BIM - Ứng dụng công nghệ 4.0!

Trong cuộc tọa đàm mới đây về 'Giải pháp kiến trúc, xây dựng chung cư thời đại 4.0', Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest cho biết, đã ứng dụng công nghệ BIM vào quá trình quản lý xây dựng, khiến dự án không những kiểm chứng được ý tưởng của chủ đầu tư mà còn mang lại hiệu quả trong việc quản lý xây dựng công trình, tránh được sai sót, đặt ra chu trình sử dụng dòng tiền hợp lý, tiết kiệm...

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Vậy BIM là gì, và nó có quá xa lạ đối với lĩnh vực xây dựng của Việt Nam?

Theo giải thích của chuyên gia thì BIM được ra đời cũng đơn giản thôi, vì đó là sự tiến hóa tất yếu của công nghệ...

...Từ thời kỳ các bản vẽ của kiến trúc sư trên giấy, đến kỷ nguyên của CAD (Computer Aided Design) với bảng vẽ điện tử chính xác và dễ hiệu chỉnh hơn. Tiếp sau đó, nhờ vào sự tăng trưởng sức mạnh của phần cứng và đồ họa máy tính, tạo điều kiện cho sự phát triển của mô hình CAD-3D. Phần mềm đã có thể mô phỏng lại từng chi tiết nhỏ nhất của công trình bằng hình họa 3D với độ chính xác cao, kết hợp với quy trình BIM đưa ra những mô hình thông tin đầy đủ để hỗ trợ tối đa cho tất cả các công đoạn phát triển một dự án xây dựng.

Với BIM, một khi các thông tin được thiết lập chính xác, việc xây dựng sẽ trở nên nhanh hơn, chính xác hơn, chi phí thấp hơn. Đó chính là lý do tại sao BIM đang trở thành một xu hướng mới và gần như là tiêu chuẩn bắt buộc trong ngành Xây dựng trên toàn thế giới.

Chẳng hạn, BIM sẽ giúp chủ đầu tư tiết kiệm chi phí và thời gian. Qua đây, chủ đầu tư có một cái nhìn chính xác hơn khi ước lượng các khoản đầu tư và chi phí, mọi mô hình trên BIM đều có chiều sâu và rất chính xác. Giảm thiểu các khoản phát sinh về chi phí lẫn thời gian làm việc với việc quản lý dữ liệu đồng nhất, tránh mất mát trong quá trình lưu trữ và quản lý tài liệu.

Tiếp theo, BIM sẽ giúp sự liên kết giữa các phòng ban trở nên chặt chẽ hơn, từ thiết kế kiến trúc, kết cấu, MEP, dự toán..., tất cả đều làm việc trên một mô hình thống nhất, mọi thông tin đều được cập nhật thường xuyên, tạo thành một luồng thông tin xuyên suốt.

Tiếp nữa, mô hình 3D trong BIM mang đầy đủ các yếu tố của một công trình thực tế, giúp chủ đầu tư dễ dàng phát hiện những xung đột giữa các thành phần trong công trình, hạn chế các phát sinh khi thi công, giảm thiểu sai sót...

Đấy, khi nói đến nền công nghiệp 4.0 có vẻ xa xôi, nhưng qua những tìm hiểu như trên, nó cứ như ngay bên cạnh mình.

Tại Việt Nam, theo lộ trình của Chính phủ thì đến năm 2021, BIM sẽ trở thành một tiêu chuẩn trong các công trình xây dựng, đây là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sắp tới trong ngành Xây dựng.

Nguyễn Hoàng Linh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bim-ung-dung-cong-nghe-40-283035.html