Bimbos – Tộc người bí ẩn nhất thế giới

Cuối thập niên 1980, FUNAI - là cơ quan của Chính phủ Brazil phụ trách việc bảo vệ quyền lợi của thổ dân bản địa đã công bố về sự tồn tại của bộ lạc Bimbos bí ẩn nhất thế giới, chỉ có 290 người sống ở phía tây Brazil, trong thung lũng Vale do Javari rộng 83.000 km2.

1. Theo công bố của FUNAI, người Bimbos (hay còn được gọi là Nutioy, Mikibo, Matis hoặc Musabo) là chủng người bản địa ở Brazil. Họ cư trú trong 2 ngôi làng là Aurelio với 160 người và làng Beija Flor, 130 người. Cả hai đều nằm ven bờ sông Itui. Họ kiếm sống bằng cách săn bắn, đánh cá, hái lượm và trồng trọt vài loại cây đơn giản như chuối, đu đủ, khoai sọ… Lần đầu tiên khi tiếp xúc với các nhân viên FUNAI, người Bimbos tin rằng máy bay chở khách là xokeke, linh hồn của tổ tiên họ, còn máy bay trực thăng là binkeke, một loại chim dữ vì nó bay gần mặt đất.

Phát hiện đầu tiên về sự tồn tại của chủng người Bimbos là do Tiến sĩ Hoan Joaquin, chuyên gia nghiên cứu rừng mưa nhiệt đới. Tháng 6-1976, khi bay ngang thung lũng Javari, ông tình cờ nhìn thấy 3 sinh vật trần truồng, hình dạng giống như con người đang lao nhanh vào một bụi cây khi nghe thấy tiếng nổ của động cơ trực thăng. Ra hiệu cho phi công hạ thấp độ cao để chụp ảnh nhưng cả 3 sinh vật ấy đã biến mất.

Thợ săn Bimbos với ống thổi phi tiêu.

Thợ săn Bimbos với ống thổi phi tiêu.

Vài ngày sau khi về đến sân bay Alalaia Do Norte, Tiến sĩ Joaquin liên lạc với nhà nhân chủng học Gonzaler. Theo ông Gonzale, thung lũng Javari có diện tích 83.000km2. Thời còn là thuộc địa của Bồ Đào Nha, các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha cho rằng đây nơi cư trú của các bộ lạc Bimbos, Matses, Kulina, Mayoruna…, nhưng chưa hề có ai tiếp xúc với họ. Trong một bài tiểu luận, Tiến sĩ Hoan Joaquin đã nêu ra những nghi vấn về sự tồn tại của các tộc người chưa từng được biết đến. Tuy nhiên, bài tiểu luận nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Năm 1978, nhà thám hiểm McPollack cùng một nhóm cộng sự vào thung lũng Javari để thực hiện bộ phim phóng sự về thổ dân Brazil cho kênh truyền hình Địa lý Quốc gia (National Geographic) nhưng không thu được kết quả. Họ chỉ ghi nhận rằng 2 ngôi làng của người Bimbos không có hình dạng cố định. Các căn chòi nhỏ lợp bằng lá cọ thường tập trung quanh một ngôi nhà dài đặt trên một đỉnh đồi thấp.

Nó có hình tam giác, cao khoảng 6m, bên trong trang trí những tấm vải dệt bằng tay, màu sắc sặc sỡ cùng xương hàm và xương đầu của những loài thú lớn như heo vòi, heo rừng. Bên cạnh đó, nhóm quay phim còn ghi hình những ống thổi phi tiêu với những mũi tên tẩm chất độc mà người Bimbos đã bỏ lại khi thấy những người da trắng tóc vàng xuất hiện.

Một năm sau - ngày 29-10-1979 - khi chiếc máy bay Cessna C-98 cùng 4 thành viên phi hành đoàn và 7 cán bộ y tế đang trên đường thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng ngừa bệnh đậu mùa tại các làng mạc hẻo lánh ở bang Acre, Brazil thì bị hỏng động cơ lúc đang ở độ cao gần 1.000m. Sau vài phút, nó rơi xuống bờ sông Itui và qua lời tường thuật của những người may mắn thoát chết thì thế giới mới có cái nhìn cụ thể về các bộ lạc ở vùng này.

