BigTech với ánh hào quang từ AI
Cuối năm 2022, công cụ hội thoại ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT đã gây bão dư luận, biến cái tên OpenAI - công ty khởi nghiệp Mỹ phát triển ứng dụng này - thành chủ đề săn đón của giới kinh doanh.
Đến nay, “hào quang” từ AI dường như đang dần trở về với các hãng công nghệ lớn - những kẻ chống lưng thực sự của các dự án AI nổi bật. Khi hào quang càng sáng thì sẽ càng thu hút sự chú ý, đặc biệt là từ giới chức quản lý - những cơ quan cũng đang nỗ lực để luật hóa những điều khoản nhằm giám sát một cách công bằng và hiệu quả thị trường mới nổi này.
Nvidia, nhà sản xuất chip cốt lõi của trí tuệ nhân tạo tổng hợp đã tăng tốc và đang cạnh tranh với Microsoft để trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. Giống Microsoft, Nvidia đang đầu tư vào một hệ sinh thái đa dạng gồm các công ty khởi nghiệp với hy vọng củng cố vị trí dẫn đầu của mình. Không có gì ngạc nhiên khi mà các cơ quan quản lý với tư duy “techlash” (sự phản kháng mạnh mẽ có tổ chức nhằm vào các công ty công nghệ) đã đưa hai công ty này vào danh sách theo dõi, đặc biệt là các cơ quan chống độc quyền.
Nhìn chung, các cơ quan chức năng có hai lĩnh vực quan tâm. Đầu tiên là liệu các công ty lớn nhất thế giới có đang cố gắng ràng buộc các doanh nghiệp vào sản phẩm của họ theo những cách phản cạnh tranh hay không. Thứ hai là về quyền kiểm soát: có phải một số khoản đầu tư vào AI lớn nhất được ngụy trang sơ sài nhằm tránh né việc xem xét chống độc quyền?
Nvidia đang trong tầm giám sát của danh mục thứ nhất. Gần đây, Nvidia bị Bộ Tư pháp Mỹ đưa vào tầm ngắm để điều tra cáo buộc cho rằng công ty đã ràng buộc người dùng các bộ xử lý đồ họa (GPU) với phần mềm của công ty, một hành vi phản cạnh tranh dẫn tới sự khan hiếm GPU. Trong khi đó, sự chú ý dành cho Microsoft tập trung nhiều hơn vào danh mục thứ hai. Ủy ban Thương mại liên bang (FTC), cơ quan chống độc quyền của Mỹ, đã mở một cuộc điều tra thị trường về khoản đầu tư 13 tỷ USD mà nhà cung cấp phần mềm này dành cho OpenAI, giúp mang lại 49% lợi nhuận cho hãng.
FTC cũng đang điều tra việc Microsoft tuyển dụng hầu hết nhân viên của Inflection - đối thủ của OpenAI - hồi tháng 3 (trong đó có Mustafa Suleyman, đồng sáng lập của Inflection). Hiện FTC cũng nhắm tới các công ty công nghệ lớn khác khi đang xem xét các khoản đầu tư của Alphabet và Amazon vào Anthropic, một nhà sản xuất mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) khác.
Có rất ít thông tin công khai về hoạt động giám sát chống độc quyền này. Tuy nhiên, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) cũng đang điều tra 2 thương vụ của Microsoft, gần đây đã công bố nghiên cứu về LLM để minh họa những mối quan tâm chính. Theo đó, vấn đề lớn nhất là vai trò tiềm tàng của một số gã khổng lồ công nghệ trong việc định hình thị trường theo các cách phản cạnh tranh. CMA lưu ý rằng Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft và Nvidia (nhóm BigTech) đã tạo dựng hơn 90 quan hệ đối tác với các công ty kể từ năm 2019, chủ yếu bằng cách nắm giữ cổ phần thiểu số.
Cơ quan giám sát của Anh lo ngại rằng các BigTech này có thể tạo đòn bẩy cho các nhà tạo mô hình thông qua việc cung cấp các đầu vào quan trọng, như sức mạnh tính toán và dữ liệu, cũng như kiểm soát quyền truy cập của người dùng thông qua nền tảng của họ. CMA cũng lưu ý một số giao dịch có thể đã được thiết kế để tránh sự giám sát sáp nhập.
Ở Mỹ, mối quan tâm của chính phủ cũng tương tự nhưng không chỉ nhắm tới LLM. Nếu như AI tổng hợp có vô số ngóc ngách để khai thác thì Chính phủ Mỹ để mắt đến toàn bộ các BigTech này trong từng ngóc ngách, từ các bộ xử lý nhỏ GPU cho đến các ứng dụng hoàn chỉnh, phổ biến hàng đầu dành cho người dùng. Cuộc điều tra của FTC về thỏa thuận Inflection của Microsoft lại là cấp độ khác. Cơ quan này đang điều tra về khả năng Microsoft có cung cấp giấy tờ sáp nhập chính xác hay không khi thuê hầu hết nhân viên của Inflection và trả tiền cho giấy phép không độc quyền cho công nghệ của hãng. Nói cách khác, FTC nghi ngờ đây là một vụ mua lại trá hình nhằm tránh bị điều tra chống độc quyền. Đối với Microsoft, đây hoàn toàn không phải là một vụ mua lại, những gì còn lại của Inflection vẫn là một công ty độc lập.
Nhìn chung, trong nhiều năm nay, các cơ quan quản lý đều nỗ lực tìm cách kiềm chế quy mô của các công ty lớn một cách không quá khoa trương và cũng trong ngần ấy năm thì các công ty công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon và nơi khác cũng lầm lũi tạo nên xu hướng phát triển có vẻ ngang ngược như lâu nay vẫn vậy trên “vùng đất” kỹ thuật số của riêng họ. Cho đến nay, bài toán phát triển công nghệ phục vụ đời sống con người một cách có đạo đức và bài toán quản lý công nghệ và không gian kỹ thuật số một cách hiệu quả đều đặt ra những vấn đề khó khăn cho các bên liên quan. Với các nhà quản lý chống độc quyền, tốc độ thực hiện các vụ điều tra là một thách thức đáng kể bởi khó có thể bắt kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ và các cuộc điều tra chống độc quyền trong quá khứ đều có xu hướng dẫn tới mê cung.
Phải mất 40 năm Tòa án Tối cao mới ra lệnh cho công ty hóa chất lớn của Mỹ E.I. Du Pont de Nemours thoái vốn cổ phần bị kết luận là phản cạnh tranh tại General Motors - vốn được công ty mua lại vào năm 1917 khi GM còn là nhà sản xuất ôtô non trẻ. Hay việc FTC cũng đang bước vào cuộc chiến với Meta, gã khổng lồ về truyền thông xã hội, xem xét các thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp của Facebook, lần lượt được thực hiện cách đây tới 12 và 10 năm.
Bên cạnh đó, với lĩnh vực AI mới nổi, vốn đầu tư và các yêu cầu về sức mạnh tính toán, thông tin kỹ thuật số và chuyên môn của con người là những “nguyên liệu” đầu vào cần có và là nhu cầu chính đáng khiến người phát triển mô hình phải nhờ đến sự hỗ trợ của những gã khổng lồ công nghệ. Trong khi đó, cũng thật khó để khẳng định một gã khổng lồ công nghệ có quyền nắm giữ độc quyền đối với bất kỳ công ty khởi nghiệp AI nào hay không bởi có quá nhiều mối quan hệ đan xen đang diễn ra.