Bình Định: Còn bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách

Năm 2023, công tác lập, phân bổ, giao dự toán thu chi ngân sách của địa phương đã cơ bản được thực hiện theo các quy định, hướng dẫn của Trung ương (T.Ư), Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) nhận thấy, trong quá trình quản lý, sử dụng ngân sách còn một số tồn tại cần khắc phục.

Việc quản lý, sử dụng ngân sách của tỉnh Bình Định còn một số tồn tại cần khắc phục. Ảnh: ST

Việc quản lý, sử dụng ngân sách của tỉnh Bình Định còn một số tồn tại cần khắc phục. Ảnh: ST

Bất cập trong công tác lập và giao dự toán, thu chi ngân sách

Công tác lập dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN): ước thực hiện năm 2022 chỉ bằng 85% số thực hiện năm 2022; dự toán thu lập chỉ bằng 102,5% so với ước thực hiện năm 2022, chưa đảm bảo mức tăng bình quân theo quy định; T.Ư giao dự toán thu nội địa thấp hơn 25 tỷ đồng so với dự toán tỉnh lập, bằng 88% số ước thực hiện năm 2022.

Việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế chưa đảm bảo số lượng, đối tượng theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, điều chỉnh giảm kế hoạch thanh tra, kiểm tra chưa đúng quy trình; công tác kiểm tra thuế tại cơ quan thuế chưa hoàn thành kế hoạch được phê duyệt. Về công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, cơ quan thuế chưa thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với khoản nợ trên 90 ngày; công tác cưỡng chế nợ thuế chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời.

Kiểm toán nhà nước

Về dự toán chi NSNN: HĐND tỉnh Bình Định ban hành quy định tại Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 11/12/2021 chi trả thù lao chủ tịch hội có tính chất đặc thù tại xã, phường, thị trấn với hệ số bằng 1 lần mức lương cơ sở/tháng nhưng chưa có ý kiến của các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH); giao dự toán cho các đơn vị cấp dưới còn trường hợp giữ lại nguồn 275,413 tỷ đồng để điều hành trong năm; giao dự toán 7,671 tỷ đồng cho các tổ chức hội đặc thù cấp tỉnh để chi trả tiền lương, chỉ hoạt động theo định mức không gắn với nhiệm vụ chi; có 287 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc nhóm 3, nhóm 4 được giao thực hiện cơ chế tự chủ tài chính nhưng chưa xác định tỷ lệ phần ngân sách hỗ trợ kinh phí thường xuyên; giao 95 lao động hợp đồng (tương ứng 6,46 tỷ đồng) cho Sở LĐTBXH chưa có trong Đề án vị trí việc làm.

Đối với công tác thu NSNN, KTNN chỉ ra, công tác quản lý thu tại cơ quan Thuế: có 35 trường hợp chậm nộp hồ sơ khai thuế nhưng cơ quan thuế chưa xử phạt vi phạm hành chính (VPHC); chưa quản lý thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) hoạt động xây dựng của 5 doanh nghiệp (DN) ngoại tỉnh với số thuế 4,094 tỷ đồng phát sinh trên địa bàn; chưa có biện pháp để thu thuế xây dựng nhà ở tư nhân đã được cấp phép; chưa thực hiện xác minh, điều tra doanh thu để lập bộ quản lý thu đối với 190 giấy phép đăng ký kinh doanh được cấp phép trong năm; chưa phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải để nắm bắt số lượng hộ kinh doanh để quản lý thu thuế 219 hộ với số thuế ước tính là 986 triệu đồng.

Công tác miễn, giảm thuế, gia hạn nộp thuế: Qua kiểm toán, KTNN chỉ ra 2 DN tại thị xã An Nhơn thuộc trường hợp được giảm thuế GTGT nhưng phát hành hóa đơn chậm, cơ quan thuế chưa xác định mức độ vi phạm về chậm phát hành hóa đơn để xử phạt VPHC về hóa đơn; chi nhánh Công ty TNHH Hào Hưng Phát đã hết thời gian được gia hạn nộp thuế là 7,157 tỷ đồng nhưng Cục Thuế chưa thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế để kịp thời thu nộp NSNN.

