Bình đẳng giới trong lập pháp ở Việt Nam
Ngày 12.5, tại thị xã Sapa (Lào Cai), Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tập huấn cho các đại biểu dân cử nhằm cung cấp kiến thức, thông tin, kỹ năng liên quan đến giới, bình đẳng giới phục vụ hoạt động quyết định và thực hiện giám sát chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh: Việt Nam tự hào là đất nước sớm quan tâm tới bình đẳng giới. Chỉ 6 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, đưa đất nước thoát khỏi chế độ thực dân phong kiến, quyền lợi của người phụ nữ không được coi trọng, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 14/SL ngày 8-9-1945 về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu Quốc hội. Bản Sắc lệnh gồm 7 điều, quy định: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, …”.
Hiến pháp đầu tiên năm 1946 ngay điều thứ nhất đã khẳng định nguyên tắc: Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.
Đặc biệt, năm 2006, Quốc hội đã ban hành Luật Bình đẳng giới trong đó đặt ra nhiệm vụ lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 -2020. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 28/NQ-CP ngày 3.3.2021 về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 -2030 với mục tiêu tổng quát là tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Kết quả nổi bật sau 16 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, các luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành, các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước cho thấy, bảo đảm yêu cầu lồng ghép bình đẳng giới. Ví dụ như, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 không có quy định về tỷ lệ nữ, thì đến Luật sửa đổi năm 2001 đã có quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội là phụ nữ. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2015 đã quy định cụ thể hơn, đó là số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử là phụ nữ.
Từ những quy định tiến bộ về giới như vậy, tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội tăng dần qua các khóa. Quốc hội Khóa III là 16,7%, Quốc hội Khóa IV là 29,7%. Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV hiện nay, số đại biểu Quốc hội nữ là 151 đại biểu chiếm 30,2%. Tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân là nữ ở các địa phương cũng dần cải thiện qua các nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ 2011-2016, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 25,17%, cấp huyện là 24,62%, cấp xã là 21,71%. Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 26,56%, cấp huyện là 27,5%, cấp xã là 26,59%. Nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân 2021-2026 hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu câp tỉnh là 29,00%, cấp huyện là 29,20% và cấp xã là 28,98%...
Tuy nhiên, tại hội nghị các đại biểu cũng đã thẳng thắn cho rằng, thực tế, vẫn còn những vướng mắc trong thực thi và giám sát trong lĩnh vực này. Cụ thể là, những thay đổi về xã hội như dân số, cạnh tranh kinh tế toàn cầu, dân số già hóa, lựa chọn giới tính khi sinh...
Để giúp các đại biểu có thể thực hiện tốt việc lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật, Ban Công tác đại biểu đã phối hợp với Chương trình đối tác chiến lược Australia - Ngân hàng Thế giới tổ chức khóa tập huấn về Bình đẳng giới cho đại biểu dân cử. Thông qua các phiên của hội nghị, các đại biểu đã được các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, chuyên gia từ các bộ, ngành trao đổi, cung cấp thông tin và cơ sở lý luận cần giải quyết các vấn đề về giới trong lập pháp; cách tiếp cận pháp luật thông qua lăng kính về giới; tập trung xem xét sâu hơn vấn đề bình đẳng giới trong pháp luật về lao động; dữ liệu bình đẳng giới phục vụ cho công tác xây dựng pháp luật; cách sử dụng các công cụ phân tích giới để đánh giá tác động của dự luật cũng như giải quyết các thách thức khi triển khai các quy định pháp luật về bình đẳng giới…
Ngoài ra, để lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật thì Ngân hàng Thế giới và Chương trình đối tác chiến lược Australia cũng hỗ trợ các đại biểu dân cử trong việc tham gia xây dựng những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trong quá trình lập pháp ở Việt Nam, thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam để đạt mục tiêu giảm nghèo và trao quyền kinh tế cho phụ nữ.
Ngoài những kiến thức được cung cấp thêm tại buổi tập huấn, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để đưa ra những giải pháp triển khai thực hiện trong kỹ năng giám sát và nâng cao kỹ năng xử lý tình huống trong bình đẳng giới
+ Hội nghị diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 12 -13.5.