Billie Eilish: Tiếng nói Gen Z không ồn ào nhưng mạnh mẽ

Khi cả thế giới pop đang đắm chìm trong ánh sáng lấp lánh của sân khấu, váy dạ hội và những đoạn điệp khúc bốc lửa, một cô gái với mái tóc xanh lá, giọng hát thì thầm và đôi mắt trũng sâu bước ra từ bóng tối, chậm rãi nhưng dứt khoát, đảo ngược tất cả quy tắc.

Billie Eilish không đến để làm vừa lòng ai. Cô đến để khiến cả ngành công nghiệp giải trí phải ngồi lại và lắng nghe. Không PR rầm rộ, không scandal gây sốc, Billie dùng chính nỗi buồn, sự khác biệt và bản sắc riêng để tạo ra cơn địa chấn trong thế giới âm nhạc. Và điều đáng sợ, hay tuyệt vời, là cô còn rất trẻ, mới chỉ bắt đầu.

Billie Eilish Pirate Baird O'Connell sinh năm 2001 tại Los Angeles, Mỹ, trong một gia đình nghệ sĩ không theo khuôn mẫu. Cha mẹ cô – ông Patrick O’Connell và bà Maggie Baird – đều là diễn viên, nhạc sĩ độc lập. Họ quyết định nuôi dạy Billie và anh trai Finneas ở nhà, thay vì cho học trường công lập. Điều này không chỉ giúp Billie tránh khỏi áp lực học đường mà còn tạo điều kiện để cô khám phá bản thân qua nghệ thuật, âm nhạc và điện ảnh từ rất sớm. Ngay từ khi còn nhỏ, Billie đã học nhảy, hát hợp xướng, học đàn piano và ukulele. Cô từng kể lại những buổi tối cả gia đình nằm dưới sàn nghe The Beatles, cảm âm từng tiếng đàn của George Harrison. Môi trường đó, cùng với sự đồng hành từ người anh trai tài năng Finneas, đã biến nhà bếp thành phòng thu và ký ức tuổi thơ thành chất liệu nghệ thuật đầu tiên của cô.

Tài năng và nỗi đau

Billie bắt đầu sáng tác từ năm 11 tuổi, với ca khúc đầu tay Fingers Crossed lấy cảm hứng từ series The Walking Dead, loạt phim truyền hình Mỹ về đại dịch zombie nổi tiếng vào đầu thập niên 2010. Ngay từ đó, cô đã thể hiện khả năng khai thác chiều sâu cảm xúc một cách tinh tế và khác biệt. Nhưng phải đến khi Ocean Eyes được phát hành trên SoundCloud năm 2015, cả thế giới mới thực sự chú ý. Không có kế hoạch quảng bá, không có chiến lược truyền thông, chỉ là một cô bé 14 tuổi thu âm trong phòng ngủ với giọng hát mềm như sương sớm, đầy hoài niệm và ám ảnh. (SoundCloud là một nền tảng chia sẻ nhạc trực tuyến, nơi các nghệ sĩ trẻ có thể tự đăng nhạc của mình lên để người khác nghe miễn phí.)

Cú bứt phá đầu tiên đó dẫn Billie tới album đầu tay When We All Fall Asleep, Where Do We Go? (2019) – một sản phẩm âm nhạc không giống ai. Với chủ đề về bóng tối, ác mộng, cái chết và sự cô lập, album là lời thì thầm từ vùng sâu thẳm tâm hồn của một thiếu niên đang lạc lối. Nhưng thay vì than vãn, Billie chọn cách đối diện: không tô hồng, không né tránh. Những bài như Bury a friend hay Ilomilo là nỗi sợ được hóa thân thành giai điệu, là nước mắt được chưng cất thành âm thanh.

Billie từng công khai việc bị trầm cảm nặng từ năm 14 tuổi, rối loạn hình thể, tự làm tổn thương bản thân và từng nghĩ đến cái chết. Cô kể rằng có những ngày không thể rời khỏi giường, và âm nhạc là sợi dây duy nhất níu cô lại. "Tôi viết ra những thứ không thể nói với ai. Nhạc giúp tôi sống sót”, cô nói. Không phải lời quảng bá, mà là lời thú nhận. Và chính điều đó khiến âm nhạc của Billie chạm đến hàng triệu người, những kẻ đang lặng lẽ đau, đang tìm cách gọi tên nỗi buồn của mình.

Tài năng của Billie không chỉ nằm ở giọng hát lạ, mà còn ở khả năng kể chuyện bằng âm thanh. Cô và Finneas – người đồng sáng tạo không thể tách rời – tạo nên một không gian âm nhạc tối giản nhưng gợi hình. Tiếng bass trầm, tiếng thở, tiếng động môi, thậm chí cả khoảng lặng – tất cả đều trở thành nhạc cụ trong tay họ. Billie không cố gắng trở thành diva, cô chỉ cố gắng thành thật. Và chính sự thành thật ấy, trần trụi và mong manh, mới là thứ khiến cô trở nên phi thường.