Một trong 9 người sống sót là bác sĩ Banderas cho biết: “Máy bay cắm phần mũi xuống đáy bùn. 4 người chết. Tôi và những người còn lại phải đập vỡ cửa kính để chui ra. Ngay lúc ấy, tôi thấy một nhóm thổ dân, tất cả đều không mặc quần áo, tay cầm cung tên. Một số người già xỏ những chiếc răng nanh động vật xuyên ngang lỗ mũi nhưng họ không có thái độ gì là thù địch mà ngược lại, họ lội xuống sông, giúp đưa chúng tôi lên bờ. Khi nghe tiếng trực thăng cứu hộ đến, họ biến mất”.

2. Thông tin về sự tồn tại của “những thổ dân trần truồng, răng nanh động vật xuyên ngang lỗ mũi” đã khiến FUNAI hành động. Hình ảnh chụp từ vệ tinh và các chuyến bay thám sát tiến hành vào tháng 4-1980 ghi nhận “có 4 túp lều lợp lá, bên cạnh có 2 cây chuối, bao quanh là rừng rậm nhưng không thấy người”.

Những người Bimbos lớn tuổi đều xỏ răng nanh động vật qua lỗ mũi.

Những người Bimbos lớn tuổi đều xỏ răng nanh động vật qua lỗ mũi.

Các cuộc thăm dò diễn ra trong 3 tháng sau đó bằng cách đi bộ cũng không hề gặp được thổ dân nào. Nhà nhân chủng học Leguzamo, thành viên của đoàn thăm dò nói: “Nhằm giúp thổ dân tiếp cận với xã hội hiện đại cũng như chuẩn bị cho những cuộc gặp gỡ về sau, chúng tôi để cạnh 4 túp lều một số nông cụ như dao, cuốc, xẻng cùng mấy cái bật lửa kèm theo vài tờ giấy, vẽ hình minh họa cách sử dụng. Tuy nhiên, khi quay lại, những nông cụ ấy chắc chắn đã được thổ dân cầm lên xem xét rồi ném chúng vương vãi ở nhiều nơi. Điều ấy có nghĩa là thổ dân không coi những vật này là công cụ có ích…”.

Cuối năm 1980, một nhóm 4 nhà truyền giáo lên đường vào thung lũng Vale do Javari. Mất gần nửa năm, họ mới tiếp cận được với tộc người Bimbos mà nguyên nhân là do một sự tình cờ, họ gặp một thổ dân Bimbos nằm mê man bên bờ sông Itui vì bệnh sốt rét. Sau khi cứu chữa bằng thuốc quinine và ngay sau khi thổ dân này cắt được cơn sốt, anh ta bỏ trốn.

Tuy nhiên chỉ vài ngày, anh ta quay lại nơi dựng trại của những nhà truyền giáo, ra dấu cho họ đi theo mình. Nhà truyền giáo Francisni viết trong nhật ký: “Chúng tôi được đưa đến 1 ngôi làng, nơi có 3 thổ dân cũng bị sốt rét. Thoạt đầu chúng tôi phải đối mặt với sự nghi kị nhưng sau khi cắt sốt cho 3 thổ dân, họ tỏ ra thân thiện với chúng tôi. Để chứng tỏ rằng mình đến trong hòa bình, chúng tôi tặng họ dây câu, lưỡi câu, dao, rựa…”.

Bên cạnh đó, 3 nhà truyền giáo còn thực hiện chính sách “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với thổ dân. Nhà truyền giáo Francisni cho biết: “Lúc ấy tộc người Bimbos chỉ có khoảng 200 nhân khẩu, sống bằng săn bắn hái lượm. Hầu hết đều không mặc quần áo, chỉ che phần dưới cơ thể bằng một chiếc khố nhỏ làm bằng sợi tước ra từ vỏ cây. Họ bắn cung, phóng lao rất giỏi, biết nấu chín thức ăn. Mỗi khi đau ốm, họ tự chữa bằng các loại rễ, lá, củ, mọc trong rừng”.

