Bình Định cải tổ đơn vị hành chính cấp xã

Sáng 18/4, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định công bố thông tin về quá trình sắp xếp và tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Đây là bước đi quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý hành chính, tinh gọn bộ máy, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Bản đồ dự kiến của một số đơn vị hành chính sau khi sáp nhập.

Bản đồ dự kiến của một số đơn vị hành chính sau khi sáp nhập.

Sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính thành phố Quy Nhơn giảm còn 6, gồm: 5 phường (Quy Nhơn, Quy Nhơn Nam, Quy Nhơn Bắc, Quy Nhơn Đông, Quy Nhơn Tây) và 1 xã đảo Nhơn Châu. Thị xã An Nhơn còn lại 6 phường, cụ thể là: Bình Định, An Nhơn, An Nhơn Bắc, An Nhơn Nam, An Nhơn Đông, An Nhơn Tây. Thị xã Hoài Nhơn từ nhiều đơn vị hành chính, nay chỉ còn 7 phường, đánh số từ Hoài Nhơn 1 đến Hoài Nhơn 7 để dễ quản lý.

Huyện Phù Cát còn 7 xã mới, đặt tên từ Phù Cát 1 đến Phù Cát 7. Huyện Phù Mỹ còn 7 xã với tên gọi từ Phù Mỹ 1 đến Phù Mỹ 7. Huyện Tuy Phước sau quá trình sắp xếp còn lại 4 xã, gồm: Tuy Phước 1, Tuy Phước 2, Tuy Phước 3, Tuy Phước 4. Huyện Hoài Ân giảm xuống còn 5 xã, từ Hoài Ân 1 đến Hoài Ân 5. Huyện Vân Canh chỉ còn 3 xã là Vân Canh 1, Vân Canh 2 và xã miền núi Canh Liên.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định Lê Minh Tuấn phát biểu tại lễ công bố.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định Lê Minh Tuấn phát biểu tại lễ công bố.

Theo ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định, sau khi hoàn thành sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã tại tỉnh giảm từ 155 (bao gồm 74 xã, 11 phường, và 12 thị trấn) xuống còn 58 đơn vị (gồm 41 xã và 17 phường). Tổng cộng, tỉnh đã giảm đi 97 đơn vị hành chính. Quá trình này là một nỗ lực lớn của chính quyền nhằm hướng tới mô hình quản lý hiệu quả hơn trong giai đoạn mới.

Sau khi tiến hành sáp nhập, các đơn vị hành chính mới sẽ tổ chức lại Đảng bộ, cũng như các phòng ban chức năng. Dự kiến, mỗi đơn vị hành chính mới sẽ có khoảng 40 cán bộ đảm nhiệm các chức năng quản lý hành chính. Đặc biệt, xã đảo Nhơn Châu và xã miền núi Canh Liên vẫn giữ nguyên hiện trạng và không thực hiện sáp nhập.

Việc phân bổ và tổ chức nhân sự sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm phù hợp với nhu cầu thực tế của từng địa phương, đặc biệt là đối với các đơn vị hành chính đặc thù như các xã miền núi và vùng đảo.

Việc sắp xếp hứa hẹn nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như tiết kiệm nguồn lực hành chính.

Việc sắp xếp hứa hẹn nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như tiết kiệm nguồn lực hành chính.

Việc giảm số lượng đơn vị hành chính là một bước đột phá nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước tại tỉnh Bình Định. Mô hình tinh gọn không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực mà còn tạo điều kiện để đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu khác như cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và dịch vụ công.

Ngoài ra, quá trình sắp xếp còn mang lại cơ hội cải thiện chất lượng phục vụ người dân. Với việc giảm bớt sự phân tán về địa giới hành chính, chính quyền địa phương có thể tập trung hơn vào việc giải quyết các vấn đề của cộng đồng và thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế-xã hội.

Trong bối cảnh cả nước đang hướng tới cải cách hành chính và tinh giản bộ máy quản lý, Bình Định đã tiên phong thực hiện mô hình tổ chức mới, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Đây không chỉ là một quyết định mang tính chiến lược mà còn thể hiện sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc đưa Bình Định phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.

Lương Tùng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/binh-dinh-cai-to-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-post873440.html