Đối với công tác hoàn thuế GTGT: Cục Thuế tỉnh Bình Định chậm giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế (NNT) theo quy định. Tính đến ngày 31/12/2023 còn 1.581 quyết định hoàn thuế GTGT với số tiền thuế 4.689,817 tỷ đồng từ năm 2015 đến năm 2023 chưa được thanh tra, kiểm tra sau hoàn theo nguyên tắc rủi ro và trong thời hạn 5 năm theo qui định của Luật quản lý thuế.

Công tác quản lý thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất: Theo KTNN, còn một số khoản tạm thu tiền sử dụng đất 70 tỷ đồng và tiền thuê đất nộp một lần 30 tỷ đồng chưa đủ điều kiện quyết toán thu NSNN do chưa có đơn giá đất được duyệt, chưa có thông báo nộp của cơ quan thuế nhưng Sở Tài chính yêu cầu các DN nộp tài khoản thu ngân sách, cơ quan thuế, Kho bạc Nhà nước (KBNN) chưa phối hợp rà soát, dẫn đến hạch toán thu ngân sách năm 2023 chưa đảm bảo quy định của Luật NSNN; có trường hợp cơ quan KBNN hạch toán, điều tiết số thu tiền sử dụng đất không đúng cấp ngân sách được hưởng dẫn tới làm giảm thu ngân sách tỉnh 4,407 tỷ đồng, tăng thu ngân sách huyện Phù Cát; tăng số thu ngân sách thị xã An Nhơn và giảm thu ngân sách cấp xã 423 triệu đồng.

Ngoài ra, công tác quản lý thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa lúa vẫn còn nhiều bất cập. Theo đó, số thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa đã nộp ngân sách cấp huyện là 58,448 tỷ đồng theo Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 11/12/2021 của HDND tỉnh Bình Định, thay vì nộp ngân sách tỉnh theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21/01/2016 của Bộ Tài chính; kết quả kiểm toán tại 5 huyện xác định khoản thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa phải nộp NSNN tăng thêm là 48,175 tỷ đồng.

Đáng chú ý, KTNN cũng chỉ ra, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 chưa ưu tiên bố trí vốn cho dự án đã được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành (bố trí 40 tỷ đồng/77,206 tỷ đồng của 187 dự án đã được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành), trong khi đó bố trí cho 59 dự án khởi công mới là 198,504 tỷ đồng; bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương (NSTW) bổ sung có mục tiêu là 312.406 tỷ đồng để chi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với 3 dự án thuộc nhiệm vụ chi của NSĐP. Đến thời điểm kiểm toán, địa phương chưa bố trí đủ nguồn để hoàn trả phần vốn trung ương để thực hiện chi các gói xây lắp; KHV bố trí cho 127 dự án với số tiền 213,399 tỷ đồng...

Hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh Bình Định. Ảnh: ST

Hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh Bình Định. Ảnh: ST

Về quản lý, điều hành dự toán chi thường xuyên: UBND tỉnh điều chỉnh, thay đổi dự toán so với dự toán đầu năm được HĐND tỉnh quyết nghị số tiền 209,974 tỷ đồng nhưng không trình Thường trực HĐND tỉnh quyết định và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất theo như qui định của Luật NSNN; Bổ sung dự toán cho người làm công việc thừa hành phục vụ số tiền 6,723 tỷ đồng không đúng quy định.

Cần điều chỉnh số liệu thu, chi ngân sách và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản

Từ những bất cập nêu trên, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Bình Định,chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh số liệu thu, chi NSĐP năm 2023 đảm bảo đúng quy định, cụ thể: Điều chỉnh giảm thu NSNN trên địa bàn, thu NSĐP năm 2023 số tiền 100 tỷ đồng; điều chỉnh giảm chi NSĐP năm 2023 số tiền 33,818 tỷ đồng; điều chỉnh giảm chi chuyển nguồn sang năm số tiền 100,084 tỷ đồng.

