Bình Định: Chong đèn ăn ngủ với hoa tết
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết cuối năm, người dân làng hoa Bình Định lo sợ công sức đầu tư có thể bị 'đổ sông đổ biển'.
Tỉnh Bình Định có những làng hoa Tết lâu đời, như làng mai ở thị xã An Nhơn, làng cúc ở Bình Lâm (Phước Hòa, huyện Tuy Phước) hay làng cúc phía Bắc sông Hà Thanh (TP Quy Nhơn).
Lo thời tiết bất thường
Về làng hoa cúc Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) những ngày này, chúng ta sẽ thấy cảnh người trồng hoa chộn rộn với công việc chăm sóc hoa Tết.
Ông Trần Bá Đạo, chủ một vườn cúc ở làng Bình Lâm, nói: “Giờ là lúc chong đèn dưỡng hoa. Người trồng cúc lo nhất vào thời điểm mưa nhiều cuối tháng 11 và đầu tháng 12. Hoa cúc thân mềm, dễ bị nấm, thối thân nếu gặp nước lũ. Hầu hết các gia đình trồng hoa ở Bình Lâm đều chọn các khu vực cao, khoanh vùng, giăng lưới tạo nhà màng che hoa khi mưa lũ”.
Vụ hoa tết năm nay, nhà ông xuống giống 500 chậu cúc vàng, ngoài ra còn trồng thêm một số giống hoa trang trí như dạ yến thảo, đồng tiền lùn....
Tương tự, ông Nguyễn Bá Trình, một hộ trồng hoa ở Bình Lâm, cho biết: “Người trồng cúc sợ nhất ngập úng. Cúc ngậm nước hai đến ba ngày là thối thân liền. Người trồng cúc ở Bình Lâm hiểu rất rõ điều này, nên nhà nào cũng dành phần đất cao, phủ mái che để khi có cảnh báo mưa lũ là chuyển cúc vào trú”.
Trong khi đó, với người trồng mai, sự thay đổi nhiệt bất thường mới là nỗi lo lớn nhất.
Ông Đặng Văn Hoàng (41 tuổi, ngụ thôn Háo Đức, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn), nói: “Chuyện mưa nắng, chạy lụt không phải là cái mà bà con lo nhất. Điều mà bà con làng mai lo nhất nhiệt độ nóng – lạnh thất thường sẽ khiến mai nở sớm, hoặc nở muộn, không đúng dịp Tết. Người trồng mai ăn ngủ với mai, nghe tin mưa gió là dọn mai lên cao rồi. Năm nay, tôi thấy trời ấm, lo mai nở sớm nên ngày nào cũng bơm nước để hãm cây”.
Năm nay, gia đình ông Hoàng chọn được 1.000 chậu mai trong vườn để bán Tết.
Trao đổi với PLO, một chuyên viên của Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, cho biết các làng mai ở thị xã An Nhơn phần nhiều tận dụng được nguồn nước... nhưng cũng dễ úng ngập. Hiện nay, nhiều công trình giao thông đang xây dựng, quá trình đô thị hóa nhanh, khiến việc tiêu thoát nước chậm hơn trước. Nếu trước đây hiếm khi ngập nhiều hơn hai ngày thì giờ phổ biến tầm ba đến bốn ngày.
Chính quyền cử cán bộ hỗ trợ người dân
Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, Bình Lâm là rốn nước của sông Côn, không thích ứng không được nhất là khi thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu, nhiều công trình làm thay đổi địa hình, đường thoát nước tự nhiên. Nên khi có mưa lũ, chúng tôi cảnh báo cho người, hướng dẫn chính quyền địa phương chủ động giúp dân kê dọn, đưa hoa lên nơi an toàn.
Theo ông Phan Thanh Hòa, Trưởng phòng Kinh tế TX An Nhơn, để không phá vỡ hiện trạng đất trồng lúa, chính quyền hướng dẫn người dân xây dựng các giàn tre, gỗ… cao hơn từ hai đến ba mét so với mặt ruộng, để chăm mai, và hạn chế ngập.
Năm nay, thị xã An Nhơn đốc thúc đơn vị thi công hoàn thiện hạ tầng khu vực đường mai ngay lối vào UBND xã Nhơn An để tạo điểm trưng bày cho người dân bán Tết.
Trao đổi với PLO, ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định), cho hay từ đây đến cuối năm, khu vực tỉnh Bình Định còn chịu ảnh hưởng của một hoặc hai đợt mưa lũ lớn, nên nguy cơ ngập lụt vẫn còn đó. Do vậy, chúng tôi đã theo dõi diễn biến cử cán bộ kỹ thuật của chi cục đi về các vùng trồng hoa tết để hỗ trợ bà con giải pháp chăm sóc cây.
Nguồn PLO: https://plo.vn/binh-dinh-chong-den-an-ngu-voi-hoa-tet-post762391.html