Big Tech đang tiếp quản nước Mỹ và thế giới
Sự thiên vị của Big Tech đã đạt đến đỉnh điểm trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020, bao gồm cả việc luận tội ông Donald Trump.
Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống năm 2016, các tập đoàn công nghệ lớn, còn được gọi là Big Tech, bao gồm Facebook, Twitter, YouTube, Instagram, Google, Amazon… đã bắt tay nhau ứng phó với ông.
Họ làm vậy không nhằm mục đích trao quyền cho đảng Dân chủ mà thực chất là để đưa nước Mỹ vào vòng kiểm soát của họ theo hướng cực tả. Phe Dân chủ được hưởng lợi từ cuộc tấn công của Big Tech dành cho ông Trump, nhưng chẳng mấy rồi họ cũng sẽ chịu chung số phận như vậy nếu không có biện pháp ngăn chặn Big Tech.
Gần đây, chính những người trong cuộc, trực tiếp chịu trách nhiệm về sự phát triển của Big Tech đã tham gia trong một bộ phim tài liệu của đạo diễn Jeff Orlowski mang tên “The Social Dilemma” vừa phát hành tháng 1/2020 trên Netflix để cảnh báo về cách thức mà các ông chủ của họ đã sử dụng để thao túng người dùng trong khi họ không hề nhận ra.
Big Tech đã sử dụng các kỹ thuật khoa học hành vi rất tinh vi để khiến người dùng mua các sản phẩm và dịch vụ mà họ không muốn cũng không cần. Với cách thao túng hành vi của người dùng, các tập đoàn công nghệ đang thu về hàng tỷ đô la lợi nhuận.
Tiếp theo thành công về mặt thương mại, Big Tech bắt đầu áp dụng phương pháp tương tự để tác động đến nhận thức, thái độ, hoạt động chính trị, và hành vi bỏ phiếu của người dùng bằng cách sử dụng các thuật toán tinh vi.
Sau đó, Big Tech đã phát hiện ra rằng họ có thể dễ dàng loại bỏ bất kỳ sự cạnh tranh nào từ phía các startup đối thủ, họ có thể dễ dàng đàn áp không cho phát hành, kiểm duyệt hoặc vô hiệu hóa những niềm tin, ý kiến và thông tin của công chúng.
Big Tech đã chuyển từ kiểm soát thị trường sang tác động đến hành vi chính trị, rồi tiếp đó tiến tới kiểm soát các thông điệp chính trị của phe cực tả.
Năm 2016, Big Tech bị cáo buộc đã cố gắng tác động đến cuộc tranh cử Tổng thống giữa ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa. Các công ty này sau đó không muốn một lần nữa bị cáo buộc là ủng hộ ông Trump và họ đã phá bỏ các quy tắc của mình.
Sự thiên vị của Big Tech đã đạt đến đỉnh điểm trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020, bao gồm cả việc luận tội ông Trump vì bị cáo buộc kích động bạo loạn và nổi dậy ở Washington sau khi ông thua cuộc.
Quá trình luận tội chỉ vừa mới được khởi động thì Big Tech đã sử dụng những tuyên bố không rõ ràng chống lại ông Trump và khóa tài khoản của ông ấy trên Twitter, Facebook và nhiều mạng khác, tẩy chay 88 triệu người theo dõi.
Mục đích thực sự của Big Tech đã được Twitter tiết lộ mới đây. Project Veritas, một nhóm bảo thủ đã có được một video ghi lại các cuộc trao đổi bí mật giữa những người cánh tả.
Nhóm này đã công bố một đoạn băng ghi âm, trong đó Giám đốc điều hành của Twitter, Jack Dorsey đã tuyên bố rằng việc cấm ông Trump khỏi Twitter chỉ là bước khởi đầu của dự án gỡ bỏ phe Cộng hòa và những người bảo thủ khỏi nền tảng của họ.
Một điều trớ trêu là: Twitter và Facebook đã kiểm duyệt ông Trump trong cuộc bạo động ở Washington khi ông Joe Biden được tuyên bố là tân Tổng thống Mỹ ngày 6/1 tại Quốc hội. Trong khi đó, các trang này không động chạm gì đến các bài đăng của những kẻ bạo động bàn bạc kế hoạch tấn công tòa nhà Quốc hội ngay trên nền tảng của họ.
Twitter còn cho phép một thông báo kêu gọi xử bắn Phó Tổng thống Mike Pence được lan truyền rộng rãi trước khi có động thái gỡ bỏ.
