Bình Định: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024
Tỉnh Bình Định đã xác định đầu tư công có vai trò then chốt thúc đẩy tăng trưởng và là cú hích cho nền kinh tế. Trao đổi với phóng viên Thời Báo Tài chính Việt. Nam, ông Lê Hoàng Nghi - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quý I/2024 công tác giải ngân vốn đầu tư công đã đạt kết quả tích cực và hiện tiếp tục đẩy mạnh hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn trong năm 2024.
Điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công
PV: Xin ông cho cho biết, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh cho đến nay?
Ông Lê Hoàng Nghi: Tính đến ngày 30/4/2024 giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 1.908,5 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt 25,91% (bình quân cả nước là 17,46%). Còn so với kế hoạch được HĐND tỉnh giao là đạt tỷ lệ 22,13% (bình quân cả nước là 16,18%), trong đó một số nguồn chính:
Vốn ngân sách tỉnh: 1.526,5 tỷ đồng, đạt 20,78% kế hoạch vốn giao (nguồn thu tiền sử dụng đất: 1.157,3 tỷ đồng, đạt 19,03. Riêng Nguồn thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh là 595,8 tỷ đồng, đạt 16.55%).
Vốn ngân sách trung ương: 381,9 tỷ đồng trên kế hoạch vốn của trung ương phân bổ cho tỉnh là 1.276,9 tỷ đồng, đạt 29,91%, bao gồm vốn trong nước: 315,6 tỷ đồng, đạt 28,9% (vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu đạt 31,52%; vốn trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia đạt 23,12%); vốn nước ngoài: 66,4 tỷ đồng, đạt 35,9%.
Giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đến 31/5/2024 là 2.641,4 tỷ đồng. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (7.365,6 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 35,86%; so với kế hoạch HĐND tỉnh giao (8.967,6 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 29,46% kế hoạch vốn. Trong đó, giải ngân nguồn vốn ngân sách địa phương là 28,62%, trong đó từ nguồn thu tiền sử dụng đất là 27,19%.
Ngoài ra, giá trị giải ngân một số nguồn vốn khác như sau: vốn trung ương hỗ trợ theo mục tiêu là 34,37%; vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt 27,07%; vốn nước ngoài (ODA) đạt 49% kế hoạch năm. So với cùng kỳ, giá trị giải ngân cao hơn 39,152 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân cao hơn 2,45%.
Như vậy, với giá trị và tỷ lệ giải ngân nêu trên, tình hình giải ngân của tỉnh Bình Định trong 4 tháng đầu năm đã đạt cao hơn mức bình quân của cả nước.
PV: Thị trường bất động sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vậy có ảnh hưởng gì đến công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh không, thưa ông?
Ông Lê Hoàng Nghi: Đúng là vướng mắc chủ yếu ở đây là ảnh hưởng từ những khó khăn của thị trường bất động sản thời gian qua, khiến cho kế hoạch thu tiền sử dụng đất của tỉnh cũng phần nào chậm theo.
Một số dự án mặc dù đã có khối lượng thanh toán nhưng chưa đảm bảo nguồn để thanh toán.
Một số dự án trọng điểm của tỉnh vẫn còn tình trạng thiếu nguồn lực như: Dự án Xây dựng Tuyến đường nối từ Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với Cảng Quy Nhơn; dự án Xây dựng tuyến Đường ven biển (ĐT.639) đoạn từ Quốc lộ 1D - Quốc lộ 19 mới…
Hiện nay các dự án đầu tư công vẫn đang triển khai đúng tiến độ theo hợp đồng đã ký kết và theo quy định của Luật Đầu tư công (nhóm C không quá 3 năm; nhóm B không quá 4 năm và nhóm A không quá 6 năm). Tuy nhiên, do nguồn thu tiền sử dụng đất trong các tháng đầu năm còn hạn chế, cộng thêm việc trung ương chưa giao kế hoạch năm 2024 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, nên một số dự án trọng điểm của tỉnh vẫn còn tình trạng thiếu nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
PV: Vậy, tỉnh đã giải quyết những vướng mắc này ra sao, thưa ông?
