Bình Ca: 'Văn chương là cuộc chơi, nhưng phải chơi đẹp'
Tác giả Bình Ca nói văn chương với ông là cuộc chơi, nhưng đã vào cuộc là phải có cái mới, không lặp lại chính mình.
Bình Ca là một “ca lạ” của văn đàn Việt. Năm 2015, cuốn sách Quân khu Nam Đồng ra mắt, bất ngờ được đón nhận và thành công. Nhưng bất ngờ hơn là tác phẩm đến từ một cây bút lạ, có phần bí ẩn với bạn đọc. Người ta tự hỏi Bình Ca là ai mà viết một tác phẩm sinh động, hấp dẫn như thế.
“Tôi phải đổi mới mình”
Cho đến năm 2019, Quân khu Nam Đồng đã tái bản lần thứ 15 với 32.000 bản in. Tới đầu tháng 11 năm nay, khi cuốn sách thứ hai của ông ra mắt thì Quân khu Nam Đồng cũng vừa thêm một lần tái bản. Trong bối cảnh sách văn chương của tác giả Việt thường chỉ được in với 2.000 bản, tác phẩm của Bình Ca được coi là thành công.
Trước sự yêu thích dành cho tác phẩm và sự tò mò về tác giả của bạn đọc, dần dần, Bình Ca cũng lộ diện trước công chúng. Ông tự nhận mình là “một quan chức quèn”, nay đã nghỉ hưu. Bình Ca tên thật là Trần Hữu Bình, “con nhà nòi” văn chương. Cha ông, nhà văn Hữu Mai, từng khuyên con trai theo nghiệp văn chương từ 40 năm trước. Nhưng duyên viết lách chỉ đến với ông cách đây vài năm.
Tại buổi giao lưu với bạn đọc nhân dịp ra mắt tiểu thuyết Đi trốn (diễn ra tối 19/11 tại Hà Nội), Bình Ca chia sẻ văn chương với ông là niềm vui. “Tôi tôn trọng người làm nghề viết. Nhưng đó không phải nghề nghiệp của tôi. Nếu theo, tôi đã nghe lời bố khuyên rồi. Tôi coi văn chương là số mệnh”, Bình Ca nói.
Ai đó nói văn chương là cuộc chơi, với Bình Ca, nếu là cuộc chơi, thì hãy chơi cho đẹp. Tác giả Quân khu Nam Đồng kể một lần MC Đặng Diễm Quỳnh của chương trình truyền hình “Quán thanh xuân” có nói đại ý sách của Bình Ca chỉ có đánh lộn và yêu đương.
Ông chứng minh mình “chơi đẹp” với văn chương bằng cách không lặp lại mình, không ăn mày dĩ vãng. Đi trốn không còn là một ký ức tập thể kiểu phi hư cấu của những đứa con trong khu gia binh Nam Đồng nữa. Đó là một tiểu thuyết, một tác phẩm hư cấu về những đứa trẻ trong chiến tranh.
Cả hai tác phẩm đã ra mắt của Bình Ca đều lấy bối cảnh ở những chặng đã qua của lịch sử. Tác giả nói ông hoàn toàn có thể viết ra những câu chuyện chốn quan trường, bởi chất liệu ấy gần với ông của hiện tại hơn. Nhưng thế hệ thanh niên ngày xưa, một thế hệ sống chân thành, trong sáng mới là câu chuyện ông muốn kể.
Câu chuyện đẹp của một thế hệ
Dù Đi trốn ra mắt chưa lâu, song nhiều người có mặt tại buổi giao lưu tối 19/11 nói đã đọc tác phẩm. Nhà báo Gia Hiền khuyên độc giả hãy chọn một khoảng thời gian thư thái để đọc Đi trốn, bởi khi đã cầm sách là chỉ muốn đọc liền mạch tới hết. Bản thân anh đã đọc tác phẩm trong một đêm và sáng hôm sau.
“Đi trốn là cuốn sách ta khó lòng dứt ra được. Đó là những cuộc phiêu lưu liên tục, càng ngày càng hấp dẫn hơn, đan cài trong đó nhiều chi tiết lịch sử khiến ai qua rồi sẽ nhớ lại, ai chưa biết sẽ đi hỏi”, nhà báo Gia Hiền nói.