Âm nhạc của Billie Eilish đi ngược lại mọi chuẩn mực truyền thống của nhạc pop. Không có những đoạn điệp khúc sôi động, không cần giai điệu bắt tai hay giọng hát gằn cao, Billie chọn cách thủ thỉ, thì thầm, đôi khi gần như nói, nhưng vẫn khiến người nghe ám ảnh đến rợn người. Bad Guy là một ví dụ tiêu biểu: với bassline (các nốt trầm) gợi cảm, đoạn drop (đoạn nhạc hạ đột ngột về cao độ hoặc tiết tấu để gây ấn tượng) bất ngờ và cấu trúc phi truyền thống, ca khúc khiến người nghe không thể rời tai. Chủ đề Billie khai thác không dành cho những ai tìm kiếm sự nhẹ nhàng. Cô viết về cô đơn, mất mát, cái chết, và sự giằng xé nội tâm. Tuy nhiên, thay vì tô vẽ hay bi kịch hóa, Billie giữ một khoảng cách lạnh lùng, quan sát, và mổ xẻ chúng như một nhà giải phẫu tinh thần thế hệ Gen Z. Album Hap-pier Than Ever (2021) cho thấy bước chuyển mình về mặt cảm xúc và phong cách: từ synthpop (nhạc pop sử dụng âm thanh điện tử) đến ballad jazz, Billie thể hiện một phổ cảm xúc rộng lớn. Còn Hit Me Hard and Soft (2024) đánh dấu sự chín muồi trong âm nhạc của cô, với kỹ thuật phối khí tinh vi hơn, giọng hát đầy nội lực và chiều sâu nội tâm vượt xa độ tuổi 22.

Các nhà phê bình khó tính nhất cũng phải cúi đầu trước tài năng của Billie Eilish. Tạp chí âm nhạc Rolling Stone uy tín hàng đầu của Mỹ nhận định: “Billie đang vẽ lại biên giới giữa pop và nhạc thể nghiệm. Cô không chỉ là một hiện tượng, mà là một định nghĩa lại”. Pitchfork, trang web chuyên phê bình nhạc nổi tiếng, vốn nổi tiếng khắt khe, mô tả cô là “tiếng nói không ồn ào nhưng mạnh mẽ của cả một thế hệ mắc trầm cảm, mất định hướng, và muốn được lắng nghe”. Elton John gọi Billie là “một trong những nghệ sĩ quan trọng nhất của thời đại chúng ta”. Nghệ sỹ Paul McCartney, biểu tượng sống của âm nhạc thế giới, từng so sánh Billie với Beatles thời trẻ: “Cô ấy dũng cảm và khác biệt như chúng tôi ngày xưa”.

Hans Zimmer, nhà soạn nhạc giành giải Oscar với hàng loạt nhạc phim nổi tiếng như Inception hay The Lion King, cũng phải thừa nhận: “Khi tôi nghe bản demo No Time To Die, tôi nổi da gà. Cô ấy hiểu thế nào là chiều sâu cảm xúc”. Không dễ để làm hài lòng cả công chúng lẫn giới chuyên môn, nhưng Billie đã làm được, và quan trọng hơn, cô làm điều đó mà không cần đánh đổi bản sắc cá nhân.

Nghệ sĩ, hay nạn nhân của công chúng?

Từ khi nổi tiếng, Billie Eilish luôn là tâm điểm của sự chú ý, không chỉ bởi tài năng mà còn vì ngoại hình, phong cách sống và những lựa chọn cá nhân. Cô từng bị paparazzi (thợ săn ảnh) chụp lén khi mặc áo ba lỗ và trở thành mục tiêu body shaming (chỉ trích ngoại hình) của mạng xã hội. Phong cách thời trang rộng thùng thình của Billie trong giai đoạn đầu không chỉ là gu thẩm mỹ mà còn là lớp giáp bảo vệ bản thân. Cô từng phát biểu: “Không ai có quyền đánh giá thân thể tôi khi tôi chưa cho họ cơ hội nhìn thấy”. Nhưng khi cô bắt đầu thay đổi hình ảnh, thử nghiệm với vẻ ngoài nữ tính và gợi cảm hơn, một bộ phận công chúng lập tức quay lưng, cho rằng Billie đã "thay đổi quá nhiều". Billie phản ứng mạnh mẽ: “Tôi không phải biểu tượng. Tôi là người. Người thì thay đổi”.

Ngoài đời, Billie sống khá kín tiếng. Cô nuôi nhện Tarantula (loài nhện lớn có lông, thường bị xem là đáng sợ), từng công khai mắc chứng rối loạn thần kinh vận động (Tourette) và cho biết chỉ giữ mối quan hệ thân thiết với rất ít người. Cô xúc động khi nói về cái chết của rapper Mac Miller và luôn thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với những người trẻ đang vật lộn với sức khỏe tinh thần. Dù sở hữu danh tiếng toàn cầu, Billie không sống trong biệt thự xa hoa mà vẫn ở cùng gia đình, không tiệc tùng hay phô trương trên mạng xã hội. Cô là người nổi tiếng, nhưng không bị danh tiếng chi phối, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

Billie là trường hợp hiếm hoi trong âm nhạc hiện đại: vừa đại chúng, vừa tiên phong. Vừa yếu đuối, vừa đầy bản lĩnh. Không cần phô trương, Billie Eilish vẫn tạo nên một kỷ nguyên mà pop không chỉ để nghe mà để suy nghĩ, để cảm nhận, và để tìm thấy bản thân trong đó.

Ảnh hưởng của Billie không dừng lại ở âm nhạc. Phong cách thời trang của cô, oversized (rộng thùng thình), phi giới tính, tôn vinh sự thoải mái và tự do cá nhân, đã trở thành biểu tượng trong giới trẻ toàn cầu. Cô phá vỡ chuẩn mực về cái đẹp, thách thức định kiến giới, và trao quyền cho những ai từng bị tổn thương vì khác biệt. Với Gen Z, thế hệ trẻ sinh từ cuối thập niên 1990 đến đầu 2010, Billie không chỉ là một nghệ sĩ, cô là biểu tượng của sự thật thà, tự chữa lành, và dám sống thật. Trong thời đại mạng xã hội đầy giả tạo, Billie Eilish là minh chứng rằng sự thành thật có thể chạm đến hàng triệu trái tim và thay đổi cả một nền văn hóa.

Trúc Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/billie-eilish-tieng-noi-gen-z-khong-on-ao-nhung-manh-me-10308979.html