KTNN kiến nghị UBND tỉnh Bình Định chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong việc: Chưa thực hiện cưỡng chế, cưỡng chế chưa kịp thời theo quy định tại Điều 124, Điều 125 Luật Quản lý Thuế; chưa quản lý thu thuế GTGT đối với hoạt động xây dựng của các DN ngoại tỉnh phát sinh trên địa bàn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 và khoản 1 Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC; điều chỉnh giảm kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT chưa đúng quy trình kiểm tra theo Quyết định số 970/QĐ- TCT; chưa thực hiện tra soát tờ khai thu, nộp với KBNN Bình Định và người nộp thuế để xử lý các vấn đề sai sót liên quan đến chứng từ tạm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào NSNN 100 tỷ đồng, chưa đủ điều kiện quyết toán thu NS năm 2023 theo điểm đ khoản 1 Điều 5 Thông tư số 84/2016/TT-BTC.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thực hiện xử lý tài chính 144,879 tỷ đồng; chỉ đạo các đơn vị thực hiện kiến nghị khác: 86,251 tỷ đồng. Chỉ đạo Sở GTVT rà soát toàn bộ kinh phí GPMB là 99,059 tỷ đồng tại 8 hạng mục công trình do Sở GTVT đã thanh toán để đảm bảo đầy đủ hồ sơ, thủ tục, quyết toán với NSNN theo quy định. Trường hợp không đảm bảo hồ sơ, thủ tục theo quy định đề nghị giảm quyết toán số tiền tương ứng.

Ngoài ra, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Bình Định thực hiện và chỉ đạo các đơn vị thực hiện: Báo cáo HĐND tỉnh xem xét quyết nghị việc điều chỉnh, bổ sung dự toán 209,974 tỷ đồng trước khi HĐND tỉnh phê chuẩn quyết toán chi NSĐP năm 2023...

UBND tỉnh Bình Định cần chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong việc: Điều hành ngân sách trong trường hợp hụt thu tiền sử dụng đất chưa đảm bảo quy định dẫn đến phải điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đối với giảm số đã thanh toán về đền bù, GPMB 538,086 tỷ đồng tại các dự án để chuyển thành tạm ứng ngân sách không đúng quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật NSNN 2015; tạm ứng ngân sách tỉnh năm 2023 số tiền 139,274 tỷ đồng để chi cho 6 dự án không có trong danh mục KHĐTC giai đoạn 2021-2025; chi cho 14 dự án thiếu thủ tục đầu tư không đảm bảo theo quy định Nghị định số 40/2020/NĐ-CP, Nghị định 163/2016/NĐ-CP và Luật NSNN 2015; Không bố trí vốn để thu hồi tạm ứng của năm 2022 chuyển sang năm 2023 3,139 tỷ đồng tại 2 dự án, trong khi đó năm 2023 vẫn tiếp tục tạm ứng cho 2 dự án này 17,173 tỷ đồng...

KTNN kiến nghị UBND tỉnh Bình Định, chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh số liệu thu, chi NSĐP năm 2023. Ảnh minh họa

KTNN kiến nghị UBND tỉnh Bình Định, chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh số liệu thu, chi NSĐP năm 2023. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, KTNN cũng kiến nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các Sở, ban ngành, huyện, thị xã rà soát các nguồn NSTW, NSĐP, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để phát sinh nợ đọng XDCB và chưa bố trí vốn để xử lý dứt điểm nợ XDCB theo điểm a khoản 3 Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước;...

Đối với HĐND tỉnh Bình Định, KTNN kiến nghị: Xem xét BCKT của KTNN khi phê chuẩn Báo cáo quyết toán NSĐP năm 2023; tổ chức theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị của KTNN được nêu tại Báo cáo kiểm toán; tăng cường chức năng việc quản lý, điều hành ngân sách và hoạt động của Chương trình MTQG xây dựng NTM nhằm kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình.

