Bình đẳng và đồng sáng tạo
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru thăm hai quốc gia Đông Nam Á là Malaysia và Indonesia trong các ngày 9 - 12/1. Việc Thủ tướng Ishiba chọn lựa Đông Nam Á làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2025 cho thấy sự nhất quán trong chính sách của Nhật Bản đối với Đông Nam Á qua các đời thủ tướng.
Theo kế hoạch, trong chặng dừng chân đầu tiên, nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ hội đàm với Thủ tướng Anwar Ibrahim của Malaysia, quốc gia đã chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2025. Ông Ishiba cũng sẽ hội đàm với Tổng thống Prabowo Subianto tại Indonesia, thành viên của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Dự kiến năm 2025, ASEAN sẽ thông qua “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045”. Malaysia, quốc gia giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2025, dự kiến sẽ tổ chức hội nghị cấp cao lần đầu tiên giữa ASEAN với Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), bao gồm 6 quốc gia Trung Đông.
Để đảm bảo tăng trưởng khu vực bền vững đến năm 2045, ASEAN đang mở rộng các đối tác hợp tác. Chuyên gia Fumika Sato của Nikkei nhận định đối với ASEAN, Nhật Bản là một trong những lựa chọn để các nước ASEAN sẵn sàng tận dụng thế mạnh của Nhật Bản nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế cũng như điều kiện tiên quyết là ổn định khu vực.
Theo các cuộc khảo sát do Viện ISEAS-Yusof Ishak thực hiện, Nhật Bản luôn được coi là quốc gia đáng tin cậy nhất trong số các tác nhân chính trong khu vực kể từ năm 2019. Nhiều nước Đông Nam Á vẫn coi Nhật Bản là một cường quốc kinh tế quan trọng và là bên liên quan có trách nhiệm ủng hộ tuân thủ luật pháp quốc tế. Mặc dù kinh tế suy giảm tương đối kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới và lập trường ngoại giao cũng như thông điệp của nước này đối với Đông Nam Á được coi là phù hợp.
Nhu cầu đối với chương trình Viện trợ An ninh chính thức (OSA) của Nhật Bản, bao gồm cung cấp miễn phí thiết bị quốc phòng cho các quốc gia chia sẻ lập trường chung là rất lớn. Nhiều nước cũng bày tỏ hoan nghênh việc Nhật Bản dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm xuất khẩu thiết bị quốc phòng.
Theo ý kiến của Giáo sư Koga Kei tại Đại học Công nghệ Nanyang, với việc Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức cùng chính sách cứng rắn về thuế quan nhằm vào Trung Quốc, Đông Nam Á ngày càng trở nên quan trọng. Nhật Bản có cơ hội trở thành nhân tố cân bằng quan hệ nước lớn của ASEAN. Chuyên gia Koga Kei cho rằng Nhật Bản vẫn là lựa chọn hàng đầu với tư cách là bên thứ ba trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung vì vị trí địa lý gần và vai trò tích cực trong các thể chế do ASEAN lãnh đạo.
Bằng cách liên tục tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Nhật Bản đã cung cấp các phương tiện thực thi pháp luật trên biển và thiết bị quốc phòng, chẳng hạn như tàu tuần tra và hệ thống radar, thông qua viện trợ phát triển chính thức (ODA). Những điều này góp phần tăng cường năng lực phòng thủ của Đông Nam Á mà vẫn không thúc đẩy sự phụ thuộc quá mức vào Nhật Bản, do đó đảm bảo quyền tự chủ của quốc gia và khu vực.
Về kinh tế, tầm quan trọng của Nhật Bản ở Đông Nam Á là điều dễ nhận thấy với các chương trình viện trợ phát triển, cho vay và hợp tác trong nhiều năm. Mặc dù mối quan hệ kinh tế của Nhật Bản với Đông Nam Á đã thay đổi đáng kể với việc Trung Quốc vươn lên vị trí đối tác số 1 của khu vực, nhưng Nhật Bản vẫn là một đối tác thương mại quan trọng của ASEAN. Đặc biệt, trong mục tiêu tăng trưởng xanh như hiện nay, ASEAN đã xác định Nhật Bản là một đối tác hàng đầu với các công nghệ hiện đại và đang xem xét hợp tác với các công ty Nhật Bản thông qua sáng kiến Cộng đồng châu Á không phát thải (AZEC) do Tokyo khởi xướng.
