Bình đẳng giới giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 40 tỷ USD/năm
Thông tin này được nêu ra tại diễn đàn trực tuyến với tiêu đề 'Nam giới, nam tính và bình đẳng giới tại Việt Nam' do Tổng Lãnh sự quán Úc ở TP.HCM cùng các đơn vị Sáng kiến đầu tư cho Phụ nữ, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) và CARE Việt Nam tổ chức ngày 3.11.
Cụ thể, theo báo cáo của McKinsey (năm 2018), bình đẳng giới có thể tăng thêm 40 tỷ USD cho GDP hàng năm của Việt Nam cho đến năm 2025 và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng lên 10%. Trong quá trình phục hồi hậu COVID-19, sự tham gia trọn vẹn của phụ nữ trong lực lượng lao động sẽ là nguồn lực chủ chốt để gia tăng năng suất, thúc đẩy bình đẳng thu nhập, và tăng sự đa dạng kinh tế ở Việt Nam.
Đặc biệt, nhằm tăng cường hiểu biết về các vấn đề bình đẳng giới tại Việt Nam, diễn đàn trực tuyến đã giới thiệu các kết quả nghiên cứu mới từ hai nghiên cứu gần nhất. Nghiên cứu thứ nhất “Nam giới và nam tính trong một Việt Nam toàn cầu hóa”, được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) và là nghiên cứu trên diện rộng về nam giới và nam tính tại Việt Nam với hơn 2.500 nam giới trong tuổi lao động tham gia. Theo tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Giám đốc ISDC thì quan niệm về “người đàn ông thực sự” không chỉ ngăn cản các nỗ lực bình đẳng giới mà ngược lại, đã ảnh hưởng tiêu cực đến nam giới, dẫn đến các hành vi bạo lực và rủi ro như uống rượu và hút thuốc.
Trong nghiên cứu thứ hai, các nghiên cứu viên của CARE Việt Nam đã chỉ ra rằng các vai trò giới truyền thống tác động đến các cơ hội tuyển dụng và thăng tiến của phụ nữ, hạn chế năng lực tổng thể của nền kinh tế để tối đa hóa năng lực của lực lượng lao động.
Diễn đàn cũng có ban thảo luận tương tác với các lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp. Ông Huỳnh Bửu Quang, Giám đốc điều hành quốc gia của Deutsche Bank Vietnam đã chia sẻ kinh nghiệm của mình về sáng kiến bao hàm với vai trò là một lãnh đạo nam cấp cao trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính. Ông Quang khuyến khích các tổ chức tạo ra các cơ hội cho tất cả người lao động có thể phát triển năng lực riêng của từng cá nhân.
Là một nhà lãnh đạo nữ trong ngành công nghiệp thực phẩm, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Saigon Food, đã cho biết sự thiếu hụt sự đại diện của nữ giới trong các vị trí lãnh đạo chủ chốt và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi tư duy về chuẩn mực giới ở cả nam giới và nữ giới. Trong khi đó, bà Đặng Phương Anh, Giám đốc điều hành Jupviec.com, chia sẻ về giải pháp số của Jupviec.com nhằm giúp nam giới và nữ giới có trách nhiệm với các việc nội trợ một cách bình đẳng.
Chia sẻ tại diễn đàn, Tổng lãnh sự Úc - bà Julianne Cowley, nói: “Các kết quả nghiên cứu đã minh chứng một điều: bình đẳng giới không chỉ là vấn đề của phụ nữ - nó là một vấn đề ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Trao quyền cho phụ nữ và trẻ gái là một ưu tiên của Chính phủ Úc và là nguyên tố cốt lõi trong mối quan hệ hợp tác kinh tế của Úc với Việt Nam.”
Được biết, chuỗi các sự kiện “Đối thoại giới” hàng năm của Tổng Lãnh sự quán Úc nâng cao chủ trương xây dựng bình đẳng giới và các sáng kiến trao quyền kinh tế cho phụ nữ của Chính phủ Úc tại Việt Nam. Diễn đàn trực tuyến này là chương trình thứ ba trong chuỗi chương trình do Tổng Lãnh sự quán Úc tổ chức năm 2020.