Không lâu trước khi cuộc bầu cử diễn ra, NY Post, tờ báo lớn thứ ba ở Mỹ đã đăng bài viết hé lộ các chuyện tiêu cực về Hunter Biden, con trai của ông Joe Biden, cho rằng anh ta đã nhận tiền từ các đầu mối ở nước ngoài có rắp tâm gây ảnh hưởng đến chính trị Mỹ. Big Tech lập tức chặn tất cả các thông tin liên quan đến câu chuyện này trên các nền tảng của mình, kể cả cấm NY Post đăng bài báo của chính mình trên các nền tảng xã hội.
Sau cuộc bầu cử, FBI thông báo về việc điều tra Hunter Biden, và chỉ khi đó các mạng xã hội mới cho đăng bài viết.
Big Tech luôn biết cách “né đạn”, tránh những lời chỉ trích nhằm vào mình. Khi bị cáo buộc là có thành kiến với những người bảo thủ với các hành động: gỡ bỏ khỏi nền tảng, tự quyết định những video nào có thể có doanh thu quảng cáo, gắn thẻ…, thì các tập đoàn này đã thiết lập các hội đồng độc lập để đánh giá các chính sách của họ và đảm bảo sự công bằng trong việc ra quyết định.
Vấn đề ở chỗ, các thành viên được Facebook bổ nhiệm cho hội đồng này đều là người chống bảo thủ.
Phản ứng của Big Tech mỗi khi bị vướng vào một vụ bê bối thiên vị thì mười lần như một: Đó là sự cố do lỗi phần mềm. Người dùng Twitter khi tìm kiếm thông tin về Ủy ban hành động chính trị của những người Cộng hòa phản đối ông Trump, có tên gọi “Lincohn Project” đều bị lỗi phần mềm.
Lý lẽ của Big Tech đưa ra là "điều khoản dịch vụ" của họ buộc họ phải loại bỏ nội dung và chặn người dùng có quan điểm đối lập. Vấn đề đặt ra ở đây là: Việc giải quyết các khiếu nại về điều khoản dịch vụ mất rất nhiều thời gian; các điều khoản dịch vụ được diễn giải khác nhau tùy thuộc vào đảng phái chính trị; các điều khoản dịch vụ thay đổi thường xuyên tùy thuộc vào kế hoạch của Big Tech.
Trong các phiên điều trần trước Quốc hội về các hành động của Big Tech, các CEO đã hứa rằng họ đang phát triển những “công cụ” mới nhằm giải quyết vấn đề thiên vị và trách nhiệm giải trình. Đúng thế! Chỉ là điều chỉnh lại các thuật toán tương tự đã được sử dụng trước đây.
Phe Dân chủ không gặp phải việc bị gỡ bỏ tài khoản khỏi nền tảng của các ông lớn công nghệ. Một ví dụ là bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, đã kêu gọi các cuộc nổi dậy trên khắp đất nước để phản đối việc ông Trump thắng cử.
Phản ứng thường thấy của các Big Tech khi bị đối chất về hành vi đi ngược lại dân chủ và can thiệp vào hệ thống chính trị là: Nếu bạn không thích những điều đó, hãy xây dựng nền tảng riêng của mình và cạnh tranh với chúng tôi trên thị trường.
Đó là một sự bắt bẻ không cần thiết. Sức mạnh độc quyền và sự thông đồng giữa các nền tảng của các ông lớn đã kìm hãm sự cạnh tranh.
Một ví dụ là công ty khởi nghiệp Parler, ra đời để cạnh tranh với Twitter bằng cách cung cấp cho người dùng một nền tảng mở, không kiểm duyệt nội dung của người dùng chia sẻ và không xuất bản nội dung của riêng mình. Trong một thời gian rất ngắn kể từ khi xuất hiện, Parler đã trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất.
Khi nhận thấy có nguy cơ, Big Tech lập tức phản công. Amazon đã ngừng cung cấp các dịch vụ cho nền tảng này. Apple và Google đã cấm phân phối ứng dụng Parler từ App Store của họ.
Và, Giám đốc điều hành của Parler cùng với gia đình của ông đã phải trốn tránh khỏi những lời đe dọa giết hại khi Parler kiện Big Tech. CEO của Twitter, Jack Dorsey tuyên bố: "Những lời nói trên mạng sẽ kéo theo hậu quả trên mạng” và cho rằng Parler là “mối nguy cho an toàn công cộng”.
Phần 2: Cách gì ngăn chặn được Big Tech tiếp quản hệ thống chính trị
Tiến sỹTerry F. Buss - Chuyển ngữ: Đào Thúy
Thiết kế: Quốc Dũng