Bình Định:Cưỡng chế tài sản, xử phạt nghiêm các chủ tàu cá vi phạm IUU

Tình Bình Định sẽ cưỡng chế tài sản đối với các chủ tàu cá vi phạm IUU (hoạt động đánh bắt cá trái phép...) bị xử phạt nhưng không thực hiện theo quy định.

Nhằm tháo gỡ "thẻ vàng" EC, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các sở, ngành, các địa phương tập trung xử lý dứt điểm các chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm các quy định về giám sát hành trình và các trường hợp chây ỳ, không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản từ năm 2023 đến tháng 8/2024.

Tổ công tác liên ngành của tỉnh Bình Định tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 và các vấn đề liên quan tới IUUIUU (viết tắt của Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing, được hiểu là hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý...) cho ngư dân Hoài Nhơn hoạt động ở vùng biển Kiên Giang. Ảnh: Ngô Thoại

Tổ công tác liên ngành của tỉnh Bình Định tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 và các vấn đề liên quan tới IUUIUU (viết tắt của Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing, được hiểu là hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý...) cho ngư dân Hoài Nhơn hoạt động ở vùng biển Kiên Giang. Ảnh: Ngô Thoại

Theo đó, đối với các chủ tàu cá đã có quyết định xử phạt hành chính nhưng không tự nguyện thi hành, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Bộ đội Biên phòng tỉnh này phối hợp với Văn phòng đăng ký đất đai (Sở TN&MT tỉnh) xác minh, tìm hiểu thông tin về đất đai, nhà ở và tài sản gắn liền với đất; phối hợp với các tổ chức tín dụng tìm hiểu về tài khoản ngân hàng, thông tin về tiền gửi, tài sản gửi… thực hiện cưỡng chế theo quy định.

Lực lương biên phòng phối họp với công an, các cấp chính quyền tiến hành làm việc với các ngư dân, nhát là thuyền trưởng, các chủ tàu cá khi được nước ngoài trao trả về nước; khẩn trương xác minh, thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ, báo cáo UBND tỉnh có quyết định xử phạt hành chính phù hợp.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao công an phối hợp với bộ đội biên phòng chủ động nắm tình hình, củng cố tài liệu, chứng cứ; xây dựng kế hoạch nghiệp vụ, xác lập chuyên án chung để đấu tranh với các hành vi vi phạm theo Nghị quyết số 4 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về các quy định và chế tài xử lý hình sự đối với cụ thể từng hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản và hậu quả về pháp lý, tài sản, tính mạng, sức khỏe của ngư dân.

Chủ tịch tỉnh giao Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định theo dõi, giám sát đội tàu, tập trung chú ý vào các trường hợp tàu cá hoạt động trên biển mất kết nối giám sát hành trình từ 6 – 10 ngày để có biện pháp khoanh vùng, xử lý.

Ngành chức năng tỉnh Bình Định làm việc các ngư dân, chủ tàu cá của tỉnh hoạt động ở khu vực phía Nam để ngăn chặn vi phạm IUU. Ảnh: Lê Bích

Ngành chức năng tỉnh Bình Định làm việc các ngư dân, chủ tàu cá của tỉnh hoạt động ở khu vực phía Nam để ngăn chặn vi phạm IUU. Ảnh: Lê Bích

Theo UBND tỉnh Bình Định, từ sau đợt kiểm tra của Đoàn Thanh tra EC vào tháng 10/2023, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo triển khai quyết liệt và đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác này.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc cấp đăng ký cho 942 tàu cá chưa đăng ký (tàu cá 3 không - không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản); 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên (3.213 tàu) tham gia hoạt động đánh bắt hải sản đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập cảng cá và trạm kiểm soát Biên phòng, không cho xuất bến khi không có tín hiệu thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.

Tàu cá của ngư dân Bình Định neo đậu tại cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ảnh: Thu Dịu

Tàu cá của ngư dân Bình Định neo đậu tại cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ảnh: Thu Dịu

Cùng với đó, công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác cũng được thực hiện đảm bảo theo quy định.

Đặc biệt, tỉnh đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm IUU, nhất là tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Bình Định đã xử phạt 83 trường hợp vi phạm IUU với số tiền trên 5,8 tỷ đồng, trong đó, xử phạt vi phạm vùng biển nước ngoài 5 trường hợp với số tiền 4,5 tỷ đồng, xử phạt vi phạm thiết bị giám sát hành trình 27 trường hợp với số tiền 745 triệu đồng và xử phạt các hành vi khác 51 trường hợp với số tiền trên 611 triệu đồng.

Dù triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, đến nay, tình trạng tàu cá của ngư dân Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn chưa chấm dứt. Từ tháng 10/2023 đến tháng nay, tỉnh Bình Định ghi nhận 8 trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, cả 8/8 tàu đều xuất bến ngoài tỉnh.

Nguyễn Thị Thu Dịu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/binh-dinhcuong-che-tai-san-xu-phat-nghiem-cac-chu-tau-ca-vi-pham-iuu-204240908102756538.htm