Bình Định: Hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế được các cấp Hội phụ nữ Bình Định xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chương trình, hoạt động của Hội. Vì vậy, Đề án 'Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp' đã tạo động lực mới, khơi nguồn sáng tạo thúc đẩy phụ nữ vươn lên khởi nghiệp thành công.
Nuôi dưỡng ý tưởng, khát vọng làm kinh tế
Các cấp Hội Bình Định đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận thị trường, sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Trong đó, quan tâm hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh như một "luồng gió mới" tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp lại càng khó hơn. Với sản phẩm làm từ xơ dừa Bình Định như bàn chải sơ dừa, chổi sơ dừa… của chị Lê Thị Mến, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân đã được Hội LHPN tỉnh Bình Định trao giải nhì Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo" năm 2022 và đạt giải khuyến khích cấp Trung ương. Sản phẩm bàn chải sơ dừa được giới thiệu nhiều nơi biết đến.
Thành công của chị Mến là kết quả của quá trình khởi nghiệp bằng ý chí, nghị lực và quyết tâm cùng với sự quan tâm của tổ chức hội phụ nữ, chính quyền địa phương tạo điều kiện về pháp lý, động viên khích lệ chị vượt qua thử thách. Hiện nay, xưởng sản xuất của gia đình chị Mến đang tạo việc làm cho nhiều lao động và là điểm học tập, chia sẻ kinh nghiệm của nhiều đoàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Hay như chị Trương Thị Xuân Hòa - xã Nhơn Thọ, Thị xã An Nhơn- thí sinh đạt giải nhất với ý tưởng "Vang nếp Classic" - với mong muốn ấp ủ từ lâu là quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với mọi miền đất nước. Điểm đặc biệt là hương vị của rượu vang được ủ từ gạo nếp chứ không phải từ trái cây giống như cái loại rượu khác. Sản phẩm Vang nếp Classic mang đến hương vị khác biệt và có lợi cho sức khỏe mà chủ dự án muốn hướng đến.
Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm phát huy tiềm năng, cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Điều này không chỉ vì quyền lợi của phụ nữ mà còn góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi địa phương. Hai mô hình khởi nghiệp trên trong số hàng trăm mô hình khởi nghiệp phát triển kinh tế của phụ nữ Bình Định đã đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng mạnh mẽ, khích lệ các tầng lớp phụ nữ cùng tham gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận phụ nữ vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ định kiến giới, sự bất bình đẳng trong môi trường làm việc, khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ còn hạn chế; thiếu cơ hội tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại...
Bền bỉ đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế - khởi nghiệp
Dù phải đối mặt với nhiều thách thức, song những năm qua, Hội LHPN tỉnh Bình Định luôn xác định nội dung vận động, hỗ trợ sinh kế, cải thiện cuộc sống, sáng tạo khởi nghiệp cho hội viên, phụ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đã và đang trở thành phong trào trong các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh cụ thể: Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 55.828 lượt hội viên phụ nữ; phối hợp vận động hội viên phụ nữ tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực, chuyển giao KHKT, đào tạo nghề cho 4.444 lao động nữ. Hỗ trợ, kết nối vay vốn từ Ngân hàng CSXH và các nguồn vận động khác giúp cho 953 chị khởi nghiệp với số tiền hơn 17 tỷ đồng. Hội LHPN tỉnh duy trì tổ chức Cuộc thi để tìm kiếm các ý tưởng mới, mang tính khả thi… nhằm thúc đẩy chị em hiện thực hóa ý tưởng và kết nối tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp nữ, HTX, chủ hộ kinh doanh.
Chị Hoàng Thị Thanh Nhã, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Định, cho biết: "Nếu như trước đây hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập trung nhiều vào việc tiếp cận tín dụng, trong đó chủ yếu là tín dụng chính sách, thì nay với yêu cầu của đề án, việc hỗ trợ phải đồng bộ từ trang bị kiến thức, kỹ năng, kết nối vốn, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu... nhằm tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất, kinh doanh của chị em. Hàng năm, Hội LHPN tỉnh Bình Định tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực khởi sự kinh doanh và xây dựng các ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp cho hội viên, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, có nhu cầu khởi sự kinh doanh; Định hướng, gợi mở cho chị em khởi nghiệp ngành, nghề phù hợp, xây dựng kế hoạch, lộ trình khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Hội LHPN tỉnh Bình Định cũng đã kết nối các nguồn lực xã hội hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thúc đẩy hình thành các Câu lạc bộ, Hiệp hội nữ doanh nhân, khuyến khích doanh nghiệp nữ thành lập mới, góp phần nâng tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ".
Đến nay, phong trào thi đua phát triển kinh tế và khởi nghiệp trong hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh Bình Định đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ. Điều này không chỉ thể hiện qua hàng trăm sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ, mà còn thay đổi nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp. Chính từ phong trào thi đua phát triển kinh tế và khởi nghiệp, giúp nhiều chị em phụ nữ vượt qua tâm lý tự ti, an phận, chủ động tìm đến Hội để nâng cao kiến thức về kinh doanh, biết thích ứng với quy luật kinh tế thị trường, vươn lên phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần thu hút, tập hợp hội viên đến với tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động Hội trong giai đoạn mới.