Báo cáo xin ý kiến của các Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ LĐTBXH liên quan đến việc ban hành các khoản chi đặc thù có tính chất tiền lương, tiền công theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 163/2016/NĐ-CP. Trường hợp các Bộ không thống nhất, xem xét sửa đổi định mức phân bổ cho Hội đặc thù cấp xã quy định tại tiết điểm 2 Điều 13 Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND cho phù hợp với Luật NSNN 2015 và Nghị định 163/2016/NĐ-CP. Chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc quyết nghị sử dụng vốn NSTW bố trí cho các xã thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao chưa phù hợp với quy định tại Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với HĐND các huyện, thị xã, thành phố, KTNN kiến nghị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc quyết nghị bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho 165 danh mục dự án với 1.141,68 tỷ đồng khi chưa phê duyệt chủ trương đầu tư là chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công năm 2019...

KTNN cũng kiến nghị HĐND tỉnh Bình Định xem xét điều chỉnh việc phân cấp nguồn thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa tại điểm g khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 22/2021/NQ- HĐND ngày 11/12/2021 cho phù hợp với quy định về phân cấp, điều hành nguồn thu này được quy định tại khoản 5 Điều 2 Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21/01/2016 và khoản 2 Điều 1 Thông tư số 02/2023/TT-BTC ngày 06/01/2023 của Bộ Tài chính.

Đồng thời, bãi bỏ Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 23/3/2021 của HĐND huyện Tuy Phước, trong đó quy định tỷ lệ cấp hỗ trợ lại nguồn thu tiền sử dụng đất của các dự án do xã, thị trấn làm chủ đầu tư giai đoạn 2021-2025 là chưa đúng quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 11/12/2021 của HĐND tỉnh và trái thẩm quyền quy định tại điểm c khoản 9 Điều 30 Luật NSNN 2015…/.

Về kết quả kiểm toán chuyên đề Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Bình Định, KTNN nhận định: Phân bổ và sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế năm 2021 số tiền 39 tỷ đồng thanh toán cho 79 công trình khởi công mới chưa phù hợp các nhiệm vụ chi từ nguồn vốn sự nghiệp; các năm: 2022, 2023 địa phương sử dụng nguồn NSTW bố trí cho 26 xã thực hiện các nhiệm vụ xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao chưa phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 3 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ với KHV bố trí 38,781 tỷ đồng theo quy định.

Về kết quả kiểm toán chuyên đề việc quản lý sử dụng kinh phí sự nghiệp hoạt động kinh tế đường bộ giai đoạn 2021-2023 tại tỉnh Bình Định, KTNN xác định, đối với công tác lập, phân bổ và giao dự toán kinh phí: Sở GTVT chưa lập kế hoạch bảo trì công trình đường bộ hằng năm, chưa theo dõi, cập nhật tình trạng hư hỏng, xuống cấp công trình đường bộ, làm sơ sở xác định thứ tự ưu tiên khi lập dự toán sửa chữa định kỳ.

Công tác tổng hợp quyết toán kinh phí: Sở GTVT không tổ chức thẩm tra và phê duyệt quyết toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) làm cơ sở quyết toán đối với 8 hạng mục công trình 99.059,9trđ. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của các công trình còn trường hợp dự toán tính thừa khối lượng công tác xây lắp, chi phí tư vấn 2,775 tỷ đồng.

Với công tác quản lý, bảo trì đường bộ: Sở GTVT chưa tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản thay thế Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND ngày 17/01/2018 về quản lý, bảo trì đường bộ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh để cập nhật theo các quy định hiện hành như: Cập nhật quy trình bảo trì; quản lý chất lượng công tác bảo trì công trình đường bộ; quản lý, bảo trì các công trình; báo cáo thực hiện công tác bảo trì công trình đường bộ.

LÊ HÒA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/binh-dinh-con-bat-cap-trong-quan-ly-su-dung-ngan-sach-34708.html