Ông Lê Hoàng Nghi: Với mục tiêu phấn đấu giải ngân đạt 100% tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2024. Cụ thể, đến hết quý II/2024 đạt trên 40%, hết quý III/2024 đạt trên 60%; đến hết quý IV/2024 đạt trên 90% (riêng kế hoạch vốn năm 2023 được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài sang năm 2024 đạt 100%) và đến hết ngày 31/01/2025 phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch vốn năm 2024.
Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 09/01/2024 về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý năm 2024, qua đó sẽ thực hiện một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính:
Một là, rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024: thực hiện các mốc thời gian điều chỉnh nếu tỷ lệ giải ngân không đạt (các mốc cụ thể: 31/5/2024, 31/7/2024, 31/10/2024).
Hai là, đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 được phép kéo dài sang năm 2024 đảm bảo hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn trong thời hạn được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân. Các chủ đầu tư, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố tự cân đối nguồn vốn để bố trí cho các dự án đã được giao kế hoạch nhưng không giải ngân hết nguồn vốn này.
Ba là, tập trung thực hiện hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đối với các dự án đã được giao kế hoạch năm 2024 trong công tác nhập dự toán chi đầu tư phát triển (bao gồm phần điều chỉnh, bổ sung trong năm) trên hệ thống Tabmis; lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành, thanh toán, giải ngân điện tử trên nền tảng số, đảm bảo an toàn, bảo mật, thuận tiện cho chủ đầu tư; hồ sơ thanh toán, tạm ứng, thu hồi tạm ứng…
Bốn là, cơ quan tham mưu tổng hợp, các cơ quan có chức năng thẩm định chuyên ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp tốt với các chủ đầu tư để kịp thời phát hiện các điểm nghẽn trong thực hiện dự án, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, xử lý các khó khăn vướng mắc kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đồng thời, gắn công tác giải ngân với công tác thi đua khen thưởng và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.
Thu hút đầu tư chiến lược trong và ngoài nước
PV: Ông chia sẻ định hướng của tỉnh về giải quyết môi trường đầu tư công cho các nhà đầu tư trong thời gian tới, cũng như phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt kết quả cao?
Ông Lê Hoàng Nghi: Trước những yêu cầu mới, trong thời gian tới, nhằm thực hiện cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, chúng tôi đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các tục hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt và trình phê duyệt dự án đầu tư, đấu thầu, cấp phép đầu tư.
Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong đó, ưu tiên tập trung ở các khâu như: đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, giải quyết thủ tục giao đất…
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định, đặc biệt là một số dự án lớn. Trước mắt sẽ tập trung vào tổ chức xúc tiến, theo dõi, hỗ trợ các thủ tục và triển khai các dự án có vốn đầu tư lớn. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tổ chức đấu giá, đấu thầu các dự án đã đủ điều kiện để sớm tạo nguồn thu.
Ngoài ra, đôn đốc các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhóm giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI theo Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 17/05/2022 của UBND tỉnh về cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) đến năm 2025.
Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽphối hợp các cơ quan liên quan thực hiện đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã được UBND tỉnh giao chỉ tiêu tại Quyết định số 4647/QĐ-UBND ngày 14/12/2023, trong đó phấn đấu năm 2024 thu hút mới 100 dự án, 1.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Chủ động tiếp cận, mời gọi nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước tiến hành nghiên cứu, khảo sát và đề xuất các dự án trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ mời các tổ chức uy tín như EUROCHAM, JICA, KOICA, AMCHAM, VKBIA…về khảo sát thực tế tại tỉnh từ đó làm cầu nối đến các nhà đầu tư tiềm năng trên toàn thế giới.
Hiện nay, tỉnh vẫn đang tích cực chỉ đạo các ngành Tài chính, sở Tài nguyên và Môi trường, sở Kế hoạch và Đầu tư, cùng các đơn vị phát triển quỹ đất của tỉnh bám sát điều kiện thực tế của địa phương, tiếp tục phấn đấu thu đạt kế hoạch năm 2024 đề ra. Trong đó, dựa trên cơ sở tính toán chi tiết theo từng loại đất (đất ở, đất tái định cư, đất dự án), có địa chỉ từng lô đất, từng dự án, từng đầu mối giao cụ thể và phân kỳ thu theo từng tháng, từng quý để phấn đấu hoàn thành kế hoạch.
Đồng thời tiếp tục đề nghị trung ương sớm bổ sung kế hoạch vốn năm 2024 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trong những tháng còn lại của năm 2024./.