Bình Định: Đầu tư tiền tỷ xây chợ rồi bỏ hoang, cỏ mọc um tùm
Một số công trình ở Bình Định có vốn đầu tư từ 500 triệu đến cả chục tỷ đồng phục vụ dân sinh nhưng xây xong không sử dụng, bỏ hoang gây lãng phí.
Chợ trung tâm xã xây xong đóng cửa
Công trình chợ trung tâm xã Canh Hiệp (xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh) được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, chợ có mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, ngân sách huyện và người dân đóng góp.
Tháng 8/2022, các hạng mục thuộc giai đoạn 1 của công trình chợ trung tâm xã Canh Hiệp đã được nghiệm thu, bàn giao cho UBND xã Canh Hiệp quản lý, sử dụng.
Các hạng mục đã được hoàn thành: San nền với diện tích hơn 12.000m2; xây dựng bờ kè, xây nhà ki ốt, nhà để xe; bể nước ngầm, mương thoát nước; lắp đặt hệ thống điện, nước và phòng cháy chữa cháy... Tuy nhiên, đến nay chợ này vẫn chưa đi vào hoạt động. Các ki ốt luôn đóng kín cửa.
Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Lương Đình Tiên cho hay, lý do chợ chưa hoạt động vì chờ tiếp tục khởi công giai đoạn 2 gồm các hạng mục nhà lồng để bán thực phẩm tươi, khu xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường...
"Khi giai đoạn 2 hoàn thiện, đầy đủ các hạng mục, chợ trung tâm xã Canh Hiệp mới có thể đưa vào hoạt động được", ông Tiên giải thích.
Dừng hoạt động vì không ai... đến
Chợ bò Nhơn Lộc (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn) được UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ hơn 580 triệu đồng, xây dựng trên diện tích 2.500m2 nằm sát khu dân cư. Công trình được khánh thành, đưa vào hoạt động từ tháng 9/2019 với mục đích giúp người dân thuận lợi mua bán bò, tránh bị chèn ép giá.
Công trình gồm các hạng mục: nhà chuyên dùng, trụ cột bò, cầu thang dẫn bò lên xe tải...
Theo kế hoạch ban đầu, chợ bò Nhơn Lộc sẽ họp theo phiên, định kỳ 5 ngày một lần. Tuy nhiên, hoạt động được chưa đầy một năm, chợ dừng cho đến nay.
Theo ghi nhận ngày 2/5, chợ bò Nhơn Lộc cửa đóng then cài, bên trong cây cối mọc um tùm, các hạng mục xuống cấp.
“Bò bây giờ họ tới tận nhà mua hết chứ đâu có đem ra chợ đâu. Chợ xây rồi hoạt động được mấy bữa là ngừng, bỏ không đến giờ rất lãng phí”, bà Trương Thị Lành, trú thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, chia sẻ.
Chợ bò Nhơn Hậu (thôn Thiết Trụ, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn) cũng rơi vào cảnh tương tự.
Công trình này được xây dựng trên diện tích 1.500m2, với số vốn đầu tư 490 triệu đồng do tỉnh Bình Định hỗ trợ, hoàn thành vào tháng 5/2019.
Chợ xây xong, UBND xã Nhơn Hậu tổ chức phiên chợ đầu tiên nhưng không có giao dịch mua bán bò nào. Từ đó, chợ cũng đóng cửa.
Ngày 3/5, trao đổi với PV. VietNamNet, ông Giả Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu, cho biết Nhơn Hậu là vùng nuôi bò lớn của thị xã An Nhơn. Những năm trước, người dân mua bán bò nhen nhóm ở các tụ điểm. Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định có chủ trương xây dựng chợ bò để tạo điều kiện cho người dân mua bán bò.
Tuy nhiên, thời điểm triển khai chợ không còn phù hợp do xã chủ yếu là nuôi bò sinh sản và bò giống thịt. Người dân bán bò mẹ thì dễ, nhưng bán bê lại khó bởi khi dẫn bê ra chợ phải dẫn theo cả bò mẹ.
Đến nay công nghệ phát triển, người dân có thể đi chợ online. Họ trao đổi qua điện thoại, mạng xã hội, sau đó thương lái tới tận nhà để bắt đỡ tốn thời gian, công sức cho cả hai bên.
Do đó, chợ bò đóng cửa cho đến nay.
“Hai năm trước chúng tôi có giao chợ bò cho một hộ dân bảo quản và cắt cỏ. Xã đang tính cho người dân thuê làm nơi phân loại, chế biến rau hữu cơ, tuy không đúng mục đích nhưng tránh lãng phí”, ông Thọ nói.