Bình đẳng giới trong ngành báo chí ở Việt Nam hiện nay

Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu quan trọng trong sự phát triển bền vững trên toàn cầu, và báo chí, truyền thông có sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải thông tin về bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng, thúc đẩy sự tiến bộ của mỗi quốc gia trong lĩnh vực này. Muốn làm tốt được điều đó, bình đẳng giới trong chính ngành báo chí rất cần được cải thiện.

 Ảnh minh họa: Hoàng Hà/VNN

Ảnh minh họa: Hoàng Hà/VNN

Thật đáng mừng khi bình đẳng giới trong ngành báo chí đã đạt được những bước tiến đáng kể so với nhiều ngành và lĩnh vực khác. Theo một bài viết đăng trên trang web của Viện Khoa học thống kê (ISS), tỷ lệ phụ nữ làm nhà báo có thể được xem là một trong những ví dụ về cơ hội nghề nghiệp, ở đây đã thấy có sự bình đẳng giữa nam và nữ.

Dựa trên thông tin từ 9 quốc gia trong khu vực châu Âu, cho thấy tỷ lệ nữ trong ngành báo chí ở khu vực này đã tăng dần lên đến khoảng 50% trong những năm gần đây (1).

Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ nữ giới trong ngành báo chí đã cao hơn so với nam giới. Trong nhiều năm tới có thể sẽ vẫn cao như vậy, nếu nhìn vào tỷ lệ sinh viên nữ học tại các cơ sở đào tạo báo chí vượt trội so với sinh viên nam.

Ví dụ, ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cơ sở đào tạo báo chí lớn nhất cả nước, có tỷ lệ sinh viên nữ theo học ngành báo chí chiếm trên 80%. Tại các cơ sở tư vấn chọn ngành, chọn trường khi thi đại học, có thể thấy nhiều lời khuyên nữ sinh chọn nghề nghiệp liên quan tới viết lách, trong đó có nghề báo.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Do những ảnh hưởng của báo chí trong đời sống xã hội, nên tỷ lệ phụ nữ cao trong ngành báo chí có một sức thuyết phục mạnh mẽ đối với nhận thức về bình đẳng giới.

Không chỉ cân bằng về số lượng nhân sự, sự cân bằng về lương và thăng tiến trong nghề nghiệp cũng đang có những số liệu lạc quan. Ngành báo chí lọt vào Top 7 ngành nghề có tỷ lệ nữ giới làm quản lý cao năm 2023 và đứng thứ 3 trong Top 7 đó (7 ngành đó là: Kho vận, Chăm sóc khách hàng, Báo chí truyền thông, Cơ điện lạnh, Giáo dục đào tạo, Tài chính kế toán, Quảng cáo Marketting).

Thống kê này dựa vào chỉ số đa dạng giới tính - Gender Diversity Index (GDI). Chỉ số này cho biết, tỷ lệ quản lý nam - nữ trên số nhân viên nam - nữ trong một ngành nghề cụ thể (2). Tuy nhiên chỉ số GDI này là 0,9 - có nghĩa là tỷ lệ nữ giới làm lãnh đạo trong ngành báo chí vẫn đang thấp hơn nam giới.

Có thể thấy rằng, nếu trước đây, nghề báo thường được coi là nghề có nhiều thách thức về sức khỏe, sự năng động, về những khó khăn, phức tạp khi hành nghề, thì hiện nay, chuyển đổi số đã làm bớt đi một số khâu công việc.

Các máy móc, thiết bị số (đặc biệt là trong ngành truyền hình) đã gọn nhẹ hơn nhiều so các thiết bị công nghệ trước kia, giúp cho nữ giới có thể dễ dàng hơn trong việc thực hiện các hoạt động báo chí.

Chuyển đổi số trong ngành báo chí cũng tạo ra một môi trường làm việc linh hoạt hơn về không gian và thời gian, giúp phụ nữ, vốn là những người có nhiều công việc gia đình và con cái, có được sự thuận lợi hơn trong việc quản lý thời gian của mình.

Phóng viên tác nghiệp tại Nhà giàn DK1/10. Ảnh: Nguyễn Á

Phóng viên tác nghiệp tại Nhà giàn DK1/10. Ảnh: Nguyễn Á

Việt Nam hiện có hơn 42 nghìn nhân lực trong ngành báo chí, với hơn một nửa là nữ giới, đã có những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một ngành báo chí mang tính công bằng và đa dạng về giới.

Bản thân các nhà báo nữ, trong những năm qua, đã nêu tấm gương sáng về lòng yêu nghề, ý chí vượt khó, quyết tâm rèn luyện trở thành phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo quản lý cơ quan báo chí giỏi, đóng góp vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của ngành báo.

Điều này góp phần thực hiện một trong những mục tiêu của Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 (kế hoạch hành động do Liên hợp quốc đề ra nhằm đối phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có bất bình đẳng giới) là:

"Đảm bảo sự tham gia đầy đủ, hiệu quả và có cơ hội bình đẳng được nắm giữ vị trí lãnh đạo của phụ nữ ở tất cả các cấp ra quyết định trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội".

Tuy vậy, vẫn còn những thách thức, tồn tại và nguy cơ về bất bình đẳng giới trong ngành báo chí ở Việt Nam. Nghiên cứu Bình đẳng giới trong ngành báo chí Việt Nam do Viện Báo chí Fojo -Thụy Điển phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) tiến hành vào tháng 9/2017 cho thấy nhiều chính sách và cơ chế trong ngành chưa hướng tới xử lý những vấn đề của phóng viên nữ.

