Biểu tượng sáng ngời

Nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho thấy rằng, trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ở Tiền Giang có nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, làm cho quân giặc phải khốn đốn.

Trong những cuộc khởi nghĩa đó, nổi bật là cuộc khởi nghĩa do Trương Định lãnh đạo đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước của nhân dân ta khi Tổ quốc lâm nguy.

SỐNG OANH LIỆT

Nghiên cứu của TS. Lê Văn Tý cho thấy, năm 1844 Trương Định theo cha vào Nam. Năm 1854, ông chiêu mộ dân lập đồn điền ở Gia Thuận. Tháng 2-1859, giặc Pháp đánh thành Gia Định, ông đưa cơ binh gia nhập đội quân của triều đình chống giặc và lập được nhiều chiến công. Khi Gia Định thất thủ, ông tách lực lượng ra khỏi quân triều đình, trở về Gò Công đắp lũy, hàn sông, tập hợp lực lượng, quyết tâm đánh Pháp tới cùng.

Người dân thắp hương AHDT Trương Định nhân Lễ giỗ hằng năm.

Người dân thắp hương AHDT Trương Định nhân Lễ giỗ hằng năm.

Quá trình chiến đấu của nghĩa quân Trương Định tuy diễn ra chỉ khoảng 6 năm, nhưng trở thành lá cờ đầu kháng Pháp, trải rộng suốt vùng châu thổ Nam bộ, huy động lực lượng quân dân hùng hậu, xây dựng khu vực phòng thủ phù hợp với sông nước và tiến hành các mũi tiến công, gây tổn thất cho quân thù. Năm 1862, triều đình Nguyễn ký Hiệp ước nhượng 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho Pháp và ra lệnh cho các tổ chức chống Pháp bãi binh, đã châm dầu vào ngọn lửa đấu tranh đang âm ỉ và làm bùng dậy cuộc khởi nghĩa do Trương Định lãnh đạo.

Đứng trước nỗi đau nước mất, nhà tan, nhân dân 3 tỉnh miền Đông, trong đó có Gò Công quyết không buông vũ khí; Trương Định trái lệnh triều đình, ra lời hiệu triệu quốc dân, dấy binh khởi nghĩa chống Pháp xâm lược.

Lịch sử đã ghi nhận, cuộc khởi nghĩa do Trương Định lãnh đạo nhanh chóng đáp ứng tinh thần yêu nước sâu sắc, lòng căm thù giặc ngoại xâm, kêu gọi được sự đồng tâm hiệp lực của các tầng lớp nhân dân, có cả sự ngấm ngầm đồng tình của các sĩ phu yêu nước. Do đó, đây là một hành động “thiên thời”, dẫn dắt một cách khách quan, hình thành phong trào khởi nghĩa của Trương Định khởi nguồn từ vùng đất Gò Công.

Trong Tuyên bố của Trương Định trả lời Thư dụ hàng của Bô-na một tháng cuối năm 1862 cũng đã ghi: “Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta”. Và trong Tuyên bố của Trương Định nhân danh toàn thể dân chúng Gò Công gửi cho giặc Pháp sau khi Gò Công thất thủ lần thứ hai tháng 8-1863: “Chúng ta thề sẽ đánh mãi và đánh không ngừng, khi ta thiếu tất cả ta sẽ bẻ nhánh cây làm cờ, lấy gậy gộc làm võ khí cho quân lính ta…”.

Theo TS. Lê Văn Tý, hào khí và chính nghĩa của khởi nghĩa Trương Định đã đưa quân số cơ binh đồn điền từ 500 lên 6.000 nghĩa binh, để 2 năm sau lên đến 10.800 người, bao gồm các tầng lớp nhân dân, một lòng đứng dưới ngọn cờ Bình Tây của Trương Định, mỗi đội hình, mỗi người dân đều là “Trung tâm kháng chiến”- một nét đặc trưng của loại hình chiến tranh nhân dân của nước ta, vẫn thường áp dụng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

CHẾT VẺ VANG

Nhìn vào chiều dài lịch sử, nghiên cứu của Ths. Lê Ái Siêm cho thấy rằng, sau khi Trương Định hy sinh, nhân dân Gò Công đã lập các đền thờ, miễu thờ ở một số nơi trên địa bàn Gò Công để tưởng nhớ sự nghiệp cứu nước, tấm gương bất tử của người anh hùng. Đặc biệt, người vợ thứ của Trương Định đã không quản khó khăn do chính quyến cấm đoán, cản trở, đã xây dựng ngôi mộ cho ông được yên nghỉ. Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân trong vùng đã lập ngôi miếu nhỏ gần nơi ông tuẫn tiết, nhân dân Gia Thuận đã dựng đền thờ ông (với hình thức là đình làng, bởi ông cũng là tiền hiền của làng Gia Thuận, để che mắt địch).

Khu mộ và Đền thờ AHDT Trương Định tại TP. Gò Công.

Khu mộ và Đền thờ AHDT Trương Định tại TP. Gò Công.

