Bình an từ bên trong

Trong cuộc sống, công việc, ai cũng từng trải qua những khoảnh khắc đấu tranh, so đo, và cố gắng chứng minh mình đúng hay giỏi hơn người khác.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tuy nhiên, quan điểm sống “Không tranh khôn tranh dại, không tranh giỏi tranh tài, không tranh đúng tranh sai” mang lại một góc nhìn khác biệt, một cách tiếp cận để tìm kiếm sự bình an và hài hòa.

Quan điểm sống “Không tranh khôn - dại” nhắc nhở chúng ta về giá trị của sự hiểu biết thực sự. Khôn hay dại không phải là điều để tranh cãi, vì mỗi người đều có cách nhìn nhận và trải nghiệm khác nhau. Tranh cãi để chứng minh mình khôn ngoan hơn người khác thường dẫn đến xung đột và sự hiểu lầm. Sự khôn ngoan thực sự nằm ở khả năng lắng nghe và thấu hiểu, biết tôn trọng quan điểm của người khác mà không cần phải hạ thấp giá trị của họ. Những tranh cãi này không chỉ hao tổn năng lượng mà còn tạo ra thù ghét và đố kỵ lẫn nhau.

Cuộc sống không phải là cuộc đua để chứng minh mình giỏi hơn ai khác. “Không tranh giỏi - tài” khuyến khích chúng ta hướng tới việc phát triển năng lực và tài năng của bản thân mà không cần so bì với người khác. Thay vì ganh đua để chứng minh mình vượt trội, chúng ta nên tập trung vào việc cải thiện bản thân, phát huy những khả năng tiềm ẩn và đóng góp cho cộng đồng. Mỗi người đều có những điểm mạnh và yếu riêng, và sự phát triển cá nhân không nên bị giới hạn bởi sự ganh đua thiếu ý nghĩa. Việc ganh đua không lành mạnh này cũng chỉ dẫn đến mệt mỏi, suy kiệt tinh thần và lắm khi biến những người quanh ta thành kẻ thù không đáng có.

“Không tranh đúng - sai” là một lời khuyên quý báu. Trong nhiều trường hợp, việc tranh cãi để khẳng định ai đúng ai sai chỉ làm tăng thêm mâu thuẫn và căng thẳng, đẩy người khác về phía thù nghịch. Sự thật thường phức tạp và có nhiều khía cạnh khác nhau. Thay vì cố gắng chứng minh quan điểm của mình là duy nhất đúng, chúng ta nên học cách chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt. Sự hòa hợp và đồng cảm là nền tảng cho mọi mối quan hệ bền vững. Tranh cãi để chứng minh đúng, sai không chỉ làm hao tổn năng lượng mà còn phá vỡ các mối quan hệ, tạo ra sự thù địch không cần thiết.

Xin chia sẻ với bạn đọc câu chuyện thực tế của chính tác giả bài viết.

Thời đi học, tôi là đứa học trò lanh lợi, thích kể chuyện nên khi đến lớp, các bạn vây quanh tôi, há miệng tròn mắt nghe. Thế là có nhóm học trò trai tỏ ra tức giận khi thấy tôi thu hút nhiều bạn gái quan tâm, nên đã tìm cách chia rẽ tôi với các bạn gái, bôi phân trâu lên bàn học của tôi, không cho các bạn chơi với tôi, rình đánh tôi và cướp cặp sách của tôi trên đường đến trường. Tôi bị cô lập, hành hạ thể chất và tinh thần khủng khiếp suốt thời học cấp II trường làng. Tôi đã bị sang chấn tâm lý, chỉ muốn bỏ học. Sau này khi lớn lên, tôi vẫn sợ hãi đàn ông đến mức khi nhìn thấy họ, tôi nín thinh, không mở miệng nổi. Tôi đã phải luyện tập rất nhiều để vượt qua tai nạn đó.

Sau này, khi bước vào môi trường công sở, tôi lại đối diện với những vụ bắt nạt tương tự. Trong tòa soạn tạp chí TTT, tôi là nữ phóng viên duy nhất được tuyển chọn để trực tiếp làm việc với chuyên gia Pháp và Thụy Sĩ trong dự án liên doanh với tập đoàn Ringer (Thụy Sĩ), tôi đã phải đối mặt với sự đố kỵ từ đồng nghiệp. Những lời đồn ác ý sau lưng khiến tôi cảm thấy bị cô lập và tổn thương. Sự đố kỵ và ganh ghét từ những người xung quanh khiến tôi bị áp lực và mất đi niềm tin vào môi trường làm việc cũng như con người.

Tuy nhiên, tôi đã học được cách đối mặt với những khó khăn này bằng việc áp dụng triết lý “Không tranh khôn - dại, không tranh giỏi - tài, không tranh đúng - sai”. Tôi nhận ra rằng, sự ganh đua không lành mạnh chỉ làm hao tổn năng lượng và tạo ra sự thù địch không cần thiết. Thay vì phản ứng lại bằng sự tức giận hay tranh cãi, hay bỏ việc, tôi chọn cách tập trung vào công việc, làm nhiều hơn và hiệu quả hơn, hoàn thiện bản thân và tìm kiếm sự bình an từ bên trong. Tôi cũng tìm đến một người thầy tâm lý và được thầy động viên: “Sống trên đời mà không bị ai ghét, đố kỵ thì phải xem lại chính mình!”. Câu nói có phần đảo ngược tính logic này đã thức tỉnh tôi. Chính sau những lần bị bắt nạt đó, sau khi vượt qua tổn thương, thì sự bình tĩnh, hiểu biết và lòng bao dung đã giúp tôi tìm lại sự bình yên và hạnh phúc trong cuộc sống. Tôi thấy biết ơn những lần bị bắt nạt đó, khiến tôi trưởng thành, rắn rỏi hơn, thấu hiểu lòng người, bản chất con người và biết sống thông thái hơn.

Quan điểm “Không tranh giỏi - tài” có thể giúp ta tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn, góp phần xây dựng một xã hội hài hòa và phát triển. Thay vì tranh cãi và ganh đua, hãy tập trung vào việc hoàn thiện bản thân, lắng nghe và thấu hiểu người khác. Chính từ đó, chúng ta sẽ tìm thấy giá trị thực sự của cuộc sống và những mối quan hệ chân thành.

Nhà văn Kiều Bích Hậu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/binh-an-tu-ben-trong-post694217.html