Billiards Việt Nam bất ngờ gặp họa (*): Sự chồng chéo trong quản lý

Sự chồng chéo giữa chức năng của thể thao phong trào và thể thao đỉnh cao đã và đang gây khó khăn cho rất nhiều tổ chức liên đoàn, hiệp hội thể thao chính thống ở Việt Nam, trong đó có billiards Việt Nam mà lệnh cấm của Liên đoàn Billiards châu Á (ACBS) là minh chứng.

Để định nghĩa rạch ròi và có sự tách bạch giữa thể thao phong trào, thể thao quần chúng và thể thao nghiệp dư hoàn toàn không phải chuyện dễ dàng. Nhìn vào tên gọi, người ta vẫn có thể hình dung phần nào được tính chất và mức độ của người tham gia tập luyện cũng như thi đấu trong từng loại hình thể thao này.

Phùng Kiện Tường (giữa) cùng đội tuyển châu Á đoạt á quân Giải Billiards WCBS Championship 2024 .(Ảnh: ACBS)

Phùng Kiện Tường (giữa) cùng đội tuyển châu Á đoạt á quân Giải Billiards WCBS Championship 2024 .(Ảnh: ACBS)

Hồi thập niên 90 của thế kỷ trước, taekwondo Việt Nam khi thành lập liên đoàn quốc gia đã phải chọn gia nhập World Taekwondo Federation (WTF), tổ chức được trao quyền quản lý hoạt động của loại hình võ thuật này trên toàn thế giới, bao gồm mọi sự kiện từ các giải vô địch khu vực, châu lục, thế giới cho đến các đại hội thể thao như SEA Games, Asian Games và Olympic.

Chọn WTF thay vì ITF (International Taekwondo Federation) - do vị võ sư được xem là "ông tổ" taekwondo là Choi Hong-hi sáng lập - chính là quyết định sáng suốt của taekwondo Việt Nam, mở đầu cho cả một thời kỳ phát triển rực rỡ cả trong nước lẫn nâng tầm quan hệ với quốc tế.

Thể hình Việt Nam năm 2009 đã được "bật đèn xanh" để đi theo WBPSF (World of Bodybuiding and Sports Physique Federation) thay vì để IFBB (International Federation of Bodybuiders) níu kéo. IFBB đã bất lực trong việc thuyết phục Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đưa thể hình vào chương trình thi đấu chính thức của Olympic, chưa kể liên đoàn này không quản lý nổi việc các vận động viên sử dụng thuốc và các biệt dược dùng làm tăng cơ bắp.

Chọn taekwondo và thể hình để làm ví dụ cho thấy mức độ cạnh tranh như thế nào ở cấp độ quốc tế với rất nhiều liên đoàn, hiệp hội ra đời để đón đầu cơ hội phát triển. Tất nhiên, mức độ "kinh doanh hóa" 2 môn thể thao này hoàn toàn chưa đến hoặc nếu có cũng không thể sánh bằng quyền Anh (từ thập niên 80 của thế kỷ trước đã có đến 4 liên đoàn quốc tế) hay billiards, môn thể thao mới nổi lên nhưng lại lắm bất cập.

Riêng nội dung billiards carom, Liên đoàn Billard thế giới (UMB) từ năm 2019 đến nay luôn phải đau đầu đối phó với Hiệp hội Billiards chuyên nghiệp (PBA) hay ở mảng pool, Liên đoàn Billiards Pool thế giới (WPA) lúc nào cũng lo lắng bởi 2 cái tên Matchroom và Predator, các tổ chức tư nhân tạo ra và quản lý các giải đấu billiards pool trên thế giới, chủ yếu để kinh doanh và thu lợi nhuận.

Như chúng ta đã biết, do sự kiện Hanoi Open Pool Championship 2023 diễn ra vào tháng 10 năm ngoái làm ảnh hưởng đến các giải do Liên đoàn Billiards thể thao châu Á (ACBS) tiến hành nên tổ chức này đã ra thông báo cấm mọi cơ thủ đã tranh tài ở Hà Nội không được tham dự các giải đấu do ACBS cấp phép.

Dư âm chuyện cũ chưa lắng xuống thì ACBS lại nắm bắt chuyện hai giải Hà Nội Open Pool Championship 2024 và PBA Hà Nội Tour 2024 sắp được diễn ra nên tiếp tục ban hành lệnh cấm, lần này áp dụng cho toàn bộ thành viên của Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF), ở mọi sự kiện do ACBS tổ chức hoặc phối hợp tổ chức trong thời hạn 6 tháng, từ ngày 13-6-2024 đến 12-1-2025.

Với tư cách người trong cuộc, Liên đoàn Billiards & Snooker Hà Nội (HBSF) đã có gửi văn bản đến Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, khẳng định ACBS không có bất cứ cơ sở pháp lý nào để cấm các cơ thủ Việt Nam dự giải quốc tế một khi HBSF Hà Nội không phải thành viên của ACBS và việc HBSF Hà Nội tổ chức các giải đấu trong khuôn khổ Luật Thể dục Thể thao và nội dung sửa đổi của luật này không liên quan gì đến ACBS.

Phía HBSF Hà Nội còn dẫn giải việc rất nhiều quốc gia trong khu vực và châu lục đã tổ chức những giải đấu thuộc Matchroom Pool nhưng không thấy ACBS trừng phạt. Ở nội dung carom, Hàn Quốc tổ chức PBA từ năm 2019 tới nay nhưng các cơ thủ nước này vẫn được thi đấu tại những giải của UMB.

Như đã nói ban đầu, để định nghĩa rạch ròi và có sự tách bạch giữa thể thao phong trào, thể thao quần chúng và thể thao nghiệp dư hay giữa thể thao đỉnh cao và thể thao chuyên nghiệp hoàn toàn không dễ dàng ở thời điểm hiện tại. Thế thì khái niệm thể thao quần chúng quốc tế lại càng mơ hồ, bởi không ai chỉ ra VĐV quốc tế ấy có đẳng cấp hay không, dự các giải "phong trào" thì có được dùng thành tích cá nhân để được cộng điểm, phong cấp, thăng hạng ở hạng mục chuyên nghiệp?

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-8

Quyền Anh lâu nay đã "khổ" vì chính khái niệm "thể thao quần chúng quốc tế", bởi giải phong trào tổ chức tại vài địa phương lâu nay nhưng người thắng lại được nhận đai, hoặc được công nhận bảo vệ đai của các tổ chức chính thống (WBO, WBC...). Bài học của quyền Anh chắc chắn rất cần được tiếp thu nghiêm túc.

Đông Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/billiards-viet-nam-bat-ngo-gap-hoa-su-chong-cheo-trong-quan-ly-196240801205705133.htm