Bình đẳng giới: Xóa bạo lực, trao cơ hội

PTĐT - Thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới, những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác bình đẳng giới, giúp thay đổi thái độ, chuyển đổi hành vi về định kiến giới...

Những năm qua thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, cả nam và nữ có cơ hội như nhau trong học tập nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ, nhận thức.- Hoạt động nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Hùng Vương.

Những năm qua thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, cả nam và nữ có cơ hội như nhau trong học tập nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ, nhận thức.- Hoạt động nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Hùng Vương.

PTĐT - Thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới, những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác bình đẳng giới, giúp thay đổi thái độ, chuyển đổi hành vi về định kiến giới, bạo lực gia đình, từng bước bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia, thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của quốc gia, dân tộc.

Là tỉnh miền núi có nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm trên 17% dân số, nhận thức về lĩnh vực gia đình, giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới của người dân, nhất là các gia đình sinh sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh vẫn còn hạn chế. Ở nhiều gia đình, dòng họ, tư tưởng định kiến giới còn tồn tại và còn đặt nặng vấn đề sinh con trai nối dõi... Cùng với đó, tác động của mặt trái cơ chế thị trường, tệ nạn xã hội và tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, lạm dụng tình dục trẻ em... vẫn xảy ra, gây hiệu ứng không tốt trong đời sống xã hội.
Năm 2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra 138 vụ, bạo lực gia đình, trong đó tỷ lệ nạn nhân được phát hiện và tư vấn chiếm từ 82- 87%, tỷ lệ người gây bạo lực gia đình được phát hiện và tư vấn chiếm hơn 80%. Ước năm 2020 số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện và tư vấn tâm lý, tinh thần, pháp luật là 87,5%, số người gây bạo lực gia đình được phát hiện và tư vấn là 89%. Từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, chị N.T.L ở Trưng Vương, Việt Trì cho biết: “Trước đây, tôi đã từng phải hứng chịu những trận đòn từ chính người chồng của mình với những lý do rất vô lý, đã có lúc tôi cam chịu, thậm chí muốn buông xuôi tất cả bởi sợ nói ra sẽ ảnh hưởng đến con cái, sợ gia đình tan vỡ. Về sau do quá sức chịu đựng nên tôi đã quyết định ly hôn để bước sang một cuộc sống mới không còn bạo lực cho dù phải nuôi con một mình”. Những phụ nữ bị bạo lực gia đình như chị L thường có suy nghĩ “chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau”, “xấu chàng hổ ai” đến khi vỡ lở thì hạnh phúc gia đình cũng không còn. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó trưởng phòng Bảo trợ xã hội- Trẻ em- Bình đẳng giới, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: Bạo lực gia đình có nhiều hình thức, bao gồm bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục. Nạn nhân chủ yếu của bạo lực gia đình là phụ nữ, trẻ em và người già. Nguyên nhân của bạo lực gia đình chính là bất bình đẳng giới, định kiến giới vẫn còn tồn tại; trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của không ít người dân còn hạn chế, đời sống kinh tế khó khăn.Với vai trò nòng cốt trong thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp luôn chú trọng lồng ghép các nội dung tuyên truyền phòng, tránh tình trạng bạo lực trong gia đình vào các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Kết quả đã giúp đỡ được trên 29.457 hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 20,34% (năm 2011) xuống còn 4.4%. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với chính quyền địa phương thành lập và duy trì hoạt động 1.668 “địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng để hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ, chăm sóc y tế cho nạn nhân bị bạo lực gia đình. Trong 5 năm (2015 -2020) các cấp Hội đã hỗ trợ, tư vấn cho 415 lượt phụ nữ liên quan đến bạo lực gia đình, tham gia hòa giải thành công 827 vụ việc ở cơ sở (trong đó có 107 đơn, 166 vụ việc liên quan đến vấn đề bạo lực gia đình).

Trong hoạt động y tế, nữ giới được trao cơ hội học tập, nghiên cứu, làm chủ công nghệ kỹ thuật cao phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. - Phân tích các mẫu xét nghiệm máu ở Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.

