BIMSTEC: Còn đó tiềm năng lớn và thách thức hợp tác khu vực

Hội nghị thượng đỉnh BIMSTEC tại Bangkok hồi đầu tháng 4 đã thu hút sự chú ý, dù tổ chức này còn đối mặt với nhiều thách thức. Tuy vậy, BIMSTEC vẫn có tiềm năng lớn trong hợp tác kinh tế và khu vực, và việc giải quyết các vấn đề chung sẽ quyết định tương lai của tổ chức.

Hội nghị thượng đỉnh BIMSTEC lần thứ 6 tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 4/4. (Nguồn: Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ)

Hội nghị thượng đỉnh BIMSTEC lần thứ 6 tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 4/4. (Nguồn: Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ)

Đây là hội nghị trực tiếp đầu tiên sau 7 năm. Mặc dù được lên kế hoạch tổ chức từ năm 2023, nhưng sự kiện đã bị hoãn do tình hình chính trị tại Thái Lan.

BIMSTEC hay Hội nghị thượng đỉnh các nước thuộc sáng kiến Hợp tác kinh tế-kỹ thuật đa lĩnh vực vùng Vịnh Bengan, được thành lập năm 1997, bao gồm các quốc gia Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Myanmar, Nepal, Sri Lanka và Thái Lan, với Ban thư ký đặt tại Dhaka. Mặc dù phát triển chưa nhanh, BIMSTEC vẫn có tiềm năng kinh tế lớn, đại diện cho 1,67 tỷ người và GDP khoảng 3.710 tỷ USD. Tuy nhiên, thương mại nội khối vẫn còn thấp, chỉ đạt 6,7% trong năm 2023.

Trong hội nghị lần này, Thủ tướng Thái Lan đề xuất thúc đẩy Hiệp định Thương mại tự do BIMSTEC và các sáng kiến hợp tác như "Bangkok 2030" đã được thông qua. Các quốc gia thành viên cũng ký kết Thỏa thuận hợp tác vận tải hàng hải và thảo luận về các dự án kết nối khu vực như dự án Cầu cạn của Thái Lan.

Hội nghị thông qua Tuyên bố chung về các tác động của trận động đất tháng 3 tại Myanmar và Thái Lan, bày tỏ sự chia buồn và cam kết hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng. Đồng thời, các lãnh đạo BIMSTEC khẳng định cam kết hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, năng lượng tái tạo, an ninh lương thực và quản lý thiên tai.

Tuy nhiên, BIMSTEC đối mặt với một số thách thức nghiêm trọng. Thứ nhất, tiến độ triển khai các sáng kiến chậm chạp do ảnh hưởng của bất ổn chính trị khu vực. Thứ hai, căng thẳng chính trị giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt là vấn đề người Rohingya giữa Myanmar và Bangladesh, vẫn là trở ngại lớn. Thứ ba, các sự kiện chính trị trong các quốc gia thành viên như cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar đã ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu của BIMSTEC.

Mặc dù vậy, các quốc gia BIMSTEC có thể bắt đầu giải quyết các thách thức chung qua hợp tác chặt chẽ hơn. Một ví dụ là phản ứng phối hợp đối với các biện pháp thuế của Mỹ, có thể là cơ hội để tăng cường hội nhập khu vực và củng cố tổ chức. Tuy nhiên, liệu BIMSTEC có thể tận dụng cơ hội này hay không vẫn cần chờ thời gian trả lời.

(theo eurasiareview)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bimstec-con-do-tiem-nang-lon-va-thach-thuc-hop-tac-khu-vuc-311727.html