Tỷ lệ nhà báo nữ bị quấy rối tình dục ở mức khá cao (27%) và hầu hết các tòa soạn chưa có chính sách và đào tạo chống lại hành vi này. Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cơ sở đào tạo báo chí thường xuyên gửi sinh viên đi thực tập tại các cơ quan báo chí, cũng ghi nhận các báo cáo của sinh viên nữ về việc bị quấy rối tình dục trong thời gian thực tập, từ các nhà báo nam trong cùng cơ quan, hoặc từ các nhân vật, các nguồn cung cấp thông tin. Vấn đề này đang đe dọa chất lượng công việc và sức khỏe tinh thần của nhiều nữ nhà báo.

Mặc dù chuyển đổi số tạo ra một số thuận lợi cho các nữ nhà báo nhưng cùng với đó cũng xuất hiện những khó khăn khác. Đó là tình trạng thiên vị kỹ thuật, khi cơ quan báo chí phải liên tục làm quen và ứng dụng những công nghệ kỹ thuật mới.

Ngành công nghệ hiện nay vẫn chịu ảnh hưởng của chênh lệch giới tính, với tỷ lệ nam chiếm đa số trong các vị trí kỹ thuật và công nghệ thông tin. Điều này có thể tạo ra một môi trường làm việc không thân thiện đối với phụ nữ. Với những nữ nhà báo có hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số sẽ là một áp lực không nhỏ đối với họ.

Các số liệu ở trên đã cho thấy trong ngành báo chí có tỷ lệ phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo khá cao so với các ngành nghề khác, nhưng chưa tương xứng với tỷ lệ nữ trong ngành báo chí. Phụ nữ trong ngành báo chí đông hơn so với nam giới nhưng tỷ lệ nữ giữ vị trí lãnh đạo vẫn thấp hơn nam giới, đặc biệt, ở các vị trí lãnh đạo cao cấp.

Tỷ lệ nữ ủy viên tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI mới chỉ là 13,4%. Trên nhiều diễn đàn Nhà báo nữ, vẫn có nhiều ý kiến về việc phụ nữ trong ngành báo phải nỗ lực cao hơn để vượt qua các khó khăn đặc thù của ngành nhưng sự đánh giá và ghi nhận vẫn ở mức thấp hơn, đôi khi vẫn bị phân biệt đối xử trong một số tình huống cụ thể.

Định kiến giới cho rằng "nhà báo nữ không thể chịu được áp lực công việc so với nam giới", sự e ngại khi tuyển dụng nữ vẫn chưa thể xóa bỏ hoàn toàn ở các cơ quan báo chí.

Một thực tế là mặc dù tỷ lệ nữ sinh viên trong cơ sở đào tạo báo chí (trên 80%) áp đảo so với sinh viên nam nhưng hiện tại, tỷ lệ nữ trong các cơ quan báo chí lại không cao như vậy. Có thể là do nhiều sinh viên nữ ra trường đã không theo đuổi công việc đúng nghề, đã dừng bước trước những khó khăn, áp lực của nghề báo, không loại trừ có cả những rào cản vô hình của định kiến giới.

Tuy vẫn còn những bất cập như đã nêu trên nhưng nhìn chung, sự tiến bộ về bình đẳng giới trong ngành báo chí là rõ rệt. Các bất cập hoàn toàn có thể xử lý tốt nếu như có ý thức rõ ràng về việc thiết lập các chính sách tạo điều kiện cho nữ giới phát huy năng lực, tăng cường thực hiện bình đẳng giới trong các tòa soạn.

Vấn nạn quấy rối tình dục có thể được hạn chế bằng cách thiết lập các qui chế nội bộ cùng với việc tập huấn, đào tạo, tăng cường nhận thức về quấy rối tình dục và kỹ năng xử trí khi bị quấy rối.

Các vấn đề về kỹ thuật công nghệ trong chuyển đổi số gây áp lực cho nữ giới có thể được giải quyết bằng chính sách phân công lao động phù hợp, tận dụng những ưu thế của nữ giới để bố trí vị trí công việc đặc thù trong một cơ quan báo chí. Những biểu hiện của định kiến giới, phân biệt đối xử khác, hoàn toàn có thể nhận diện, đấu tranh.

Bằng chính năng lực của mình, phụ nữ trong ngành báo chí, những người tham gia truyền thông về bình đẳng giới, cần phải đấu tranh cho bản thân, chung tay xây dựng một ngành báo chí có sự giải phóng hoàn toàn về giới.

Khi nhận thức rõ vấn đề bình đẳng giới cũng là lúc bản thân mỗi nhà báo nữ đã trang bị cho mình những kiến thức về giới, nhạy cảm giới trong nghề nghiệp, đủ khả năng nắm bắt những thách thức tiềm ẩn để tự tin bày tỏ quan điểm trong các tình huống có định kiến giới; đồng thời giúp họ thấu hiểu, phản ánh xã hội đa chiều hơn, làm cho những sản phẩm báo chí có sức lan tỏa và truyền tải được những thông điệp tích cực, nhân văn.

-----

(1) https://vienthongke.vn/nhung-thay-doi-ve-ty-le-phu-nu-la-nha-bao-tai-chau-au/

(2) https://jobsgo.vn/blog/nganh-nghe-co-ty-le-nu-gioi-lam-quan-ly-cao/

PGS.TS. Nguyễn Thị Trường Giang (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/binh-dang-gioi-trong-nganh-bao-chi-o-viet-nam-hien-nay-20240620162844855.htm