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân thị trấn Gò Công (nay là TP. Gò Công) đã lập Đền thờ Anh hùng dân tộc (AHDT) Trương Định sát với ngôi mộ ông. Hằng năm, nhân Ngày giỗ ông, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức Lễ giỗ trang trọng phù hợp với truyền thống của địa phương. Năm 1995, tỉnh Tiền Giang cho xây dựng Tượng đài AHDT Trương Định tại trung tâm TP. Gò Công ngày nay. Bên cạnh đó, tại những địa điểm hoặc kiến trúc liên quan đến khởi nghĩa Trương Định, tỉnh cũng đã xây dựng những công trình tưởng niệm, tôn tạo những kiến trúc đã có sẵn. Đặc biệt, khu Đền thờ AHDT Trương Định và một số địa điểm liên quan đến cuộc khởi nghĩa tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, cũng đã được đầu tư mở rộng nhằm tạo điều kiện tổ chức lễ hội hằng năm nhân Ngày giỗ ông và các hoạt động văn hóa, du lịch khác.

Cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường, bất khuất của nghĩa quân Trương Định những tháng cuối năm 1862 đầu năm 1863 đã giáng một đòn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp và đồng thời khẳng định ý thức tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam. Tác giả Poyen đánh giá chiến công nghĩa quân Trương Định: “Người Việt Nam đã tỏ ra dày dạn chiến đấu, họ đã làm đảo lộn vai trò: Giờ đây họ tấn công chúng ta ngay tại vị trí của chúng ta”. Mặc dù cuộc khởi nghĩa không thành công, nhưng cuộc khởi nghĩa do Trương Định chỉ huy đã chứng tỏ lòng ái quốc của toàn dân, khả năng chiến đấu kiên cường của quần chúng.

Có thể thấy rằng, Trương Định hiểu sâu sắc lòng yêu nước của nhân dân và ý chí quật cường của nghĩa quân ông đã đánh tan mọi ràng buộc, biến nó trở thành sức mạnh, ra sức chống thực dân Pháp, gìn giữ từng mảnh đất của dân tộc. Đây được xem là bước ngoặt vĩ đại trong sự nghiệp cứu nước của ông, đưa cuộc khởi nghĩa lên tầm cao mới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào khởi nghĩa trong cả nước và xứng đáng là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong buổi đầu đấu tranh chống thực dân.

Tuyên bố của Trương Định trả lời Thư dụ hàng của Bô-na một tháng cuối năm 1862.

Tuyên bố của Trương Định trả lời Thư dụ hàng của Bô-na một tháng cuối năm 1862.

Còn theo nghiên cứu của ông Lê Thành Trung, Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cũng khẳng định rằng, tinh thần chiến đấu và hiệu quả của nghĩa quân Trương Định có ảnh hưởng và ý nghĩa to lớn đối với phong trào chống Pháp của nhân dân Nam bộ nói riêng cũng như cả nước nói chung.

Ý chí kiên cường của nghĩa quân Trương Định đã trở thành ngọn lửa thổi bùng lên tinh thần yêu nước, có sức cổ vũ mãnh liệt đối với toàn bộ phong trào chống Pháp đương thời, tạo thành một làn sóng quật cường cuồn cuộn dâng lên khắp Nam kỳ. Cho nên, Trương Định ngã xuống, mà tinh thần và thành tích chiến đấu của nghĩa quân Trương Định luôn luôn như tiếng trống trận vang trong lòng tất cả người Việt Nam yêu nước, không chỉ của thế kỷ trước, mà còn ở thế kỷ này và mãi mãi trong tương lai.

Tuy sự nghiệp cứu nước chưa thành, ước nguyện cứu dân chưa đạt, nhưng Trương Định đã để lại tấm gương về lòng yêu nước, thương dân, về tinh thần trung kiên, bất khuất, về phẩm chất: Thắng không kiêu, bại không nản, tiền tài, danh vọng, uy vũ không thể khuất phục; quyết chiến đấu đến cùng vì quyền lợi tối thượng của quốc gia, dân tộc.

Trong nhân dân, Lễ giỗ ông được tổ chức hằng năm vào ngày 19 và 20 tháng 8 dương lịch. Dịp này, nhân dân trong vùng tự giác lập bàn thờ ông đặt trước cửa nhà dọc suốt các tuyến đường đến Đền thờ ông ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông. Cuộc đời, sự nghiệp của Trương Định và cuộc khởi nghĩa do ông chủ xướng đi vào lịch sử và nhiều tác phẩm văn học.

Tinh thần bất khuất, sự hy sinh oanh liệt của Trương Định trở thành biểu tượng sáng ngời cho ngọn cờ đoàn kết, yêu nước của người dân Nam bộ. 160 năm đã trôi qua, tên tuổi người AHDT Trương Định được bao thế hệ sử gia trân trọng ghi chép vào sử sách, nhưng thiêng liêng hơn cả là toàn bộ tiến trình cuộc khởi nghĩa được lưu giữ trong ký ức của nhân dân.

ANH PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202408/huong-den-ky-niem-160-nam-ngay-ahdt-truong-dinh-tuan-tiet-20-8-1864-20-8-2024-va-don-nhan-bang-cong-nhan-di-tich-quoc-gia-dac-biet-khoi-nghia-truong-dinh-bieu-tuong-sang-ngoi-1018265/