Bình đẳng - những thách thức và nỗ lực của thanh niên dân tộc thiểu số
Kết hôn sớm từ độ tuổi cấp 2, nguy cơ về bỏ học, bạo lực giới và gặp khó khăn về kinh tế là hiện trạng tưởng chừng như đã cũ với cuộc sống hiện đại ngày nay, nhưng không ít thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tại Vân Hồ, Sơn La vẫn đang phải hàng ngày nỗ lực vượt qua.
Khi trẻ em sinh ra em bé
Năm 2005, khi lên 16 tuổi, anh R. một chàng trai dân tộc Mông, sống tại Bản Bó Nhàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, giống như bao thanh niên khác, sớm kết hôn với một bạn nữ trong bản dù thực sự không hề mong muốn. Hai bạn trẻ còn chưa biết gì về cuộc sống hôn nhân, về sống với nhau với mục đích "ổn định sớm" và thêm nhân lực trong nhà. Anh R. vẫn tiếp tục hoàn thành học lớp 9, còn vợ anh không đi học và không biết chữ…
Góc bếp hiện tại nhà anh R.
Một năm sau, hai "đứa trẻ" còn chưa hiểu hết về cách kiếm sống, kiến thức chăm sóc thai sản và cách chăm sóc trẻ sơ sinh thì đã ngay lập tức có cho mình một "em bé". Con anh được sinh ra tại nhà với sự trợ giúp của bà đỡ trong làng. Nghĩ lại khoảng thời gian đó, anh R. chia sẻ việc chăm con quả thực là một khó khăn rất lớn với vợ chồng anh. Dù có ông bà hướng dẫn, nhưng việc chăm sóc trực tiếp vẫn là do hai vợ chồng. Anh và vợ thời điểm đó lo cho mình còn chưa xong, nên càng không hiểu rõ cách chăm con. Chưa kể, gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy, các chi phí khi có thêm một em bé cũng khiến cả nhà "xoay" đủ đường.
3 năm sau vợ chồng anh ra ở riêng do em trai anh tiếp tục kết hôn. Được bố mẹ cho một căn nhà mái lá, một chút nương, hai vợ chồng chăn nuôi thêm gà, lợn để kiếm sống qua ngày. Đó là thời điểm khó khăn nhất vì vợ chồng anh tiếp tục có thêm em bé thứ hai, con cái thường xuyên đau ốm, có những thời điểm anh phải đi vay "nóng" để có tiền cho con đi viện.
Bạo lực gia đình với những người phụ nữ dân tộc thiểu số
Cách nhà anh R. vài kilomet, chị D. lấy chồng năm 16 tuổi, cuộc sống của vợ chồng chị cũng xoay quanh nương rẫy và nuôi con, chị cố gắng chăm chỉ làm ăn để chồng con đủ ăn, đủ mặc, mặc dù vậy gia đình vẫn thuộc hộ nghèo. Cho đến thời gian cách đây 7 năm, chồng chị bắt đầu "đi lại" với những người phụ nữ bên ngoài và về mắng chửi vợ không biết làm ăn, khiến gia đình khổ và muốn lấy vợ giỏi hơn. Ngày qua ngày người chồng về dằn vặt, tra tấn tinh thần người phụ nữ trẻ, đồng thời không chăm lo làm ăn, không chăm sóc con cái cùng vợ.
Chị R. chia sẻ với các phóng viên và mong muốn những phụ nữ người Mông dũng cảm thoát khỏi bạo lực như mình
Theo phong tục từ xưa của người Mông, việc ly hôn là rất khó khăn. Dù có được chấp nhận ly hôn, thì gia đình chồng cho người phụ nữ cái gì thì chỉ được cái đó, thậm chí họ có thể không cho bất kỳ tài sản nào. Không những vậy, một khi người con gái đi lấy chồng, thì đã là "ma" nhà chồng, bản thân nhà bố mẹ đẻ cũng không chấp nhận việc con gái quay về nữa. Người phụ nữ hoàn toàn là "đối tượng yếu thế" trong cuộc hôn nhân này.