Trong hoạt động y tế, nữ giới được trao cơ hội học tập, nghiên cứu, làm chủ công nghệ kỹ thuật cao phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. - Phân tích các mẫu xét nghiệm máu ở Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.

Mặc dù là huyện miền núi, xa trung tâm, mặt bằng đời sống dân cư còn nhiều khó khăn, song để nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới, huyện Yên Lập đã tích cực triển khai thực hiện Đề án 938/ĐA-CP về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”, Đề án 939/ĐA-CP về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Bà Chu Thị Liên- Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Yên Lập cho biết: Từ huyện đến xã đều thành lập Ban chỉ đạo, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức: Trực tiếp, gián tiếp, hàng năm huyện đều lựa chọn xây dựng điểm chỉ đạo và mô hình hoạt động Đề án gắn với các nội dung theo chủ đề. Đồng thời duy trì hoạt động có hiệu quả 19 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 2 câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, 60 câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” với gần 1.700 thành viên tham gia; 13 mô hình “gia đình không có người sinh con thứ ba”; 12 mô hình thực hiện an toàn thực phẩm do cán bộ, hội viên phụ nữ làm chủ...; cùng các mô hình: Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giúp hộ nghèo có địa chỉ, tổ/nhóm phụ nữ liên kết phát triển kinh tế. Đến nay, riêng Hội phụ nữ nhận nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội có tổng dư nợ đạt trên 107 tỷ đồng, cho 3.021 hộ vay; ngoài ra hội còn phối hợp với Quỹ TYM chi nhánh Phú Thọ cho 470 thành viên ở thị trấn Yên Lập và các xã: Xuân Thủy, Đồng Thịnh, Ngọc Lập vay phát triển sản xuất với dư nợ trên 14 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 10,21%. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ luôn được quan tâm, tạo điều kiện, tỷ lệ nữ tham gia công tác quản lý trường học chiếm 69,5%, số lượng nữ tham gia HĐND các cấp và giữ các chức vụ trong các cơ quan Đảng và Nhà nước chiếm từ 14-27%.Không chỉ Yên Lập, để xóa bỏ bạo lực gia đình, thực hiện tốt Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các mục tiêu của chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới nhằm xóa bỏ định kiến giới, trao cơ hội thực sự cho cả nam và nữ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Bà Phạm Thị Thu Hương- TUV, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: Vấn đề bình đẳng giới luôn được Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương quan tâm. Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; tập trung xây dựng hệ thống giải pháp thực hiện mục tiêu kế hoạch và tạo mọi điều kiện, cơ hội để đội ngũ cán bộ nữ được nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt, đáp ứng tiêu chuẩn của từng vị trí công tác, phát huy trí tuệ và sức lao động của bản thân nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Công tác quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ nữ và công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ được chú trọng trên các lĩnh vực. Hàng năm, cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị đã rà soát đánh giá về phẩm chất, trình độ, năng lực chuyên môn, năng lực thực tiễn của từng cán bộ nữ để bố trí, sắp xếp, sử dụng lao động nữ phù hợp với trình độ, năng lực, tính chất đặc thù của từng lĩnh vực công tác, giúp phụ nữ có cơ hội phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ phụ nữ phát huy khả năng sáng tạo của cá nhân, có nhiều biện pháp cụ thể trong việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ nữ, phát huy được thế mạnh của đội ngũ cán bộ nữ trên các lĩnh vực hoạt động của từng ngành.

Cùng với đó là giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động, qua đó giúp người phụ nữ làm chủ về kinh tế, có tiếng nói hơn trong gia đình, nhất là ở những địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nữ giới đã tích cực, chủ động thi đua lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Vị thế việc làm, lao động của phụ nữ đã có nhiều thay đổi tích cực, lao động nữ đã tham gia ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế của đời sống xã hội, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định chính trị, kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, các cấp, các ngành trong toàn tỉnh đã, đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, vận động toàn dân chủ động, tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực, trao cơ hội cho nữ giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới.

Mai Phương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202012/binh-dang-gioi-xoa-bao-luc-trao-co-hoi-174497