Bình đẳng giới không chỉ dành riêng cho phụ nữ

Trước đây, truyền thông về bình đẳng giới chủ yếu đề cập dưới góc độ phụ nữ là phái yếu, là nạn nhân của bất bình đẳng. Vì thế mà hầu hết các chương trình, hành động đều hướng đến đối tượng phụ nữ làm trung tâm. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống hiện nay cho thấy bình đẳng giới cần được quan tâm cho cả nam giới và nữ giới.

Trao đổi về kiến thức bình đẳng giới trong một chương trình tập huấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh -Ảnh: T.N

Trao đổi về kiến thức bình đẳng giới trong một chương trình tập huấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh -Ảnh: T.N

Thời gian qua, dư luận quan tâm nhiều đến con số phản ánh nạn nhân bạo lực gia đình được đưa ra tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Theo đó, trong năm 2023, cả nước có 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình, gồm 2.628 nữ và 565 nam. So với năm 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, tuy nhiên, tỉ lệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới tăng hơn so với năm trước.

Theo các chuyên gia, số liệu trên là dấu hiệu tích cực về tiến bộ xã hội và bình đẳng giới. Nhiều đàn ông dám đứng lên nhận mình là nạn nhân của bạo lực gia đình cho thấy họ cũng là đối tượng bị tổn thương, cần bảo vệ. Ở chiều ngược lại phụ nữ cũng ngày càng tự chủ, mạnh mẽ hơn.

Quan niệm truyền thống ở nước ta là “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, phụ nữ gắn liền với đức tính tảo tần, hy sinh. Bởi suy nghĩ này mà không ít phụ nữ rơi vào bi kịch trong cuộc sống gia đình. Họ không dám đứng lên bảo vệ bản thân vì sợ đổ vỡ hôn nhân, ảnh hưởng đến con cái. Chia sẻ về vấn đề này, chị L.T.T. ở khu phố Tân Vĩnh, phường Đông Lương, TP. Đông Hà, một phụ nữ từng chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình cho biết, mặc dù trong thâm tâm chị T. luôn biết ơn mẹ mình vì bà là một người luôn nhẫn nhịn, hy sinh vì gia đình nhưng chị sẽ không sống như mẹ mình.

“Ngày đó, ba tôi là một người nghiện rượu, hễ cứ uống quá chén là ông “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Tuy vậy, mẹ tôi chưa bao giờ phản kháng mà luôn chịu đựng vì bà muốn giữ gia đình trọn vẹn cho các con. Nhưng khi lập gia đình tôi thẳng thắn nêu rõ quan điểm, nếu chồng tôi mà tính khí như ba tôi thì chắc chắn tôi sẽ li hôn chứ không thể sống một đời cam chịu như mẹ”, chị T. chia sẻ. Quyết định như chị T. chắc chắn sẽ có nhiều người ủng hộ vì sự mạnh mẽ của phụ nữ thời nay.

Không riêng gì vùng đồng bằng, thành thị mà ở địa bàn các xã vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức về bình đẳng giới của người dân cũng tiến bộ hơn trước rất nhiều. Theo chị Hồ Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Húc Nghì, huyện Đakrông, hiện nay, trong các gia đình người dân tộc thiểu số ở địa phương, đàn ông cũng tham gia lao động sản xuất, phụ giúp vợ việc nhà, chăm sóc con cái chứ không phó mặc cho phụ nữ như trước đây.

Tình trạng bạo lực gia đình giảm hẳn, nhiều phụ nữ đã biết đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình chứ không âm thầm chịu đựng như trước. “Đặc biệt, thụ hưởng Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thời gian qua trên địa bàn xã có được cán bộ tỉnh, huyện về mở các lớp truyền thông về bình đẳng giới. Phụ nữ trong xã luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn nên kiến thức, hiểu biết về bình đẳng giới của chị em tăng lên đáng kể”, chị Thanh chia sẻ.

Bình đẳng giới đang là một trong những nội dung trọng tâm của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” mà các cấp hội phụ nữ đang triển khai tại 187 thôn, 37 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Ty, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông cho hay, tại các lớp tập huấn, học viên đã được giới thiệu các khái niệm cơ bản về giới, bình đẳng giới và lồng ghép giới; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; thảo luận, đề xuất các giải pháp huy động sự tham gia của nam giới trong thúc đẩy bình đẳng giới tại địa phương...

“Khi tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới tại cơ sở, chúng tôi luôn mong muốn có sự tham gia của nam giới để họ hiểu biết hơn về bình đẳng giới, cởi mở chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư của bản thân. Tuy vậy, trên thực tế các lớp tập huấn tại cộng đồng hiện nay, nam giới vẫn ít tham gia. Đây là một trong những hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới”, chị Ty nói.

Trong cuộc sống hiện đại, bình đẳng giới đang được nhìn nhận và đánh giá đa chiều hơn. Tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới cùng thể hiện năng lực của mình trong các lĩnh vực của cuộc sống là mục tiêu của bình đẳng giới mà các cấp, ngành hướng đến. Sự bình đẳng không hẳn là cân bằng nam, nữ về một tỉ lệ nhất định mà nó là sự hỗ trợ, thấu hiểu để cả hai bên đều cảm thấy được yêu thương, chia sẻ.

Thủy Ngọc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/binh-dang-gioi-khong-chi-danh-rieng-cho-phu-nu-187329.htm