Bình Định: Khởi động chương trình phân loại rác tại nguồn
Ngày 23/9, tại Bình Định, UBND TP Quy Nhơn và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) chính thức khởi động Chương trình Phân loại rác tại nguồn và khánh thành Cơ sở thu hồi Vật liệu (MRF).
Các sự kiện đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, cải thiện quản lý rác thải nhựa và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương.
Thành phố Quy Nhơn đã có nhiều nỗ lực đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả quản lý rác thải. Với khối lượng rác thải nhựa chiếm gần 20% tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh hàng ngày, thành phố chủ động tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để xử lý rác thải nhựa.
Chương trình Phân loại rác tại nguồn, được triển khai thí điểm tại 2 phường Ngô Mây và Nguyễn Văn Cừ, với sự tham gia của 8.000 hộ gia đình và 200 lao động phi chính thức. Chương trình dự kiến sẽ được mở rộng ra toàn thành phố vào tháng 7/2025.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn nhấn mạnh những nỗ lực không ngừng của thành phố trong việc duy trì danh hiệu là một thành phố sạch.
"Quy Nhơn tự hào đã được trao giải thưởng Thành phố du lịch sạch ASEAN năm 2020 và tiếp tục đạt Giải thưởng Thành phố du lịch sạch ASEAN giai đoạn 2024-2026. Thông qua Chương trình Phân loại rác tại nguồn, chúng tôi cam kết giữ vững danh hiệu này và đảm bảo rằng thành phố của chúng tôi sẽ tiếp tục là chuẩn mực của sự bền vững về môi trường”, ông Toàn nhấn mạnh.
Bằng cách thí điểm chương trình tại 2 phường và mở rộng toàn thành phố vào năm 2025, TP Quy Nhơn đặt mục tiêu cải thiện đáng kể các thực tiễn quản lý rác thải, góp phần vào môi trường sạch hơn và phát triển lâu dài của thành phố.
Bà Mette Møglestue, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam nhận định tầm quan trọng của đổi mới và phân loại rác tại nguồn. Theo bà Mette Møglestue, phân loại rác tại nguồn là yếu tố quan trọng cho quản lý rác thải và tái chế. Đây là nền tảng cho bất kỳ sự can thiệp hệ thống nào dọc theo chuỗi giá trị rác thải. Đổi mới là điều cần thiết cho một hệ thống quản lý rác thải thông minh, tốt hơn và hiệu quả hơn.
Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cũng nhấn mạnh sự hỗ trợ liên tục của Na Uy đối với các nỗ lực phát triển kinh tế tuần hoàn và quản lý rác thải tại Việt Nam, đặc biệt là tại những khu vực như Quy Nhơn.
Trong khuôn khổ sự kiện, thành phố Quy Nhơn cũng đã tổ chức Lễ Khánh thành Cơ sở thu hồi Vật liệu (MRF) tại Khu Xử lý chất thải Long Mỹ. Được vận hành bởi Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định, MRF là một mô hình kinh doanh tuần hoàn, giúp đẩy nhanh quá trình quản lý rác thải nhựa.
Với sự hỗ trợ của UNDP và chính quyền địa phương, cơ sở này sẽ tiếp nhận các vật liệu có thể tái chế được thu gom từ Chương trình Phân loại rác tại nguồn, phân loại chúng trước khi chuyển đến các đơn vị tái chế.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam bày tỏ sự hào hứng với những bước tiến này.
"Việc khởi động Chương trình Phân loại rác tại nguồn hôm nay, cùng với lễ khánh thành MRF và Ngày Đổi mới sáng tạo Giảm thiểu chất thải nhựa, đánh dấu những cột mốc quan trọng trong hành trình chung của chúng ta hướng tới quản lý rác thải bền vững và một tương lai bền vững hơn cho thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định”, bà Ramla Khalidi phát biểu.
Bà Ramla Khalidi đánh giá cao vai trò quan trọng của các đối tác trong việc đảm bảo thành công lâu dài của các sáng kiến này.
Chia sẻ về mối quan hệ hợp tác, ông Trần Văn Tám - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tái chế nhựa Duy Tân cho biết, việc khánh thành cơ sở MRF là minh chứng cho nỗ lực chung của chúng ta trong việc giảm thiểu rác thải, thúc đẩy tái chế và tối ưu hóa nguồn tài nguyên cho một nền kinh tế tuần hoàn.
Công ty Duy Tân sẽ hợp tác chặt chẽ với MRF để hoàn thiện vòng đời của nhựa, biến rác thải nhựa thành nguyên liệu tái chế và quay lại chuỗi sản xuất.
Ông Nguyễn Tấn Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định nhấn mạnh tác động môi trường và kinh tế của cơ sở. Theo ông Nghĩa, với việc vận hành MRF, doanh nghiệp đặt mục tiêu thu hồi khoảng 4 tấn rác thải nhựa mỗi ngày, ngăn chúng bị đưa vào bãi chôn lấp hoặc rò rỉ ra môi trường.
Sáng kiến này sẽ tạo ra các việc làm xanh cho cả lao động chính thức và phi chính thức, đồng thời góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn phát thải thấp tại thành phố Quy Nhơn.
Buổi lễ kết thúc với chuyến thăm thực tế tại cơ sở MRF mới được xây dựng, nơi các đại biểu có cơ hội chứng kiến các quy trình và công nghệ sẽ thúc đẩy tái chế nhựa tại TP Quy Nhơn.
Được tài trợ bởi Chính phủ Na Uy, dự án Phân loại rác tại nguồn kéo dài 3 năm mang tên “Nhân rộng các mô hình quản lý chất thải tổng hợp thông qua việc trao quyền cho đối tượng lao động thuộc khu vực phi chính thức và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” nhằm triển khai và thử nghiệm các giải pháp, bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho lao động phi chính thức, mô hình quản lý trong ngành thủy sản và tiếp cận chuỗi giá trị cấp hệ sinh thái thông qua việc thành lập Cơ sở thu hồi Vật liệu, sẽ được thí điểm tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.