Tiểu thuyết Đi trốn là một câu chuyện vừa ly kỳ, vừa khốc liệt lại vừa đậm chất thơ lấy bối cảnh vào khoảng năm 1965-1966, khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Hà Nội, nơi có các cơ quan trọng yếu, là mục tiêu ném bom, vì thế trường học và các cơ quan không bắt buộc đều phải đi sơ tán về các miền quê.
Nhóm bạn ở độ tuổi 14,15 (là con em miền Bắc hoặc con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc) cùng nhau về nơi sơ tán, kết thân với lũ trẻ địa phương. Vì một sự cố, lũ trẻ đã có cuộc phiêu lưu nghẹt thở.
Tác phẩm được ví như một cuốn sách du ký, một tác phẩm hư cấu nhưng dựa trên ký ức của một giai đoạn lịch sử. Điều đó khiến ta liên tưởng đến những tác phẩm kinh điển thuộc dòng này của văn học Việt như Đất rừng phương Nam.
Những thanh niên trong Đi trốn chính là những phượt thủ cách đây 50 năm. Họ khám phá những khung cảnh hoang sơ mà tuyệt đẹp, ở đó, nhóm bạn luồn qua hang, đi vào hang động nơi vẫn lưu lại hình vẽ của người tiền sử, những thung lúa đẹp như tranh vẽ, có chim muông… “Đọc cuốn sách, ai đó nói cảnh trong tác phẩm này có thật trên đất nước ta, thì đó là điều tuyệt vời”, nhà báo Gia Hiền nói.
Các nhân viên văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình (nơi Bình Ca từng làm Phó chủ tịch UBND tỉnh) có mặt tại buổi giao lưu đã khẳng định khung cảnh mà tác giả miêu tả trong Đi trốn chính là cảnh ở Ninh Bình. “Phong cảnh trong sách, khi tôi đọc đến đâu thì thấy cảnh thật liền hiện ra”, một nhân viên văn phòng UBND Ninh Bình nói.
Nếu là cuộc chơi, hãy chơi cho đẹp. “Chơi đẹp” là không lặp lại mình, không ăn lại dĩ vãng, phải đổi mới mình.
Bình Ca
Ông Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản - cũng khẳng định khung cảnh trong cuốn sách này không hề hư cấu. “Các tình tiết, khung cảnh đẹp này đều có thật. Tôi xin khẳng định phong cảnh này là những vùng thiên nhiên tuyệt đẹp ở Ninh Bình, đến nay vẫn hiện diện, chưa hề mất đi”, ông Trần Tân Văn nói.
Ngoài thiên nhiên, các nhận vật trong Đi trốn cũng để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc. Tác giả miêu tả rất thật, sinh động về những đứa trẻ mạnh mẽ thời ấy. Những cô cậu thanh thiếu niên có thể vì tức giận sẽ rút diêm đốt nhà xí, hoặc lấy ghế “phang” vào mặt nhau khi bị nhận một câu: “Mày là thằng xét lại”. Với những tình tiết ấy, Đi trốn phù hợp với lứa tuổi 12 trở lên.
Thiên nhiên và nhân vật trong Đi trốn không chỉ phù hợp lứa tuổi thanh thiếu niên, nó còn chinh phục những bạn đọc lớn tuổi hơn. Nhà báo Vân Quế nói chị thích tác phẩm bởi nó mang đến sự trong trẻo, nhẹ nhàng giữa cuộc sống quá nhiều mệt mỏi hôm nay.
Tuy là tác phẩm hư cấu, viết trong hai tháng đóng cửa tránh dịch, song tác giả đã rất dụng công chuẩn bị tư liệu. Có khi ông phải vào Nam, ra miền Trung tìm gặp những người bạn cùng thời để xác minh một chi tiết nhỏ.
Bình Ca từng nói sẽ “đoạn tuyệt với văn chương” để sống có trách nhiệm với gia đình; theo lời ông thì viết sách xong phải tặng sách quá nhiều, dẫn đến phải cắm sổ đỏ. Câu chuyện bán tín bán nghi ấy được ông nhắc lại không dưới ba lần.
Nhưng với một ngòi bút giàu trải nghiệm, giọng văn sinh động, hài hước, sự chỉn chu trong chi tiết, tư liệu; bạn đọc vẫn hy vọng sẽ đón nhận thêm cuốn sách thứ ba của Bình Ca.