Vẫn theo những chi chép của nhà truyền giáo Francisni, trước khi họ đến, người Bimbos chữa sốt rét bằng kampo(chất độc trên da một loại ếch), đánh roi lên người bệnh cho ra mồ hôi để xua đuổi cơn sốt (nghi lễ mariwin), nhỏ vào mắt một loại nước ép từ trái cây rất đắng, đắp lá có chứa chất kích thích mạnh (poces), uống tatxi (một loại thức uống làm từ rễ cây). Nếu may mắn khỏi bệnh, người Bimdos tổ chức ăn mừng bằng cách sơn màu đỏ lên người lấy từ quả urucum, nhảy múa trong tiếng hú bắt chước âm thanh của chim txawa và lợn rừng Amazon trong khi người đứng đầu bộ lạc liên tục đập 2 cái sọ của loài chim này vào nhau.

Nhà truyền giáo Paul Carno được phép tham dự một buổi đi săn kể lại: “Ống thổi Bimbos dài khoảng 3,5 mét, đường kính chỗ để thổi khoảng 10cm còn đường kính chỗ phi tiêu thoát ra chỉ khoảng 2,5cm, làm từ thân cây cọ. Trên thân ống thổi, người Bimbos phủ kín bằng nhựa cây rồi khảm vỏ trứng đồng thời gắn vào đó những cái răng nanh của loài chuột mapwa. Do chiều dài và trọng lượng, ống thổi chỉ hiệu quả ở một góc 20 độ so với phương thẳng đứng. Thú săn của loại ống này thường là khỉ cùng vài loài chim, gà rừng”.

Cũng trong chuyến đi săn ấy, Paul Carno cho biết khi nhóm thợ săn phát hiện một đàn khỉ, họ lặng lẽ tiến lại gần nhất có thể vì phi tiêu chỉ bay xa tối đa 30m. Một người trong nhóm nhét phi tiêu đã tẩm chất độc curare vào đầu ống, hít một hơi dài và thổi thật mạnh. Ở đuôi phi tiêu, người Bimbos tách những sợi tơ từ cây kim tước, bện thành búi để bịt kín không khí nhằm tạo sức nén và giúp phi tiêu bay đúng hướng. Riêng cung tên, họ chỉ sử dụng để săn heo vòi hoặc heo rừng còn nếu đi đánh cá, họ giã nát cây awaka để đầu độc nguồn nước. Cá hấp thu chất độc từ cây này sẽ bị say và nổi lên.

Sau hơn 1 năm, các nhà truyền giáo đã nói thạo ngôn ngữ Bimbos. Bằng nhiều cách, họ cố gắng đưa người Bimbos lại gần thế giới văn minh nhưng xem ra tất cả đều vô ích. Nếu cần nhóm lửa, người Bimbos lấy 2 thanh gỗ khô cọ vào nhau chứ không dùng bật lửa dù nó có sẵn. Những đôi giày mà các nhà truyền giáo cho họ để bảo vệ đôi chân trong những chuyến đi săn bị vứt vào một xó. Ngay cả những chiếc áo thun màu mè sặc sỡ cũng bị xé ra thành từng dải nhỏ để trang trí trước cửa lều.

Thêm 2 năm nữa trôi qua, trong tổng số hơn 200 nhân khẩu, chỉ 18 người theo đạo Cơ Đốc. Họ siêng năng đi lễ ngày chủ nhật và các ngày lễ lớn như lễ Phục sinh, lễ Giáng sinh nhưng họ lại không chấp nhận ngày “tết” (New Year). Lập luận của họ và của cả cộng đồng Bimbos là: “Ngày nào mặt trời cũng mọc, tháng nào mặt trăng cũng tròn. Ngày năm mới cũng thế, có gì khác đâu mà phải ăn mừng”.

