Bình Định đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng

Những nỗ lực và định hướng của ngành Ngân hàng Bình Định trong chuyển đổi số, không chỉ góp phần thực hiện thành công Đề án 06 mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững, hiện đại hóa ngành Ngân hàng tại địa phương.

Nhằm góp phần thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), ngành Ngân hàng tỉnh Bình Định đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện tại địa phương.

Bà Ngô Thị Minh Thu, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Bình Định cho biết, NHNN chi nhánh tỉnh đã tăng cường chỉ đạo cán bộ, công chức trong đơn vị và các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện nghiêm Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án 06, cùng các văn bản chỉ đạo của NHNN và UBND tỉnh về nội dung này.

Ngành Ngân hàng trên địa bàn Bình Định đang đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngành Ngân hàng trên địa bàn Bình Định đang đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt.

NHNN chi nhánh Bình Định đã ban hành văn bản số 170/BIĐ2 để triển khai các nội dung liên quan đến Đề án 06. Theo đó, các TCTD phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Công an địa phương hỗ trợ vay tín chấp cho hộ nghèo, người có công và các đối tượng chính sách khác. Việc xác thực thông tin được thực hiện qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và ứng dụng VNeID. Đồng thời, NHNN cũng đề nghị các đơn vị đẩy mạnh chi trả an sinh xã hội từ ngân sách nhà nước qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc tài khoản mobile money.

Chi đoàn NHNN chi nhánh tỉnh đã phối hợp với các chi đoàn TCTD trên địa bàn tổ chức chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 và giáo dục tài chính. Chương trình nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số một cách an toàn, bảo mật, đồng thời cảnh báo các nguy cơ mất an toàn thông tin. Ngoài ra, một chương trình roadshow với chủ đề “Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024” cũng được tổ chức để quảng bá vai trò của chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng và nâng cao nhận thức của người dân về thanh toán không dùng tiền mặt.

Các TCTD trên địa bàn Bình Định tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Các TCTD trên địa bàn Bình Định tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, nhằm hạn chế rủi ro tội phạm lợi dụng tài khoản thanh toán cho mục đích gian lận, NHNN chi nhánh Bình Định đã phối hợp với Công an tỉnh tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng và phòng, chống tội phạm trên không gian mạng”. Hội nghị đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức bảo mật cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Ngân hàng, đồng thời trang bị thêm kiến thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân và phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Về phía các TCTD trên địa bàn cũng đẩy mạnh triển khai hạ tầng và dịch vụ thanh toán hiện đại, đảm bảo hoạt động hiệu quả và an toàn. Các sản phẩm thanh toán điện tử trong khu vực hành chính công như thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí và chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Một số ngân hàng thương mại trên địa bàn đã triển khai dịch vụ liên kết mở tài khoản nhận chi trả an sinh xã hội qua VNeID. Đây là bước tiến quan trọng trong việc phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng Dữ liệu Dân cư và Căn cước công dân (RAR) thuộc Bộ Công an nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong triển khai Đề án 06.

Quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng Bình Định cũng như ở một số địa phương khác còn gặp những hạn chế, khó khăn.

Quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng Bình Định cũng như ở một số địa phương khác còn gặp những hạn chế, khó khăn.

Tuy nhiên, bà Ngô Thị Minh Thu cũng cho biết, quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng tại Bình Định còn gặp những thách thức, khó khăn. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi khuôn khổ pháp lý phải liên tục được hoàn thiện. Bên cạnh, rủi ro an ninh mạng ngày càng gia tăng khiến việc đảm bảo an toàn thông tin trở nên khó khăn, cần đầu tư nhiều nguồn lực.

Ngoài ra, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với các đối tượng hưởng chính sách xã hội cũng gặp khó khăn, đặc biệt với người lớn tuổi và người khuyết tật, do họ gặp trở ngại trong thao tác trên điện thoại thông minh hoặc máy ATM…

Những nỗ lực và định hướng của ngành Ngân hàng Bình Định trong chuyển đổi số không chỉ góp phần thực hiện thành công Đề án 06 mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững, hiện đại hóa ngành Ngân hàng tại địa phương.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/binh-dinh-day-manh-chuyen-doi-so-trong-nganh-ngan-hang-159284.html