngành dầu khí nói chung nỗ lực lao động và cống hiến để xứng đáng với mong ước và kỳ vọng của Bác.
Đánh giá về sự kiện này, Tổng Giám đốc Vietsovpetro Vũ Mai Khanh cho biết, thành quả này là kết quả từ những quyết định sáng suốt của Đảng và Nhà nước trong việc hợp tác với Liên Xô để thăm dò và khai thác dầu khí, là kết quả của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô mà các bạn Liên Xô cho là mệnh lệnh từ trái tim, là tình đoàn kết - hữu nghị trong tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro trong 43 năm xây dựng và phát triển.
250 triệu tấn dầu là thành tựu hết sức tự hào của Vietsovpetro nói riêng và của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam nói chung, không chỉ thể hiện trình độ và năng lực của người làm dầu khí trong nước, mà còn thể hiện khát vọng tự mình làm chủ quy trình khai thác khoáng sản từ các tầng địa chất sâu hàng nghìn mét trên thềm lục địa ngoài khơi Việt Nam.
Trong hành trình chinh phục cột mốc 250 triệu tấn dầu, Vietsovpetro đã xây dựng vững chắc bốn trụ cột của ngành công nghiệp thăm dò và khai thác dầu khí, bao gồm: Nghiên cứu tìm kiếm thăm dò, xây dựng công trình, xây dựng giếng khoan và vận hành khai thác mỏ.
Gần đây, VSP đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất kinh doanh, sản lượng dầu tại các mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng đã qua thời kỳ khai thác đỉnh điểm, đang trong đà suy giảm nhanh và có diễn biến khó lường; các khu vực triển vọng trong vùng hoạt động còn ít tiềm năng, khả năng gia tăng trữ lượng thấp; giá dầu giảm, không ổn định và duy trì ở mức thấp.
Đề cập đến các giải pháp đối phó trong bối cảnh này, Tổng giám đốc VSP Vũ Mai Khanh cho biết, thời gian tới, Vietsovpetro sẽ thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm : Đảm bảo khai thác tối ưu, giảm nhịp độ suy giảm sản lượng các mỏ hiện có; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp tăng cường khai thác; thực hiện tốt công tác nghiên cứu, lựa chọn và ứng dụng các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tiềm năng còn lại làm cơ sở cho việc tiếp tục tận thăm dò các lô dầu khí hiện có; tăng cường mở rộng vùng hoạt động ra các lô dầu khí tiềm năng khác.
Tất cả những nhiệm vụ trên theo ông Khanh đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro – đặc biệt khi đứng trước những cột mốc mới và thử thách mới.
Trước xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, lãnh đạo Vietsovpetro cũng đã xác định, Vietsovpetro sẽ đẩy mạnh việc tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo ở vai trò là nhà cung cấp dịch vụ và từng bước có thể tham gia với vai trò là nhà đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi.
Việc định hướng Vietsovpetro tham gia vào thị trường điện gió ngoài khơi cũng phù hợp với chiến lược phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho khu vực biển, hải đảo nhằm phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng và hướng tới thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 về biến đổi khí hậu (Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050).
Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/bieu-tuong-dep-cua-quan-he-viet-nga-102240618174300327.htm