Sau 2 năm chịu đựng, đấu tranh, chị đã quyết tâm ly hôn và nuôi hai con trai, người chồng cũng chỉ lợp cho một căn nhà mái lá, và chia cho ít ruộng để mẹ con sống qua ngày. Với sự cần mẫn của mình, chị vẫn hàng ngày trồng ngô, trồng lúa, cố gắng cho con ăn học để mong cuộc sống sau này khấm khá hơn. Người chồng sau đó lấy thêm hai người vợ, nhưng vì bản chất lười làm nên các cuộc hôn nhân cũng chỉ trong thời gian ngắn. Anh muốn quay về với chị D., nhưng chị nhất định không đồng ý, vì không muốn chịu đựng thêm bất kỳ một sự bạo lực tinh thần nào thêm nữa.
Sự nỗ lực của các cô giáo vùng cao
Là người trực tiếp xúc nhiều nhất với các thanh thiếu niên dân tộc thiểu số, cô V.T.H. đã trăn trở 15 năm nay về việc kết hôn sớm của chính học sinh trong lớp mình. Học sinh đầu tiên của cô kết hôn vào kỳ 2 năm lớp 6, lúc đó, bố và anh trai của cậu phải đi tù vì buôn ma túy, mẹ cậu bé bắt cậu lấy vợ để "làm chủ gia đình". Vợ của cậu bé hơn 4 tuổi, nghỉ học ở nhà làm nương.
Cô H. đồng hành 15 năm với các học sinh dân tộc thiểu số
Còn vừa mới năm ngoái, sau kỳ nghỉ Tết của người Mông, các bạn trong lớp báo học sinh của cô sinh năm 2008 đã kết hôn, nhưng không yêu mà bị bắt. Cô bé là người khá nhanh nhẹn, hiểu biết, cô rất bất ngờ nên đã tích cực hỏi thăm và biết được rằng dù đã gọi bố mẹ, cô bé vẫn không được đón về vì đã là "ma" nhà người. Trước đó, vì quan sát thấy cô bé khá xinh đẹp, nên cô dặn học sinh của mình không nên đi chơi nhiều và trong nhóm ít người để tránh tục "bắt" vợ, nhưng vẫn không tránh được việc này. Cô bé khóc nhiều ngày và đã trốn về, nhưng bố mẹ em, theo phong tục, vẫn phải sang nói chuyện, thậm chí phải "bắt đền" cho nhà trai vì khiến con trai họ trở thành "một đời vợ". Bố mẹ cô thậm chí phải bàn bạc với các già làng để xin ý kiến về việc cho con ở nhà hay cho ra ở riêng. Cô bé cũng chịu điều tiếng "bỏ chồng" từ các bạn đồng trang lứa.
Giải pháp đa chiều
Tại Lóng Luông, nhà trường luôn có những buổi truyền thông tích cực, các thầy, cô vẫn nỗ lực hàng ngày và đấu tranh cùng lúc với 2 mục tiêu: hạn chế tảo hôn (tuyên truyền vận động); và vận động học sinh ngay cả khi tảo hôn vẫn cố gắng tiếp tục đi học. Như học sinh đầu tiên của cô sau khi kết hôn vẫn đi học hết năm lớp 12, sau đó học nghề và đi làm.
Mặc dù đã tích cực tuyên truyền cho các bạn trẻ về việc không nên kết hôn sớm do chưa phát triển, chưa hiểu về cuộc sống, nhưng cô H. và các thầy, cô vẫn không thể ngăn chặn được hết tình trạng tảo hôn. Cô H. cũng cho biết, ngoài tục "bắt vợ", việc sự phát triển của công nghệ và internet khiến học sinh dễ dàng làm quen trên mạng xã hội là một yếu tố khiến các bạn "lấy vợ", "lấy chồng" sớm. Vì vậy, việc thay đổi tư duy của các bạn trẻ là cực kỳ quan trọng.