Chuyên gia Tatsuhito Imao của Nikkei đánh giá trong bối cảnh Đông Nam Á ngày càng có vai trò quan trọng trên thế giới, mục tiêu chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản là xác nhận việc tăng cường hợp tác an ninh hàng hải và thúc đẩy hợp tác kinh tế như phi carbon hóa, đồng thời tăng cường sự hiện diện của Tokyo trong khu vực. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshimasa Hayashi, khẳng định: "Hợp tác với Đông Nam Á, một trung tâm vận tải biển quan trọng và một trung tâm tăng trưởng toàn cầu, là điều cần thiết theo quan điểm hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) dựa trên pháp quyền và hợp tác với Nam bán cầu".
Theo Giáo sư Koga Kei, kể từ nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền cố Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đã theo đuổi chính sách ngoại giao chủ động, đưa ra sáng kiến FOIP. Thủ tướng Ishiba đã tiếp nối, đưa khái niệm này vào bài phát biểu chính sách đầu tiên của mình vào ngày 4/10/2024, tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ duy trì tầm nhìn FOIP và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Giáo sư Koga Kei nhận định Đông Nam Á nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nắm giữ các tuyến đường biển quan trọng để giao lưu giữa các đại dương này. Ngoài ra, ASEAN đã đóng vai trò là cốt lõi của chủ nghĩa đa phương Đông Á ở Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Giáo sư Koga Kei lưu ý chính các quốc gia Đông Nam Á mới là bên có thể bỏ phiếu quyết định về sự thành công của FOIP của Nhật Bản.
Đề cập đến cách tiếp cận của Nhật Bản đối với Đông Nam Á, ông Kitaoka Shinichi, Tiến sĩ Luật, Đại học Tokyo, cho biết Nhật Bản đã xây dựng mối quan hệ sâu sắc với khu vực này. Chuyên gia nêu rõ vì ASEAN đóng vai trò trung tâm trong chủ nghĩa đa phương khu vực, nên việc giành được sự ủng hộ của tổ chức khu vực này là cấp thiết đối với Nhật Bản trong thúc đẩy chương trình nghị sự của mình.
Theo dự báo tình hình kinh tế thế giới mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của 10 quốc gia ASEAN sẽ vượt qua Nhật Bản vào năm 2027 nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của các quốc gia như Việt Nam, Indonesia và Philippines. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài và đang đối mặt với sự suy giảm dân số. Theo ý kiến của chuyên gia Fumika Sato của Nikkei, trong bối cảnh này, ASEAN là một đối tác chiến lược quan trọng của Nhật Bản nhờ vị trí địa lý gần gũi, thị trường mở rộng và tiềm năng tăng trưởng bền vững.
Theo chuyên gia Kitaoka Shinichi, tháng 12/2023, nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác, Nhật Bản và ASEAN đã công bố "Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN-Nhật Bản: Đối tác đáng tin cậy", ưu tiên hợp tác theo thứ tự an ninh xã hội, văn hóa xã hội, kinh tế và chính trị thay vì kinh tế, an ninh chính trị và văn hóa xã hội như cách đây 10 năm.
Thay đổi này làm nổi bật sự tập trung vào trao đổi con người giữa Nhật Bản và các quốc gia thành viên ASEAN ở nhiều cấp độ xã hội khác nhau để hợp tác trong tương lai, cho thấy cả hai bên đã điều chỉnh nhận thức - không còn coi mối quan hệ chỉ là bên cho và bên nhận. Sự điều chỉnh này cũng được phản ánh trong chính sách kinh tế của Nhật Bản đối với ASEAN. Hợp tác kinh tế giữa hai bên đã mở rộng sang các lĩnh vực như phát triển kinh tế, thương mại, tài chính và môi trường. Kết nối đã nổi lên như một chủ đề chính, với việc Nhật Bản ưu tiên đối thoại để hiểu được nhu cầu và yêu cầu của các đối tác, do đó nhấn mạnh vào cách tiếp cận "đồng sáng tạo".
Giáo sư Koga Kei bình luận chính sách của Nhật Bản đối với Đông Nam Á khá nhất quán kể từ năm 1977, khi Thủ tướng lúc đó là Fukuda Takeo đưa ra “Học thuyết Fukuda”, trong đó có cam kết vun đắp mối quan hệ hiểu biết “từ trái tim đến trái tim” và trở thành “một đối tác bình đẳng” với các quốc gia Đông Nam Á.
Học thuyết Fukuda đã tạo ra bước đi nền tảng, thúc đẩy mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định giữa Nhật Bản với Đông Nam Á kể từ đó. Trên cơ sở học thuyết và những điểu chỉnh của tình hình mới, “đồng sáng tạo” và “bình đẳng” đã trở thành từ khóa cho quan hệ ASEAN-Nhật Bản hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế và ổn định khu vực.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/binh-dang-va-dong-sang-tao-20250109171619358.htm