3. Những phát hiện về tộc người Bimbos đã khiến nhiều công ty du lịch ở Brazil và nhiều quốc gia phương Tây nhận ra đây là một thương vụ kinh doanh hốt bạc. Các “tour Bimbos” liên tục được mở ra, thu hút hàng nghìn người nhưng cũng vì vậy, thổ dân ngoài việc kiếm ra tiền, họ còn tiêm nhiễm những thói hư tật xấu do một số du khách mang đến, chẳng hạn như uống rượu, hút thuốc lá và thậm chí là cả ma túy.

Một gia đình Bimbos.

Một gia đình Bimbos.

Bên cạnh đó, một số bệnh truyền nhiễm cũng theo chân du khách khiến năm 1981, hơn 50 người Bimbos chết vì bệnh tật, những người sống sót phải chuyển làng đến sát bờ sông Itúi. Đến năm 1983, bộ lạc Bimbos chỉ còn 87 người. Một cuộc điều tra dân số của FUNAI thực hiện hồi năm 1985 cho thấy chỉ có 7 người Bimbos trên 40 tuổi và 3 người trên 50 tuổi. Đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất đối với bộ tộc Bimbos và điều này chỉ bắt đầu thay đổi vào năm 1987 khi FUNAI thành lập một cơ quan gọi là “Sở của những người da đỏ bị cô lập”.

Hiện tại, dân số Bimbos đã tăng lên 290 người. Những người trẻ tuổi đã biết mặc quần jeans, áo pull, đi giày, đeo kính mát và thậm chí là cưỡi xe mô tô thay vì ở trần, đi bộ bằng chân đất! Theo Giáo sư Colemann, Khoa Chính trị xã hội Đại học Rio de Jainero, những năm qua người Bimbos đã thay đổi nhờ sự tăng trưởng về mặt nhân khẩu và tiếp cận văn hóa. Nhiều trẻ em đã đến trường học tiếng Bồ Đào Nha, chơi bóng đá, nghe nhạc Brazil nhưng những người Bimbos lớn tuổi phàn nàn rằng “bọn trẻ không còn biết đi săn, không thổi được ống thổi, không biết cách bắt cá bằng cây awaka và nhất là mỗi khi cần nói chuyện với chính quyền, họ luôn là người đứng ra đại diện“.

Vẫn theo Giáo sư Colemann, sức khỏe của tộc người Bimbos vẫn là mối quan tâm. Do ngày càng phải phụ thuộc vào thuốc Tây, sức đề kháng trong cơ thể họ cũng theo đó mà giảm dần. Ông Colemann nói: “Hơn nữa, một số thợ săn ngày càng ít vận động. Nếu phải đi đến những bãi săn ở xa, họ đi bằng xe bán tải hoặc xuồng máy và điều đó đồng nghĩa với việc họ phải kiếm ra tiền, nhất là những người chọn thị trấn làm nơi sinh sống, chưa kể có người còn cho rằng thức ăn bản địa truyền thống không ngon bằng bánh hambuger, bánh taco hay burritos… nên càng ngày họ càng rời xa núi rừng”.

Nhằm bảo tồn tộc người Bimbos, Chính phủ Brazil đã khoanh vùng nơi cư trú và có kế hoạch bảo vệ họ từ xa, đồng thời khuyến cáo các tổ chức thiện nguyện, các tour du lịch, những nhà thám hiểm nên tránh tiếp xúc với các bộ lạc ở thung lũng Javeri bởi lẽ kinh nghiệm từ nhiều quốc gia lân cận như Peru, Bolivia, Honduras cho thấy rượu, ma túy, cờ bạc cùng các tệ nạn khác phần lớn đều khởi đi từ con đường này. Sydney Possuelo, cựu lãnh đạo FUNAI nói: “Đã qua rồi những nỗ lực đưa các bộ lạc biệt lập vào thế giới hiện đại bởi một khi bạn gặp gỡ họ, bạn đã bắt đầu quá trình phá hủy vũ trụ của họ”…

Vũ Cao (theo Traveller Magazine)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/bimbos-toc-nguoi-bi-an-nhat-the-gioi-625626/