Đồng hành với nhà trường, chính quyền địa phương đã liên tục tuyên truyền đến các gia đình về việc giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn, đặc biệt là hôn nhân cận huyết. Trung tâm y tế xã đã thực hiện nhiều hoạt động truyền thông về sức khỏe sinh sản cho người mẹ, dinh dưỡng cho các em bé, những nguy cơ của việc có con sớm và hậu quả về sức khỏe đối với con của các cặp có hôn nhân cận huyết.
Anh R. rạng rỡ với thành tích học tập của các con
Những người đã "thấm nhuần" những vất vả của việc tảo hôn như anh R. kể trên cũng đã tham gia công tác đoàn đội của xã để đến từng nhà vận động để hạn chế tỷ lệ này. Bản thân anh R. đã nêu gương khi khuyến khích các con học hành chăm chỉ. Năm nay, hai con anh đã hoàn thành lớp 11 và lớp 9, anh mong các con học tiếp lên Cao Đẳng hoặc Đại học để có một công việc tốt, đủ kiến thức trước khi kết hôn. Gặp anh trong một buổi chiều mùa hạ, dù trong nhà anh chỉ có hai chiếc giường, trong bếp có hơn chục bao thóc mới thu hoạch và 5 thùng ngô đã phơi khô, nhưng có đến gần 20 giấy khen của hai con và những chứng nhận sự tham gia tích cực của anh R. trong công tác vận động.
Anh R., chị D., cô H., và những người "tiên phong thúc đẩy bình đẳng" đang nỗ lực từng ngày để mang đến một tương lai tươi sáng hơn cho các thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số tại Vân Hồ, Sơn La. Cùng với đó, nhằm khuyến khích thanh niên dân tộc thiểu số và các nhà báo trẻ trở thành những nhân tố thay đổi, giúp giảm thiểu bất bình đẳng, năm 2023, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) triển khai dự án "Góp tiếng nói - thêm bình đẳng" tại đây. VSF đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, kết nối các phóng viên trẻ từ các cơ quan báo chí với nhóm thanh niên dân tộc thiểu số để đảm bảo tiếng nói và câu chuyện của các bạn trẻ đến được gần hơn với công chúng và các bên liên quan.
Thanh thiếu niên tại Vân Hồ nỗ lực thúc đẩy bình đẳng trong hoạt động cùng VSF
Từ đầu năm 2023 đến nay, VSF đã thực hiện các hoạt động: Tập huấn về "Kể chuyện" cho 30 phóng viên và cán bộ truyền thông trẻ; Tập huấn về "Bình đẳng và Bình đẳng giới" cho 40 thanh thiếu niên dân tộc thiểu số (16- 25 tuổi); Tọa đàm về tiếng nói của thanh thiếu niên với giảm bất bình đẳng giới giữa các bạn trẻ, nhà báo và cán bộ truyền thông; Tài trợ 4 sáng kiến giảm bất bình đẳng do chính các bạn thanh, thiếu niên khởi xướng và thực hiện sau khi tập huấn; Tổ chức 2 chuyến thực tế nhằm tìm kiếm và lan tỏa cách làm và bài học kinh nghiệm hay trong thúc đẩy bình đẳng; Chiến dịch truyền thông trực tuyến "Gen Z hiện đại - không ngại lên tiếng". Theo kế hoạch dự án sẽ hoàn thành trong tháng 6.
Dự án "Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng" của VSF nhận được tài trợ ngân sách từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam - Chương trình Cựu sinh để triển khai tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, từ tháng 10 năm 2022. Bên cạnh đó, ngân sách đối ứng được VSF trích từ lợi nhuận chương trình bán bánh trung thu gây quỹ "Mùa trăng Hy vọng" năm 2021.
Dự án có sự tham gia và cố vấn kỹ thuật của 3 cựu thành viên của các chương trình trao đổi học thuật và chuyên môn do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ là: Chị Trần Hồng Điệp – Phó Giám đốc VSF; Chị Nguyễn Phương Chi, Phó Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế và Quản lý Khoa học, Học viện Phụ nữ Việt Nam; và Chị Hoàng Thị Hường - Nhà hoạt động về Giới và Sáng lập Toha Coffee.
Thông tin chi tiết truy cập: https://vitamvocviet.vn/sang-kien-gop-tieng-noi-them-binh-dang