Biểu tượng nào cho công lý?

Dư luận đang xôn xao về 3 mẫu tượng vua Lý Thái Tông mà Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đưa ra để tham khảo cán bộ, công chức tòa án. Mục đích lựa chọn mẫu để làm biểu tượng cho công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam. Việc góp ý diễn ra trong 5 ngày từ ngày 23 đến ngày 28/4. Vậy mẫu tượng nào xứng đáng?

Ba mẫu tượng vua Lý Thái Tông được đưa ra lấy ý kiến cán bộ ngành tòa án.

Ba mẫu tượng vua Lý Thái Tông được đưa ra lấy ý kiến cán bộ ngành tòa án.

Ba mẫu tượng vua Lý Thái Tông

Việc lựa chọn nhân vật vua Lý Thái Tông làm biểu tượng cho công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét từ ngày 5/2. Ba mẫu tượng vua Lý Thái Tông được đưa ra để góp ý đều hao hao giống tượng vua Lý Thái Tổ ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm, Đền Ngọc Sơn. Có khác chăng là ở các tư thế. Mẫu tượng thứ nhất là hình tượng vua Lý Thái Tông tay trái kẹp cuốn Hình thư, tay phải đưa ra vuông góc và chỉ 2 ngón lên trời. Mẫu tượng thứ hai là vẫn tay trái ôm cuốn Hình thư và tay phải chống kiếm. Mẫu tượng thứ ba là tay phải vua ôm cuốn Hình thư còn tay trái giơ cao chiếc cân có hai đĩa lên.

Có 4 điểm nhấn quan trọng để hội đồng lựa chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng. Thứ nhất, ông là người ban hành Bộ Luật Hình thư. Đây là bộ luật thành văn đầu tiên của nhà nước ta; Thứ hai, ông nghĩ ra chiếc chuông đặt trước cửa triều đình để dân kêu oan; Thứ ba, ông trực tiếp tham gia các vụ án lên tới nhà vua và xét xử một cách công bằng, khuyến khích tinh thần xét xử nhân ái; Thứ tư là khi làm vua, ông đã đặt ra một chức quan xét xử, giao cho con trai mình, và đào tạo con trai ông thành một vị quan anh minh.

Công lý không nên là một nhân vật cụ thể

Cho đến nay, bộ Luật Hình thư triều Lý không còn lưu giữ được. Một số sách sử nhắc tới bộ Luật Hình thư này cho rằng: Hình thư gồm 3 quyển. Nội dung có những quy định về tổ chức của triều đình, quân đội và hệ thống quan lại; quy định biện pháp trừng trị đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội; quy định một số vấn đề về sở hữu và mua bán đất đai, tài sản; quy định về thuế… Tuy nhiên, lúc này bộ Luật Hình thư có lẽ chỉ mang tính chất sơ khai. Bởi vì sau hàng ngàn năm đấu tranh, nước ta mới giành lại được quyền tự chủ chưa lâu. Nếu tính ổn định đất nước để kiến thiết thì chỉ tính từ năm 968, khi vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi. Đến năm 1042 khi xây dựng bộ Luật Hình thư thì mới có 74 năm.

Vì luật Hình thư thời Lý có nhiều hạn chế nên sang đời Trần, năm 1230, vua Trần Thái Tông ban hành bộ Quốc triều thông chế gồm 20 quyển. Sau một vài lần sửa chữa nữa, nhà Trần ban hành bộ Quốc triều hình luật. Cũng như bộ Luật Hình thư thời Lý, bộ Luật thời Trần đến nay cũng không còn lưu giữ được. Tuy nhiên, theo một vài sách sử có đề cập đến thì pháp luật nhà Trần vẫn nặng về luật hình hà khắc.

Đến thời vua Lê Thánh Tông ban hành bộ Luật Hồng Đức (còn gọi là Quốc triều hình luật, hay Lê triều hình luật). Đến nay bộ luật này vẫn còn lưu giữ được. Đây là một bộ luật rất tiến bộ trong thời kỳ phong kiến của nước ta. Bộ luật này được áp dụng đến thế kỷ XVIII. Lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp nước ta, đây là bộ luật bao gồm nhiều quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Hình sự, dân sự, tố tụng, hôn nhân gia đình, hành chính… đặc biệt, vai trò của người phụ nữ trong xã hội phong kiến được đề cao vượt bậc so với trước đó. Luật Hồng Đức gồm 722 điều. Trong đó, có 261 điều vay mượn từ bộ luật của nhà Đường, 53 điều vay mượn luật nhà Minh, còn 407 điều khác là do các nhà làm luật thời Lê biên soạn. Tuy nhiên, những điều luật vay mượn này lại được sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

Đến thời nhà Nguyễn, năm 1815, vua Gia Long ban hành bộ luật Hoàng Việt luật lệ (còn gọi là Bộ luật Gia Long) gồm 398 điều, chia thành 22 quyển. Các điều luật được phân loại và sắp xếp theo 6 lĩnh vực, tương ứng với nhiệm vụ của 6 bộ, gồm các nội dung chính như: quy định về tổ chức nhà nước và hệ thống quan lại (lại luật); quy định về tội danh và hình phạt (hình luật); quy định về quản lý dân cư và đất đai (hộ luật); quy định về ngoại giao và nghi lễ cung đình (lễ luật); quy định về tổ chức quân đội và quốc phòng (binh luật); quy định về xây dựng, bảo vệ đê điều, lăng tẩm (công luật).

Cùng với Quốc triều hình luật thời Lê, Hoàng Việt Luật lệ được đánh giá là một trong hai bộ luật tổng hợp có quy mô lớn và nội dung phong phú.

Qua phân tích như trên để thấy, nếu Hội đồng thẩm phán TAND tối cao lựa chọn “mốc thời gian” xuất hiện các bộ luật ở nước ta vào triều vua nào thì chọn vua Lý Thái Tông. Chứ chọn biểu tượng cho công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam thì sẽ không bằng chọn hình tượng vua Lê Thánh Tông, vua Gia Long.

Tất nhiên, đó là xét ở thời phong kiến. Còn xét về công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam nổi bật thì không thể hơn luật pháp của nhà nước ta hiện nay. Trong một giai đoạn vừa giữ nước và kiến quốc mà Hiến Pháp năm 1946 đã thể hiện sự ưu việt mà tất cả các bộ luật trước đó không bằng. Hồ Chủ Tịch đã đánh giá công đầu dự thảo Hiến Pháp 1946 là của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh. Tinh thần của Hiến Pháp 1946 được triển khai từ bản Sắc lệnh số 13 năm 1946 (ngày 24/1) do chính Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh dự thảo để Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Điều 47 sắc lệnh số 13 này quy định: “Tòa án tư pháp sẽ độc lập đối với các cơ quan hành chính. Các vị thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý, các cơ quan khác không được can thiệp vào việc tư pháp”.

Công lý và hoạt động xét xử đạt tới tiêu chí “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” là mong muốn của người dân hiện nay. Ở các nước phương Tây, dù có nhiều tấm gương soạn luật, nhưng họ không dựng tượng nhân vật cụ thể nào làm biểu tượng cho công lý. Biểu tượng của họ là vị thần công lý. Vị thần này tay cầm cái cân. Tuy nhiên, theo quan niệm Việt Nam, công lý là phải đúng lý, đúng tình.

Do vậy, thiết nghĩ, ngành tòa án chưa nên vội chọn lấy một mẫu nào để dựng cho kịp lễ kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống TAND vào tháng 9 tới.

Từ Khôi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/bieu-tuong-nao-cho-cong-ly-tintuc465144